7 cực, trung tâm phát triển kinh tế - xã hội
Theo quy hoạch, Đà Nẵng sẽ hình thành 7 cực, trung tâm phát triển kinh tế xã hội gồm: Trung tâm thành phố; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao; Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics; Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại Hải Châu, Thanh Khê; Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu; Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Các khu du lịch sinh thái núi.
Trong đó, Trung tâm thành phố sẽ bao gồm trung tâm đô thị hiện hữu tập trung chủ yếu tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, nhất là khu trung tâm mới sau khi tái thiết đô thị tại Khu công nghiệp Đà Nẵng.
Trung tâm công nghiệp công nghệ cao sẽ bao gồm Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1, giai đoạn 2) trên địa bàn xã Hòa Liên và Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.
Trong tương lai sẽ xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trên cơ sở kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực
Tại Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics sẽ tập trung phía Tây Bắc Vịnh Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và Ga Trung tâm logistics đường sắt; khu logistics và ga hàng hóa phía Tây sân bay gắn với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; các khu logistics phía Tây đường tránh Nam Hải Vân tại quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang. Đồng thời, nghiên cứu phát triển thêm một khu vực logistics ở gần Cảng Liên Chiểu để đáp ứng nhu cầu Cảng biển trong tương lai.
Đối với Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển sẽ hình thành tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại Hải Châu, Thanh Khê.
Cạnh đó, Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu sẽ tập trung ở phía Đông Nam thành phố với các Khu đô thị đại học, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, Khu Liên hợp thể thao. Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics nông sản sẽ ở khu vực phía Tây Nam huyện Hòa Vang.
Ngoài ra, hình thành các khu du lịch sinh thái núi gồm: Quần thể Khu đô thị du lịch Bà Nà - Suối Mơ (khu vực chân núi Bà Nà), Khu vực Hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ, Khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng Hồ Hóc Khế, Khu du lịch Khe Răm, Khu du lịch sông Nam, sông Bắc, các khu, cụm du lịch phía Tây Nam dọc tuyến Quốc lộ 14G (Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu du lịch suối Hoa…)… thuộc huyện Hòa Vang; Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, Khu du lịch sinh thái suối Lương, các khu du lịch phía Đông, phía Tây Nam tuyến đường đèo Hải Vân, Khu du lịch sinh thái đồi Chim Chim, Khu du lịch phía Tây đường tránh Hải Vân, quận Liên Chiểu; khu vực sinh thái nghỉ dưỡng phía Đông tại bán đảo Sơn Trà và huyện Hoàng Sa.
2 vành đai phát triển kinh tế - xã hội
Theo quy hoạch, Đà Nẵng sẽ hình thành 2 vành đai kinh tế trên cơ sở kết nối 4 cụm việc làm nhằm tạo ra các cơ hội liên kết phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, gồm: Vành đai kinh tế phía Bắc - Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển - Logistics, kết nối từ Cụm cảng biển và Logistics thuộc quận Liên Chiểu tới cụm công nghiệp công nghệ cao thuộc huyện Hòa Vang.
Trong đó, vành đai kinh tế phía Bắc - Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển - Logistics, kết nối từ cụm cảng biển và logistics thuộc quận Liên Chiểu tới cụm công nghiệp công nghệ cao thuộc huyện Hòa Vang. Đà Nẵng được quy hoạch phát triển các ngành logistics - vận tải, kho bãi tăng trưởng trên 11%/năm.
Đồng thời, quy hoạch định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ giao nhận, vận chuyển về đường bộ, đường biển và đường hàng không với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Cạnh đó, hình thành các trung tâm logistics hạng I, hạng II và các trung tâm logistics chuyên dụng; xã hội hóa các dịch vụ vận tải, vận tải đường thủy và các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Vành đai thứ 2 là Vành đai kinh tế phía Nam - Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết nối từ cụm đổi mới sáng tạo thuộc quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang tới cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc huyện Hòa Vang.
Cụ thể, Đà Nẵng sẽ hình thành, đưa vào hoạt động các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Nhơn với phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định tại khu vực phía Tây Nam thành phố, dọc theo tuyến Vành đai phía Tây (gồm: Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn).
Song song đó, phát triển lâm nghiệp tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Hòa Vang; phát triển lâm nghiệp, trồng cây gỗ lớn và kết hợp phát triển du lịch dưới tán rừng tại khu vực Bà Nà, bán đảo Sơn Trà. Ưu tiên nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật về khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp; nâng cấp, mở rộng Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ. Tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ sở ươm tạo, không gian làm việc chung, khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo quy định; hình thành các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, các quỹ đầu tư tại phân khu Công nghệ cao và phân khu Đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, hình thành Vành đai kinh tế phía Nam - Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết nối từ Cụm đổi mới sáng tạo thuộc quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang tới cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc huyện Hòa Vang.