Quy hoạch chiến lược phát triển Cà Mau đến năm 2050

Thứ tư, 14/09/2022 12:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sáng 14/9, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chủ trì Hội nghị báo cáo quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (lần thứ 3). Đây sẽ là căn cứ để hoạch định chính sách với các định hướng lâu dài, bền vững, đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của ĐBSCL và cả nước trong tương lai.

Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, chiếm 1/4 diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng ĐBSCL và là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước với diện tích ngư trường trên 70.000 km2.


Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục góp ý hoàn thiện Quy hoạch tỉnh để trình Chính phủ trong năm nay

“Chúng ta đã và đang triển khai các quy hoạch: Kinh tế tập thể, nông nghiệp nông thôn,… Đặc biệt, tỉnh nghiên cứu quy hoạch gắn với Nghị quyết 13 của Trung ương và phù hợp quy hoạch chung của vùng ĐBSCL. Do vậy, các địa phương, ngành tỉnh phải nghiên cứu sâu sát hơn tình hình của địa phương nhằm bổ sung, điều chỉnh vào quy hoạch tỉnh mang tầm chiến lược, lâu dài, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai. Qua đó, làm cơ sở trình Bộ, ban, ngành, Chính phủ phê duyệt trong năm 2022”, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt thông tin.

 


Cà Mau hoạch định phát triển hệ thống đường thủy nội địa và đường thủy quốc gia trong tương lai phù hợp với phê duyệt của Chính phủ (Ảnh: Tuyến vận tải huyết mạch Chắc Băng)

Cà Mau cũng là địa phương duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển. Tuy vậy, nhiều năm qua tốc độ tăng trưởng của tỉnh còn thấp: Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2011-2020 chỉ đạt 4,7%, thấp hơn vùng ĐBSCL và mức bình quân chung của cả nước; chất lượng tăng trưởng năm 2020 đạt 52,6 triệu đồng/người/năm, thấp hơn khu vực (56,3 triệu đồng), cả nước (64,5 triệu đồng).

Tuy Cà Mau có lợi thế về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với tiềm năng điện gió vùng ven biển của tỉnh đạt công suất trên 12.000 MW; năng lượng mặt trời 2.150MW; điện khí 10.700MW. Tiềm năng lớn về phát triển du lịch với 2 Vườn Quốc gia, có khu Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển thế giới,… Song, Cà Mau lại có nhiều hạn chế như: Cách xa các trung tâm kinh tế lớn; ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, chất lượng nhân lực chưa cao, vật liệu xây dựng không có tại chỗ, là tỉnh duy nhất trong vùng ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung từ hệ thống sông Mê Kông.


Về hàng không, đến 2030 Cảng hàng không Cà Mau sẽ đạt cấp 4C

Báo cáo quy hoạch tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 chỉ rõ nguyên nhân cốt yếu gây ra vòng xoáy đi xuống trong phát triển của tỉnh là hạ tầng còn yếu kém, chưa có cơ chế đặc thù để phát triển. Từ đó khó thu hút doanh nghiệp; thiếu việc làm, lực lượng lao động suy giảm, thu ngân sách thấp,… Ngoài ra, tài nguyên nước mặt và nước ngầm của tỉnh cũng còn nhiều hạn chế trong khai thác tiềm năng, như: Chưa đưa ra các con số dự báo về trữ lượng nước dưới đất và đánh giá khả năng khai thác nước dưới đất; vấn đề biến đổi khí hậu; lượng mưa tăng lên vào cả mùa mưa và mùa khô…


Cảng Hòn Khoai sẽ là Cảng tổng hợp phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050

Mắc xích để tạo ra được sự đột phá trong thực hiện chiến lược phát triển mang tầm bền vững, lâu dài, đó là: Tập trung thu hút và triển khai các dự án kinh tế nông nghiệp, thủy sản, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến thực phẩm. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế đặc thù cho tỉnh. Phấn đấu đến 2050 tỉnh sẽ là địa phương phát triển bền vững, thịnh vượng và bao trùm; là nơi đáng sống; là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Thu nhập bình quân vào năm 2025 đạt 58,6 triệu đồng (bằng 68,7% cả nước), đô thị hóa 31% (thấp hơn cả nước 14%). Đến năm 2030 sẽ đạt 125 triệu đồng/người/năm (bằng 85% cả nước), tỉ lệ đô thị hóa đạt 35% (thấp hơn cả nước 10%).


Tỉnh còn nỗ lực phát triển đô thị và đẩy mạnh tỷ lệ đô thị hóa, hướng đến là một trong bốn đô thị trọng điểm của Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Báo cáo quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 lần này sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của chuyên gia; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương làm cơ sở để tiếp tục rà soát, tiếp thu các ý kiến, đưa ra các nội dung sát với tình hình thực tiễn của tỉnh, xây dựng mô hình phát triển phù hợp trình Chính phủ phê duyệt trong năm nay.

Nguồn: baocamau.com.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)