Chiều 29/11, trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 đã diễn ra Hội thảo với chủ đề "Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm".
Ông Cù Ngọc Trang - Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội chia sẻ về chuyển đổi số tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh
Tư duy quyết liệt của lãnh đạo giúp quá trình chuyển đổi số chuyển biến tích cực
Chia sẻ tại Hội thảo về những bài toán đang cần lời giải để xây dựng thành phố thông minh, ông Cù Ngọc Trang, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng thành phố thông minh. Hà Nội có dân số cơ học trên 10 triệu dân; là nơi tập trung các trụ sở, cơ quan, trường học, di tích… Chuyển đổi số tại Hà Nội là nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, so với dư địa phát triển, nhu cầu thiết yếu của người dân thì tiến trình chuyển đổi số của Hà Nội vẫn còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành khác.
Ông Cù Ngọc Trang cho biết, năm nay Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số; đặc biệt là sự tiên phong của lãnh đạo UBND Thành phố với tư duy rất quyết đoán và quyết liệt đã giúp quá trình chuyển đổi số có chuyển biến tích cực.
Tuy vậy, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, khó khăn ảnh hưởng đến tiến trình chuyển đổi số của Hà Nội là nhận thức và sự quyết tâm tại một số cơ sở còn chưa quyết liệt. Ngoài ra, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, nếu được ủng hộ thì tiến trình sẽ được diễn ra nhanh hơn và thực chất hơn. Bên cạnh đó, vấn đề dữ liệu còn chưa tập trung, chưa được chia sẻ kết nối…
Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội dẫn chứng, một năm Hà Nội phát sinh 4 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, gấp nhiều lần so với các tỉnh thành khác; xử lý khoảng hơn 1.800 thủ tục hành chính. Hà Nội đang quyết tâm thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến để giảm thiểu việc đi lại của người dân và tăng cường minh bạch, phòng ngừa tham nhũng.
Theo ông Cù Ngọc Trang, thách thức lớn nhất là người dân phải tham gia vào dịch vụ công trực tuyến. Muốn vậy, người dân phải có kỹ năng số và cũng mong muốn tham gia vào dịch vụ công. Vừa qua, Hà Nội đã miễn lệ phí một số dịch vụ công cho người dân. Tới đây, Hà Nội sẽ để cán bộ công chức đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đồng thời tuyên truyền cho người xung quanh về các tiện ích khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, Thành phố đang xây dựng vị trí việc làm cho bộ phận cán bộ "Một cửa", làm sao tạo hình ảnh thân thiện của cán bộ với người dân; xây dựng hệ thống giải quyết thủ tục hành chính phải thông minh, tiện ích cho người dân, tránh rườm rà. Bên cạnh đó, Thành phố tái cấu trúc và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc tái sử dụng các kết quả thủ tục hành chính để làm sao giảm thiểu thủ tục, tạo thuận tiện cho người dân. Hà Nội đang xây dựng kho dữ liệu cá nhân, tổ chức để khi giải quyết thủ tục hành chính người dân có thể lấy kết quả thủ tục đã được số hóa để giải quyết các thủ tục hành chính khác. Đồng thời, Thành phố tập trung giải quyết điểm nghẽn trong việc chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành.
Chia sẻ một số công việc sắp tới, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, Thành phố sẽ triển khai nền tảng công dân số, công chức số trên địa bàn; thí điểm tiếp dân trực tuyến...
Trong khuôn khổ hội thảo, một số diễn giả đã chia sẻ về hợp tác Chính quyền đô thị và doanh nghiệp trong việc kiến tạo và khai thác dữ liệu số - thúc đẩy đổi mới sáng tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp; Hình thành hệ sinh thái chính quyền số, lấy sự phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để xây dựng đô thị thông minh; Tích hợp và chia sẻ dữ liệu để phát triển thành phố thông minh; hệ thống điều hành khu đô thị thông minh…
Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Minh Anh
Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới
Tại Hội thảo, đề cập đến một số một số khó khăn trong phát triển đô thị thông minh, ông Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, các địa phương chủ yếu mới đang triển khai ở những bước cơ bản, nội dung thực hiện chủ yếu xoay quanh việc ứng dụng công nghệ và các tiện ích phục vụ cho đô thị thông minh. Các nội dung liên quan đến quy hoạch thông minh và quản lý xây dựng phát triển đô thị thông mình còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện (do hạn chế về nguồn lực, dữ liệu cho đô thị thông minh...).
Do đó trong thời gian tới, phát triển đô thị thông minh cần được bắt đầu từ công tác quy hoạch. Cùng với đó xây dựng phát triển kết cầu hạ tầng và các công trình kiến trúc đô thị theo Đồ án quy hoạch được duyệt một cách thông minh. Việc xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, ngành.
Ông Vũ Việt Hưng, chuyên gia tư vấn, Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho hay, định hướng trong năm 2023 là Năm của "Dữ liệu - Thực thi - Thực chất"; Năm quốc gia về dữ liệu số với chủ đề "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới". Đối với mô hình chuyển đổi số hiệu quả cho quận, huyện lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, ông Vũ Việt Hưng đề xuất trợ lý ảo trợ giúp người dân tra cứu, thực hiện điền thông tin, thông báo kết quả xử lý nhằm giải quyết khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin về dịch vụ công hay thủ tục phức tạp và mất thời gian khi sử dụng dịch vụ công, thông tin cá nhân phải khai báo nhiều lần, trùng lặp.
Ngoài ra, ông Hưng đề xuất ứng dụng di động để gửi yêu cầu, đơn đơn ký trực tuyến, trang web chính thức của cơ quan chức năng giúp người dân tiết kiệm thời gian và nâng cao trải nghiệm.
Đặc biệt, các quận huyện có thể giải quyết các vấn đề xung quanh công tác giải phóng mặt bằng và giải quyết khiếu nại của người dân qua hệ thống phản ánh hiện trường. Điều này giúp giải quyết khó khăn trong việc quản lý và giám sát các dự án trên địa bàn quận/huyện; đồng thời nâng cao tính minh bạch trong quy hoạch, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…