Hoàn thiện các quy định để thúc đẩy liên kết, phát triển vùng Thủ đô

Thứ ba, 15/08/2023 15:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Vùng Thủ đô là một khái niệm quan trọng để xây dựng chính sách, pháp luật phục vụ sự phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố lân cận nói chung.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định số 768/QĐ-TTg mở rộng phạm vi diện tích của Vùng Thủ đô lên 24.314,7 km2 bao gồm Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh - Ảnh: VGP/Gia Huy

Thủ đô Hà Nội có vai trò trung tâm điều phối

Theo PGS.TS. Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện đang dành một chương riêng quy định về Vùng Thủ đô. Điều này cho thấy các cơ quan dự thảo luật rất coi trọng luật hóa các quy định về Vùng Thủ đô.

Theo Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 có định hướng: Hà Nội với vị thế Thủ đô, là trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kĩ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phát huy vai trò là trung tâm động lực chính, đầu mối liên kết quản lí, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại tài chính lớn của quốc gia, các khu nghiên cứu - đào tạo công nghệ cao; Trung tâm văn hóa - lịch sử lớn; đến năm 2030, tỉ lệ đô thị hóa của Thủ đô khoảng từ 65 - 70%

Đối với liên kết, phát triển Vùng Thủ đô, PGS.TS. Tô Văn Hòa nhận định, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện tại có nhiều điều khoản quy định trực tiếp hoặc liên quan tới Vùng Thủ đô

Về định nghĩa Vùng Thủ đô, khác với Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo lần này quy định một cách ngắn gọn Vùng thủ đô gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang Bắc Ninh Hưng Yên Hải Dương Hà Nam và Hòa Bình. Quy định trách nhiệm phối hợp và liên kết các chính quyền địa phương trong Vùng Thủ đô để bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội của vùng, trong đó Thủ đô Hà Nội có vai trò trung tâm điều phối và có một số thẩm quyền để thực hiện việc điều phối.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đưa ra các nguyên tắc phối hợp giữa các cấp các ngành, các lĩnh vực phối hợp của Vùng Thủ đô; trong đó có hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội ngoại trừ lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội và quốc phòng và đối ngoại.

Về chính sách ưu tiên đầu tư phát triển Vùng Thủ đô, dự thảo đưa ra các chính sách ưu tiên: Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần cho các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Thủ đô để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các công trình, dự án trọng điểm của Vùng. Ưu tiên huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của Vùng Thủ đô.

Dự thảo cũng đưa ra chính sách ưu tiên về việc các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Thủ đô có trách nhiệm ưu tiên bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của Vùng trên địa bàn của mình. Ưu tiên tổng hợp các công trình, dự án trọng điểm của Vùng Thủ đô vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia. Các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Thủ đô ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cho các công trình, dự án trọng điểm của Vùng.

Theo quy định của Luật Thủ đô năm 2012, Vùng Thủ đô là "khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận do Chính phủ quyết định." Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định số 768/QĐ-TTg mở rộng phạm vi diện tích của Vùng Thủ đô lên 24.314,7 km2 bao gồm Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.

Vùng Thủ đô cần là sự phát triển bền vững của cả khu vực quanh Thủ đô

Từ những nội dung trên, PGS.TS. Tô Văn Hòa đưa ra các góp ý hoàn thiện quy định của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về Vùng Thủ đô.

Theo đó, việc xác định rõ mục tiêu thành lập Vùng Thủ đô Việc quy định về mục đích thành lập cũng như chức năng hay nói một cách khác là một khái niệm về Vùng Thủ đô ở trong Luật Thủ đô là hết sức quan trọng. Quy định như vậy không chỉ là lí luận mà còn là quy định mang tính nền tảng, cơ sở và là định hướng để xây dựng các quy định khác liên quan tới Vùng Thủ đô cũng như là thiết lập các thiết chế phù hợp phục vụ cho sự phát triển Vùng Thủ đô.

Quy định về khái niệm Vùng Thủ đô cần phải tính đến không chỉ là mục tiêu phát triển của Thủ đô mà cần phải tính đến nhiều yếu tố khác, thứ nhất, Vùng Thủ đô phải nhằm mục đích không chỉ phục vụ sự phát triển của Thủ đô mà phải là sự phát triển bền vững của cả khu vực xung quanh Thủ đô.

Thứ hai, quy định rõ về mục đích thiết lập Vùng Thủ đô phải có nội dung phù hợp để khuyến khích và thu hút được sự phối hợp chủ động của các tỉnh ở thành phố trực thuộc Trung ương xung quanh Thủ đô để họ nhận thấy rằng việc tham gia phối hợp để thúc đẩy kinh tế xã hội của Vùng Thủ đô là lợi ích của bản thân mỗi địa phương chứ không phải chỉ vì sự phát triển của Thủ đô.

Dự thảo hiện tại cũng đã có quy định về trách nhiệm liên kết các địa phương trong Vùng Thủ đô vì sự phát triển của vùng. Tuy nhiên vẫn chưa tạo ra được cơ sở đủ để thúc đẩy sự chủ động phối hợp của các địa phương trong Vùng Thủ đô.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới chỉ có một khoản nêu định nghĩa về Vùng Thủ đô quy định Vùng Thủ đô gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình. Quy định này mang tính liệt kê và do đó chưa nêu bật được khái niệm về Vùng Thủ đô, mục đích thành lập Vùng Thủ đô, chức năng của Vùng Thủ đô. Quy định này cũng không đủ để tạo ra động lực thúc đẩy phối hợp vùng giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô.

PGS.TS. Tô Văn Hòa nêu ý kiến có thể làm rõ hơn: "Vùng Thủ đô là một khu vực địa lí bao gồm Hà Nội và một số tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương xung quanh Hà Nội được thiết lập nhằm mục đích sự phát triển kinh tế, xã hội của các vùng và từng địa phương trên cơ sở lợi thế riêng biệt của Hà Nội và các tỉnh thành phố lân cận".

Quy định về hội đồng điều phối Vùng Thủ đô trong Dự thảo luật có thể được hoàn thiện để phục vụ phát triển Vùng Thủ đô, bao gồm Ban chỉ đạo xây dựng phát triển Vùng Thủ đô và ban điều phối liên kết phát triển Vùng Thủ đô. Chức năng của Ban chỉ đạo chỉ đạo công tác xây dựng thực hiện quy hoạch phát triển chính sách hỗ trợ phát triển, công tác phối hợp liên kết giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô để phục vụ sự phát triển bền vững của toàn vùng. Chức năng của Ban điều phối Vùng Thủ đô là tham mưu kế hoạch quy hoạch chính sách phục vụ sự phát triển của Vùng Thủ đô, tổ chức các hoạt động điều phối nguồn lực và liên kết giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô phục vụ sự phát triển bền vững của Vùng Thủ đô.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)