Quan tâm, chăm lo nhà ở cho hộ nghèo

Thứ năm, 08/08/2024 14:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ còn khó khăn về nhà ở là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Bám sát chủ trương này, thời gian qua, các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương, tỉnh Ninh Bình đã tích cực tuyên truyền, vận động, huy động mọi nguồn lực để xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo.

Căn nhà được xây dựng từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội tỉnh của bà Nguyễn Thị Khuyên, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ảnh tư liệu: Hải Yến/TTXVN

Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” hàng trăm ngôi nhà "Đại đoàn kết" ấm áp, nghĩa tình đã được xây dựng để hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Huy động mọi nguồn lực

Là một trong những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo theo Nghị quyết 43/NQ-HĐND về "Quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025", bà Đinh Thị Xâm - hộ nghèo ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư không giấu nổi niềm xúc động. Sau nhiều năm sống trong ngôi nhà cũ xuống cấp, vừa qua, nhờ số tiền hỗ trợ 100 triệu đồng theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh, sự giúp đỡ của địa phương, người thân, hàng xóm, bà Xâm đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, kiên cố rộng gần 80 m2.

Bà Đinh Thị Xâm chia sẻ, bản thân sống một mình, hoàn cảnh khó khăn lại ốm đau, bệnh tật quanh năm nên việc tự xây nhà mới dường như là điều không thể với bà. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người thân, hàng xóm, ước mơ được sống trong ngôi nhà vững chãi của bà đã thành hiện thực.

Bằng nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ khác nhau, năm 2023, huyện Hoa Lư đã xây mới, sửa chữa nhà ở cho 43 hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở. Qua đó, góp phần thiết thực giúp họ an cư, ổn định cuộc sống. Trong số 43 ngôi nhà được xây mới, sửa chữa có 18 nhà được hỗ trợ xây dựng theo Nghị quyết 43/2023/NQ-HĐND với tổng kinh phí huy động hỗ trợ gần 4,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 1,7 tỷ đồng, còn lại là nguồn hỗ trợ từ địa phương và các nguồn hợp pháp khác.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ của tỉnh, năm 2023, Hoa Lư đã tích cực tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, cộng đồng xã hội chung tay, góp sức hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho 25 hộ gia đình chính sách, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền huy động trên 2 tỷ đồng. Nhờ đó tạo động lực giúp họ nỗ lực, cố gắng vươn lên xây sửa nhà khang trang, kiên cố để ổn định cuộc sống.

Theo Quyết định số 242/QĐ-UBND ngày 11/4/2024 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở năm 2024, huyện Hoa Lư có 23 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí hỗ trợ 1,95 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Hoàn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hoa Lư cho biết, những ngôi nhà ấm áp, nghĩa tình đã và đang được quan tâm xây dựng trên địa bàn huyện Hoa Lư thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, cộng đồng xã hội; thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Để Nghị quyết thực sự có hiệu quả, chính sách thực sự đi vào cuộc sống cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là làm tốt khâu rà soát, bình xét, lựa chọn đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định của Nghị quyết đảm bảo không trục lợi chính sách nhưng cũng không bỏ sót đối tượng…

Cú hích, đòn bẩy, nguồn lực quan trọng để các hộ nghèo có điều kiện xây, sửa ngôi nhà mới trong năm qua ở Ninh Bình chính là Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh - một chính sách mới ban hành tháng 3/2023 nhưng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Góp phần giảm nghèo

Mục tiêu tổng quát chung về giảm nghèo bền vững của tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn 2021 - 2025 là “giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”.

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu trên, thời gian qua, cùng với các chính sách giảm nghèo chung của Nhà nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và ban hành các chính sách đặc thù riêng. Nổi bật là tháng 3/2023, HĐND tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở hộ nghèo giai đoạn 2023 - 2025.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, các hộ gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi (với mức vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội; lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay 15 năm) theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, có 1.157 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở với kinh phí 57,85 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá cả và chi phí vật liệu xây dựng ngày càng tăng so với trước đây, dẫn đến chi phí làm nhà lớn, thường xuyên vượt quá khả năng chi trả của người dân nghèo dù được Nhà nước hỗ trợ. Để giải quyết thực trạng trên, Nghị quyết 43 của tỉnh Ninh Bình ra đời với mức hỗ trợ không hoàn lại 100 triệu đồng/căn xây mới, 50 triệu/căn sửa chữa thay vì cho vay như giai đoạn trước.

Đến nay, toàn tỉnh có 919 hộ nghèo được phê duyệt danh sách hỗ trợ xây mới và sửa chữa với tổng kinh phí 78,4 tỷ đồng; trong đó, 694 căn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Như vậy, chính sách hỗ trợ về nhà ở đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định hơn trong cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội.

Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian tới, để Nghị quyết tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn, góp phần vào mục tiêu chung của toàn tỉnh và cả nước là xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát với hộ nghèo trong năm 2025, Sở sẽ tiếp tục bám sát Nghị quyết số 43 để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Sở phối hợp với Sở Xây dựng và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương về quy trình, thủ tục làm hồ sơ theo quy định. Đặc biệt, Sở đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; tăng cường hơn nữa công tác vận động xã hội hóa, huy động sự chung tay của cộng đồng trong việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, để việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là điểm tựa, đòn bẩy giúp hộ nghèo an cư, tạo động lực cho hộ nghèo tự mình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)