Giải quyết những nút thắt lớn trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Thứ hai, 24/06/2024 15:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nhiều chuyên gia cho rằng Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô đã thể hiện nhiều đổi mới với tư duy đột phá, đặc biệt đã giải quyết những nút thắt lớn về giao thông, nước thải, chỉnh trang nội đô…

Quy hoạch Thủ đô đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển

Quy hoạch Thủ đô (Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với TPHCM, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Hà Nội xác định mục tiêu là thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Ảnh internet

Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị. 

Cùng với đó, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị. 

Quy hoạch Thủ đô gồm 5 vùng kinh tế - xã hội là: Vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: Đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam.

Hai đồ án chất chứa nhiều tham vọng của Thủ đô Hà Nội

Thảo luận tại phiên họp của Quốc hội bàn thảo nhiều nội dung quan trọng liên quan tới Quy hoạch Thủ đô Hà Nội diễn ra vào 20/6, các đại biểu đánh giá cao và cho rằng Quy hoạch Thủ đô (Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) và Quy hoạch chung Thủ đô (Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065) đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, coi đây là công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Là người đầu tiên bấm nút xin phát biểu góp ý vào Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn Hà Nội cho biết, ông rất mừng khi cầm trên tay 2 văn bản của Chính phủ và thành phố Hà Nội trình để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.

"Có thể nói đây là 2 văn bản rất trí tuệ, rất trách nhiệm, chứa đựng nhiều khát vọng của nhân dân Thủ đô Hà Nội cũng như của cả nước. Tôi rất mong các đại biểu Quốc hội tích cực đóng góp, Ban soạn thảo tích cực tiếp thu, sửa chữa để bản quy hoạch và đồ án được Quốc hội thông qua như tiến độ đã đề ra", ông Trí nói.

Về vấn đề quy hoạch lại thành phố, ông Trí cho rằng, cần phải có đường rộng để đi, có đường thoát khi xảy ra cháy nổ hay các sự cố nghiêm trọng khác.

"Phải giảm và tiến đến không còn nhà ống tại Hà Nội. Vấn đề này cần phải bàn với dân để tìm sự đồng thuận cao. Nhà ống đã tồn tại mấy chục năm nên rất khó xử lý, sửa chữa. Chúng ta cần hạn chế dần, không cho phép xây mới và quy hoạch lại để thay đổi", ông Trí nói.

Về phát triển đường trên cao, ông Trí đề nghị chỉ xây dựng ở ngoài, còn trong phố đông đúc và có nhiều nhà cao tầng thì nên hạn chế tối đa vì sẽ cản tầm nhìn và mất mỹ quan tổng thể.

"Về quy hoạch hệ thống y tế ở Thủ đô, cần phải thấy được rằng đây là quy hoạch y tế không chỉ cho nhân dân Thủ đô mà là quy hoạch cho một miền, thậm chí cả nước, vì hầu hết các bệnh viện lớn và đầu ngành đều tập trung ở đây. Các bệnh viện lớn, đặc biệt là chuyên khoa thì nên có những trung tâm y khoa, trong đó có các viện chuyên khoa để phối hợp với nhau tốt hơn. Việc mở rộng nên hướng ra ngoại vi với hệ thống đường xá tốt và có sân bay. Các bệnh viện đa khoa dưới 500 giường phải có ở các quận, huyện. Các phòng khám đa khoa phải có ở khắp các khu dân cư, tạo nên một hệ thống phục vụ trực tiếp cho dân, khi ốm đau dù nặng hay nhẹ cũng cần chỉ khoảng 15 phút là đến nơi", ông Trí nêu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đồng tình với việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD nhất là ngoại vi, kết nối vùng miền cả nước với tất cả các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không...

"Ở ngoại vi nơi có núi non, đồng bằng thì nên làm cầu cạn kết nối với các vùng miền khác để tránh phá vỡ tự nhiên và tiết kiệm được nguyên vật liệu. Nhiều đại biểu trước đây cũng đồng tình với ý kiến về việc làm cầu cạn như vậy", ông Trí nói.

Về không gian ngầm cần có một đồ án riêng, nên mời chuyên gia thật giỏi, có thể là quốc tế ở các nước tiên tiến để làm quy hoạch và vẽ đồ án.

Giải quyết 3 nút thắt lớn nhất của Thủ đô

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) chia sẻ mình là người may mắn tham gia vào quá trình xây dựng Quy hoạch Thủ đô. Đại biểu nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch tỉnh, nhưng không phải như các tỉnh khác, chỉ lập quy hoạch cho một địa phương, mà đây là quy hoạch cho Thủ đô của cả nước, mang tất cả những yếu tố, hội tụ, đại diện cho sự phát triển của cả nước. Chính vì vậy, quy hoạch này nhận được sự quan tâm, thu hút hàng trăm nhà khoa học cả nước, thuộc nhiều lĩnh vực để có được sản phẩm quy hoạch "hài lòng và yên tâm".

Để quy hoạch được triển khai thực hiện theo những điểm đã chỉ ra, theo đại biểu, có 3 vấn đề cần quan tâm: Giải quyết nút thắt lớn nhất của Thủ đô về giao thông, trong đó, trọng tâm là đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách khỏi hệ thống nước mưa, xây dựng khu vực xử lý nước thải cục bộ, tập trung và cuối cùng là cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân khu vực phố cổ để cải tạo, chỉnh trang lại khu vực nội đô lịch sử.

Phân tích sâu hơn về việc đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng đây sẽ là một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân, người dân có thể di chuyển đến bất kể một địa điểm nào trên khu vực Thủ đô. Theo đại biểu, khi sử dụng đường sắt thì các phương tiện giao thông cá nhân sẽ dần được thay thế và những vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay sẽ được giải quyết thông qua việc phát triển hệ thống đường sắt này.

Ngoài ra, khi mạng lưới đường sắt phát triển thì việc kết nối với các vùng ngoại thành sẽ giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô ra những vùng đô thị mới; đặc biệt là hệ thống đường sắt này còn kết nối với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam.

"Như vậy, các tỉnh đó, các đô thị sẽ gần đó sẽ như những đô thị vệ tinh để tạo ra kết nối phát triển, đồng thời cũng phân tán sự tập trung. Khi đã có được một hệ thống đường sắt như thế, tự động những khu vực đô thị hiện nay với nhiều vấn đề bức xúc như khu chung cư cũ, khu nhà dân thấp tầng lụp xụp, chen chúc, mất an toàn có thể xây dựng lên những mô hình đô thị hiện đại bằng cách dồn các khu nhà này lại để xây dựng 2-3 nhà cao tầng mới", đại biểu phân tích.

Mặt khác, theo đại biểu, quy hoạch sẽ phát triển hệ thống không gian ngầm bên dưới lòng đất trở thành một khu thương mại dịch vụ, còn trên mặt đất là không gian trống để phát triển cây xanh, phát triển công cộng... Đấy mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Quy hoạch Thủ đô đưa ra 8 quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi cho phát triển Thủ đô. Trong đó có quan điểm lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực phát triển chủ yếu. Phát triển sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, trục văn hoá di sản, du lịch văn hoá kết nối vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các "thành phố trong Thủ đô", các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái; kết hợp phát triển nông nghiệp nông thôn sinh thái, văn minh, có bản sắc của nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 được xác định, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%; GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88 - 0,90; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống...

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)