Các giải pháp làm mát tại đô thị ở Việt Nam

Thứ năm, 18/05/2023 14:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Để làm mát và chống nắng nóng cực đoan, Cục Biến đổi khí hậu sẽ triển khai tại 3 thành phố, gồm Cần Thơ, Tam Kỳ (Quảng Nam) và Đồng Hới (Quảng Bình).

Một góc thành phố Cần Thơ. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp làm mát bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam”.

Hội thảo là dịp để các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trao đổi, thảo luận đề xuất giải pháp làm mát đô thị hiệu quả phù hợp với bối cảnh của Việt Nam; thúc đẩy thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng duyên hải miền Trung; hỗ trợ cho các giải pháp làm mát bền vững và chống nắng nóng cực đoan tại các đô thị ở Việt Nam.

Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động làm mát bền vững, các yêu cầu về làm mát bền vững đã được đưa vào các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam (2022).

Cục Biến đổi khí hậu đã làm việc với các đối tác và ký Bản ghi nhớ hợp tác với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu nhằm mục tiêu: Tăng cường năng lực cho quốc gia thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Cục xây dựng các chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định trong hai lĩnh vực ưu tiên (thích ứng với biến đổi khí hậu và làm mát bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam).

Các kế hoạch đầu tư thân thiện với khí hậu được xây dựng; tăng cường đầu tư xanh và cơ chế tài chính phù hợp cho dự án làm mát bền vững ở khu vực đô thị. Nâng cao năng lực, trách nhiệm và các hoạt động về làm mát bền vững ở khu vực đô thị; tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác.

Để thúc đẩy các giải pháp làm mát thân thiện với khí hậu, chống nắng nóng cực đoan tại các thành phố của Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, với sự tài trợ của Chương trình Hợp tác Làm mát bền vững triển khai chương trình “Làm mát đô thị bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam”.

Chương trình triển khai thí điểm tại ba thành phố: Cần Thơ, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) nhằm đánh giá và đề xuất giải pháp về làm mát bền vững tại khu vực đô thị để lồng ghép trong các chính sách của thành phố; nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất lồng ghép các hoạt động về làm mát bền vững tại khu vực đô thị vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; lồng ghép nội dung về làm mát bền vững trong khuôn khổ chính sách quốc gia bao gồm Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu, Đóng góp do quốc gia tự quyết định…

Bên cạnh đó, Cục Biến đổi khí hậu và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã phối hợp triển khai chương trình hợp tác “Dự án hành động NDC - Tạo điều kiện thực hiện thích ứng với khí hậu và phát triển carbon thấp phù hợp với các mục tiêu quốc gia và các mục tiêu toàn cầu”.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2020, nước ta đã có 862 đô thị các loại. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020.

Khu vực đô thị đã trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố Kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật cho thấy, các biểu hiện của biến đổi khí hậu như gia tăng nhiệt độ, thay đổi lượng mưa, nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục diễn ra nhanh hơn, tần suất nhiều hơn.

Trong thời kỳ 1958 - 2018, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng trung bình là 0,89 độ C. Số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, số tháng hạn có xu thế tăng ở khu vực phía Bắc.

Mức nhiệt tăng cùng với hiệu ứng đảo nhiệt đô thị khiến các thành phố của Việt Nam nằm trong những khu vực đô thị có nguy cơ phải hứng chịu các đợt nắng nóng cực đoan cao nhất trên toàn cầu.

Nhiệt độ không khí tăng cao, các đợt nắng nóng bùng phát nhiều, kéo dài làm gia tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát. Tuy nhiên, việc làm mát không đảm bảo các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu trong vận hành đô thị cũng sẽ làm gia tăng phát thải khí nhà kính, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị làm mát không được thực hiện đúng quy định có thể gây ra việc rò rỉ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường. Các chất này khi phát thải trực tiếp vào khí quyển sẽ góp phần làm gia tăng nhiệt độ trái đất.

Do đó, nhu cầu về giải pháp làm mát bền vững tại khu vực đô thị trở nên cấp bách trên toàn cầu và tại Việt Nam. Làm mát hiệu quả, bền vững tại các đô thị có thể giúp các quốc gia xóa đói giảm nghèo, giảm thất thoát lương thực, cải thiện sức khỏe, quản lý nhu cầu năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)