Ngân hàng Thế giới: Đô thị hóa của Việt Nam đang ở thời điểm mang tính bước ngoặt

Thứ năm, 01/12/2022 14:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, quá trình đô thị hóa của Việt Nam hiện đang ở thời điểm mang tính chất bước ngoặt khi phương pháp tiếp cận phát triển đô thị hiện tại đang dần chạm đến giới hạn. Việt Nam cần củng cố thể chế và nâng cao năng lực để chuyển đổi cách tiếp cận đối với phát triển đô thị bền vững.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam: Các đô thị nên đầu tư vào kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu để giảm thiểu những thách thức mới như biến đổi khí hậu và để giảm thiểu thiệt hại của các sự kiện có tác động tiêu cực và bảo vệ thành quả phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có thể chọn lộ trình "dễ đi" hơn, bằng cách tiếp tục các chính sách không gian hiện tại đã mang lại kết quả tốt trong những thập kỷ gần đây, nhưng có thể sẽ làm tăng chi phí đối với các triển vọng phát triển dài hạn do ngày càng dẫn đến nhiều thách thức.

Hoặc Việt Nam cũng có thể chọn lộ trình "khó đi" hơn, định hình lại phương pháp tiếp cận và áp dụng một chiến lược đặt việc nâng cao hiệu quả và tính bền vững làm trọng tâm, để đảm bảo quá trình đô thị hóa của Việt Nam luôn thành công trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Tại Hội nghị Đô thị toàn quốc ngày 30/11, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt mức trên 6%. Tốc độ tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi tăng năng suất và hiệu ứng quần tụ do quá trình đô thị hóa nhanh chóng mang lại, tuy nhiên quá trình này cũng đi kèm với một số thách thức mới.

Áp lực cung cấp dịch vụ đối với chính quyền các thành phố đang ngày càng tăng. Để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, chính quyền các thành phố thường tập trung vào nhanh chóng xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng và dịch vụ mà không tính đến rủi ro khí hậu hoặc tính bền vững. 

Ngoài ra còn có nhiều điểm bất cập về chính sách, cơ chế và năng lực để lồng ghép hiệu quả các cân nhắc về khí hậu và khả năng chống chịu vào quy hoạch đầu tư vốn. Kết quả là các khoản đầu tư được ưu tiên đi chệch hướng so với lộ trình bền vững và carbon thấp, đồng thời không tận dụng được các cơ hội tiềm năng để thu được lợi ích tài chính thông qua tăng hiệu quả...

Phát triển đô thị bền vững và có khả năng chống chịu 

Vào thời điểm quan trọng này, WB đánh giá cao việc Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị bền vững Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết quan trọng này sẽ là công cụ xác định tầm nhìn, nền tảng và định hướng cho những năm tới, định hướng đất nước phát triển đô thị thông minh, xanh và bền vững giai đoạn 2030-2045. Nghị quyết sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách ở tất cả các cấp xây dựng một phương pháp tiếp cận quốc gia tổng thể - kết hợp các chính sách, quy định phối hợp sắp xếp thể chế và các chương trình đầu tư - để giải quyết các thách thức đô thị ngày càng phức tạp và phối hợp hiệu quả các giải pháp đa ngành.

Nhấn mạnh thực hiện hiệu quả nghị quyết quan trọng này sẽ là chìa khóa thành công, bà Carolyn Turk đưa ra một số khuyến nghị có Việt Nam. Đáng chú ý đầu tiên, đó là Việt Nam cần củng cố thể chế và nâng cao năng lực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cách tiếp cận đối với phát triển đô thị bền vững và có khả năng chống chịu.

Theo đó, sự thay đổi này đòi hỏi quy hoạch không gian tích hợp phải có cân nhắc đến vấn đề khí hậu và cho phép các bộ ban ngành phối hợp với nhau trên nền tảng số để phát triển các quy hoạch tổng thể. Sau khi các quy hoạch tổng thể được xác định, việc thực thi là vô cùng quan trọng; nên tập trung vào việc hạn chế chuyển đổi đất từ mục đích sử dụng nông nghiệp sang phi nông nghiệp, mà hiện có xu hướng tăng nhanh trong thập kỷ qua.

Thứ hai, để cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả của các đô thị tại Việt Nam, việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị là rất quan trọng, đặc biệt là đầu tư vào quản lý rủi ro lũ lụt và hệ thống giao thông công cộng công suất cao.

Điều này đòi hỏi phải phân bổ thêm nguồn lực đầu tư cho các thành phố, đồng thời cần xem xét các biện pháp khác để tăng cường đầu tư. Việt Nam nên tìm hiểu các cơ chế nắm bắt giá trị đất đai khác nhau, chẳng hạn như thuế tài sản để chống tích trữ và đầu cơ đất đai, người sử dụng đất cùng phát triển ở quy mô nhỏ, điều chỉnh lại đất đai dựa trên sự đồng thuận của người sử dụng đất, và di dời hoặc tái phát triển các hoạt động công nghiệp hoặc các hoạt động có giá trị gia tăng thấp khác.

Thứ ba, song song với việc cải thiện năng lực cạnh tranh, cần phải đối phó với biến đổi khí hậu, bởi lẽ lũ lụt đô thị là một thách thức nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng tăng.

Theo WB, Việt Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên thế giới và hơn 35% khu dân cư hiện đang nằm ở các khu vực ven biển. Bảo đảm rằng việc phát triển có cân nhắc đến các vấn đề khí hậu là đặc biệt quan trọng, điều này sẽ đòi hỏi một phương pháp tiếp cận có cấu trúc để đảm bảo rằng vừa đảm bảo tính cạnh tranh và tính bền vững. Một cân nhắc quan trọng đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng mới là lồng ghép tư duy và biện pháp tăng cường khả năng chống chịu vào quy hoạch, kỹ thuật và thiết kế và vận hành cơ sở hạ tầng, dù là bất kể loại cơ sở hạ tầng nào.

Cuối cùng, để làm chậm tác động của biến đổi khí hậu, đạt được các cam kết phát thải ròng bằng không ở COP26, sẽ đòi hỏi cả sự lãnh đạo tập trung do Chính phủ lãnh đạo và các nỗ lực phối hợp trong khu vực.

'Đây là thời điểm hành động ngay'

Trong khi đó, đại diện Bộ TN&MT cũng cho biết, theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ cập nhật và công bố mới đây, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các vùng trên cả nước đều tăng cao. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặt biệt là các cơn bão từ mạnh đến rất mạnh có xu hướng gia tăng.

Với dải ven biển có chiều dài hơn 3.000 km và các vùng biển hải đảo Việt Nam là vùng sẽ chịu nhiều rủi ro và nguy cơ, tác động tiềm tàng nhiều nhất liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Rủi ro sẽ ngày càng gia tăng đối với các vùng châu thổ và đô thị lớn, đặc biệt là các đô thị ven biển. Nếu nước biển dâng 100 cm, đồng bằng sông Cửu Long có thể ngập tới trên 47,29% diện tích.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, công tác quy hoạch, phát triển đô thị tại Việt Nam cần có những thay đổi căn bản để vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vừa thích ứng với các tác động tiêu cực của thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn do biến đổi khí hậu, vừa thực hiện trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện nghĩa vụ của một Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Thoả thuận Paris.

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị đã khẳng định: Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh là một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đối với công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị.

Đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự Đô thị mới, bà Maimunah Mohd Sharif Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) cho rằng, với mức tăng trưởng trung bình khoảng một triệu dân số đô thị mỗi năm, Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong phát triển đô thị tập trung vào các sáng kiến phát triển bền vững. 

Theo UN-Habitat, hoàn thiện khung chính sách đô thị quốc gia và giải quyết các vấn đề xuyên suốt như giảm nghèo, nhà ở, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng trong tăng trưởng sẽ mang lại quá trình đô thị hoá toàn diện và bao trùm hơn, để không ai và không nơi nào bị bỏ lại phía sau.

"Chúng ta không còn nhiều thời gian để đạt được 169 mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030. Chỉ còn 7 năm để thực hiện Chương trình Nghị sự Đô thị mới và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Do đó, đây là thời điểm mà chúng ta phải hành động ngay. UN-Habitat cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong công cuộc thúc đẩy đô thị hóa bền vững", bà Maimunah Mohd Sharif nhấn mạnh.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)