Khác với các công trình xây dựng thủy điện từ trước đến nay, ngày khởi công dự án Thủy điện Sơn La đồng thời cũng là thời khắc ngăn sông Đà đợt 1. Thời điểm đó dự kiến vào vào ngày 2/12 tới. Thời gian đến lễ khởi công được tính từng ngày, từng giờ. Việc tháo dỡ đê quai, cho nước sông Đà chảy vào kênh và cống dẫn dòng sáng 13/11 đã trở thành một sự kiện, một dấu ấn khó quên không chỉ với người dân Mường La, mà với cả 5.200 cán bộ, công nhân - lao động đang xây dựng công trình.
Nổ mìn tháo dỡ đê quai trên công trình thuỷ điện Sơn La. Ảnh: Thuỷ Hà
Niềm vui đúng hẹn
Đúng 9 giờ sáng 13/11, TCty Sông Đà đã phát lệnh nổ quả mìn hiệu từ phía đê quai hạ lưu. Sau tiếng mìn chờ đợi của gần 1.000 ngày chuẩn bị mặt bằng và hệ thống hạ tầng, cả công trường xây dựng Thủy điện Sơn La náo nức, nhộn nhịp. Phó Giám đốc điều hành dự án nhà máy thủy điện Sơn La của TCty Sông Đà Phạm Văn Kiểm cho biết: "Hơn 1.000 cán bộ, công nhân và nhân dân huyện Mường La đến chứng kiến thợ Sông Đà dỡ đê quai giai đoạn 1, chính thức đưa nước sông Đà chảy qua kênh và cống dẫn dòng. Đây là công việc rất quan trọng cho việc lấn dòng đê quai giai đoạn 2 phục vụ ngăn sông và lễ khởi công vào đầu tháng 12. Trong nghề xây dựng thủy điện, đó cũng là một khâu công việc hết sức quan trọng quyết định sự thành công của người thợ. Vì thế TCty Sông Đà - đơn vị được Chính phủ giao Tổng thầu xây dựng dự án - đã chuẩn bị rất chu đáo".
Từ sớm tinh sương, các đơn vị thi công đã tập kết tại hiện trường. Lực lượng thiết bị xe máy huy động cho sự kiện này gồm 6 máy ủi, 20 ôtô, 6 máy xúc... sẵn sàng đợi lệnh xuất phát. Những gương mặt thợ ngành Xây dựng phấn chấn, người già Mường La ngạc nhiên, và những người thợ làm thủy điện khi thấy giây phút cột khói mìn lan toả, dòng nước được chảy vào kênh dẫn là phút giây thiêng liêng không nói nên lời. Phó TGĐ TCty Điện lực Việt Nam, Giám đốc BQL dự án Thuỷ điện Sơn La Vũ Đức Thìn phấn khởi cho biết thêm: Sau gần 3 năm triển khai ở dự án này, các hệ thống đường giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc đều đã hoàn tất. Để chuẩn bị cho ngày khởi công, những người thợ xây dựng đã đào đắp hơn 4,1 triệu m3 đất đá, hơn 200 nghìn m3 bêtông, gia công 1.400 tấn thiết bị cửa cống. Ngày 11/11, Thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã báo cáo Chủ tịch Hội đồng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân và cho phép công trường tháo nước vào kênh và cống dẫn dòng. Sau gần 2 giờ đồng hồ, nước ở trong kênh đã đạt cao trình 116,8m, chỉ cách mức nước ngoài sông 1m nước sông Đà 117,8m khoảng 30 phút nữa, thì chúng tôi cho tháo dỡ đê quai thượng lưu...". Công trường hiện có hơn 5.200 CBCN và lao động tham gia xây dựng, trong đó có hơn 400 kỹ sư của các Ban QLDA, Ban Điều hành TCty Sông Đà, LICOGI và nhiều đơn vị khác trong tổng thầu. Lực lượng kỹ sư, kỹ thuật đông và giỏi ở dự án này cũng là một điểm khác hơn với các dự án thủy điện trước đó. Điều đó còn có ý nghĩa khẳng định tầm quan trọng của công trình. Chợt nhớ, có lần đi ca ba với các đơn vị thi công, trong phút giải lao, một kỹ sư trẻ đã nói với chúng tôi: "Chúng em luôn có một tâm niệm đã ngấm vào máu rằng cứ chậm một ngày phát điện ở công trình này, Tổ quốc mất đi 1 triệu đôla. Nghĩa là, nếu phát điện được sớm một ngày đã làm lợi cho đất nước, nhân dân 1 triệu đôla. Nói đến đồng đôla, mẹ em ở chốn quê nhà cả đời lam lũ còn chưa nhìn thấy. Vì thế, mà chúng em ở đây ai cũng cố lên một chút để không bị mất mỗi triệu đôla mỗi ngày vì lý do chậm tiến độ...".
Trăn trở tìm việc
Trong niềm vui đón dòng nước chảy vào kênh và cống dẫn dòng thành công, không ai quên chuyện 10 ngày trước đó, cả công trường trong trạng thái báo động khi lũ bất thường ở thượng nguồn đổ về. Các nhà chuyên môn thủy văn cho hay: Đây là cơn lũ muộn, tần suất 100 năm mới có một lần. Hôm đó là ngày cuối tháng 10, cơn lũ bất thình lình ập về ngoài tầm tính toán của công trường. Suốt 2 đêm, một ngày, các "tư lệnh" công trường gồm ông Thái Phụng Nê, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước công trình thủy điện Sơn La; Phó TGĐ TCty Điện lực Việt Nam Vũ Đức Thìn, Phó TGĐ TCty Sông Đà Nguyễn Kim Tới và hàng trăm cán bộ, kỹ sư không ăn, không ngủ trần mình chống lũ. Mặc dù không xảy ra thiệt hại, và cả trăm năm mới có một lần lũ đột ngột trái mùa, nhưng dù sao đó cũng là một kinh nghiệm quý đối với nhiều người, và không thể không thừa nhận tinh thần quả cảm đương đầu với lũ, bảo vệ công trình của CBCN lao động trên công trường. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình trọng điểm, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước công trình thủy điện Sơn La đã đến kiểm tra, yêu cầu các đơn vị phải chuẩn bị chu đáo, bảo đảm chất lượng, phải tổ chức nghiệm thu, có kết quả nghiệm thu các khâu công việc sẵn sàng cho lễ khởi công.
Chỉ còn 2 tuần nữa là đến thời điểm ngăn sông và khởi công xây dựng một nhà máy thủy điện lớn của đất nước. Mỗi đơn vị thi công trên công trình đều có những cái đích phấn đấu, quyết tâm lớn trong cuộc thi đua vì "Dòng điện của Tổ quốc". Nhưng, bên cạnh bận rộn chuẩn bị cho ngày ngăn sông, rất dễ nhận thấy nét ưu tư trên nhiều gương mặt các giám đốc điều hành. Hỏi chuyện một số lãnh đạo các đơn vị thi công, các anh cho biết: "Mỗi lúc ra hiện trường là mỗi lần chất thêm nỗi lo hết việc. Chúng tôi bâng khuâng, lo âu không vì lo tiến độ, không phải sản lượng, mà lo làm sao để cả mấy nghìn con người có công ăn việc làm. Nếu không có việc, chúng tôi không thể giữ chân thợ...". Chỉ riêng TCty Sông Đà sẽ thiếu việc làm cho 2.000 người trong 9 tháng tới, kể từ sau khi ngăn sông và khởi công.
Có lẽ vì tìm việc làm cho người thợ, vì nhìn xa hơn những công trường sắp mở, nên ngay chiều 13/11, đoàn công tác của Phó TGĐ Vũ Đức Thìn lại ngược sông Đà khảo sát điểm xây cầu mới vượt sông Đà cho Thủy điện Lai Châu, ở Mường Lay...
Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 91, ngày 15/11/2005