Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc phải là khu đô thị đại học chứ không phải là một trường đại học lớn

Thứ tư, 17/08/2022 15:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu này khi trực tiếp kiểm tra, khảo sát, làm việc với Ban Giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc, chiều 16/8.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nghe lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc báo cáo tiến độ xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh ĐHQG Hà Nội - Ảnh: VGP/Đình Nam

Tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng có lãnh đạo, đại diện các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hà Nội,…

Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã kiểm tra các tuyến đường nội bộ, trạm biến áp 100 kV cấp điện lưới cho ĐHQG Hà Nội, khu ký túc xá sinh viên, công trình Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Tại cuộc làm việc ngay sau đó, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân cho biết, dự án xây dựng tại Hoà Lạc là không gian phát triển vô cùng quan trọng của ĐHQG Hà Nội.

Ngày 19/5, toàn bộ cơ quan ĐHQG Hà Nội đã chuyển trụ sở làm việc từ 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội tới Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội thể hiện quyết tâm của ĐHQG Hà Nội để hiện thực hoá mong đợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân về một đô thị đại học đổi mới sáng tạo, xanh, thông minh và bền vững hàng đầu khu vực tại Hoà Lạc.

"ĐHQG Hà Nội cố gắng sử dụng tối đa quỹ đất, các nguồn lực được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một khu đô thị đại học, xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc theo mô hình "5 trong 1": Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu", ông Lê Quân chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khảo sát khu ký túc xá sinh viên ĐHQG Hà Nội - Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo kế hoạch, năm học 2022-2023, ĐHQG Hà Nội sẽ có khoảng 6.000 sinh viên tới học tập tại cơ sở Hòa Lạc.

Ghi nhận quyết tâm của Ban Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo ĐHQG Hà Nội báo cáo cụ thể về tình hình giải phóng mặt bằng (GPMB), xác định ranh giới toàn bộ dự án, tiến độ triển khai các hạng mục xây dựng lớn…

"Cách làm của các đồng chí chí từ trước đến nay là tốt nhưng chậm, phải tìm cách làm sao cho vẫn tốt nhưng nhanh hơn. Tôi vừa đi khảo sát, tại sao có những tuyến đường đã làm mấy năm nay nhưng không thể hoàn thành chỉ vì còn một vài hộ dân chưa nhận đền bù, GPMB ?", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu báo cáo chi tiết để đại diện các bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội giải đáp, có phương án tháo gỡ ngay tại cuộc họp.

Ông Nguyễn Hiệu, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, Dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc bao gồm 21 dự án thành phần với quy mô khoảng 60.000 sinh viên. Diện tích đất khoảng 1.113,7 ha, tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2025.

Đến nay, dự án đã GPMB được 729,39/1.000,08 ha trong quy hoạch (đạt 72,9%) và 148,06/225,60 ha ngoài quy hoạch (đạt 65,6%). Lũy kế giải ngân cho dự án mới đạt khoảng 3.000 tỷ đồng nên tiến độ dự án chậm nhiều so với kế hoạch.

Đến nay, ĐHQG Hà Nội đã thi công và hoàn thành được nhà công vụ số 1 (20.000 m2 sàn), khu ký túc xá (20.000 m2 sàn), hoàn thành 2 giảng đường quy mô 35.000 m2; 8 tuyến đường hạ tầng khung, 4 tuyến kênh mương, trạm biến áp 110 KV và hạ tầng nội khu đáp ứng cho 4.000 sinh viên. Hoàn thành công trình Toà nhà HT1, HT2 quy mô 35.000 m2 sàn và hạ tầng kỹ thuật đi kèm thuộc Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Khoa học tự nhiên.

Hiện nay, vướng mắc chủ yếu trong triển khai các công trình trong phạm vi dự án liên quan đến bồi thường, GPMB, tái định cư.

Với khoảng hơn 200 hộ dân (đang trong tình trạng "xôi đỗ") chưa chịu nhận tiền đền bù GPMB, tái định cư khiến một số tuyến đường đã khởi công từ năm 2014 đến nay chưa thể hoàn thành toàn bộ, không thể hoàn thành dự án trạm biến áp để cấp điện lưới phục vụ các công trình dự án.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tìm cách làm tốt nhưng đẩy nhanh hơn tốc độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc - Ảnh: VGP/Đình Nam

Việc đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ dứt điểm các nội dung vướng mắc GPMB thì các công trình đang triển khai đầu tư sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm kế hoạch giải ngân đầu tư công.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất đã nêu một số khó khăn trong GPMB thời gian qua do ảnh hưởng dịch bệnh, giá đất tái định cư hiện cao gấp 4 lần đất đền bù, rất khó khăn trong xác định nguồn gốc đất thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) hoặc do Nông trường 1A quản lý trước đây.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết Thành phố đã thống nhất phương án hỗ trợ phần tiền chênh lệch khi người dân mua đất tái định cư; điều chỉnh lại ranh giới đối với những khu vực chồng lấn; phương án xử lý trạm biến áp 110 kV cấp điện cho toàn dự án; dự án xây dựng ký túc xá cho sinh viên.

Nêu kinh nghiệm GPMB dự án sân bay Long Thành, một số dự án đường cao tốc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đề nghị tập trung nguồn lực để GPMB dứt điểm thay vì cấp vốn nhỏ giọt hàng năm.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn bày tỏ thực tế cơ sở vật chất của các trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội đang rất khó khăn, "ngay cả ĐHQG Hà Nội với cơ chế đặc biệt mà còn vất vả đến vậy thì các trường đại học khác còn khó đến đâu?".

Ông Hoàng Minh Sơn mong muốn lãnh đạo TP. Hà Nội, các bộ, ngành quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho ĐHQG Hà Nội triển khai dự án, đồng thời chia sẻ với các trường đại học khác để cùng phát triển khu đô thị đại học thông minh, hiện đại hàng đầu khu vực.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, ĐHQG Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học uy tín hàng đầu của đất nước, một trong những trường đại học đầu tiên của Việt Nam được xếp hạng quốc tế, đó là niềm tự hào nhưng cũng là sự thôi thúc phải làm tốt hơn.

Đánh giá cao việc toàn bộ cơ quan ĐHQG Hà Nội đã chuyển trụ sở làm việc từ 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội tới Hòa Lạc, Phó Thủ tướng cho rằng trong những năm tới trường ĐHQG Hà Nội phải có quyết tâm mới, tầm nhìn dài hạn, cách làm khác hướng tới mục tiêu xây dựng khu đô thị đại học thông minh, hiện đại chứ không phải là xây dựng một trường đại học lớn.

"Tương lai khu đô thị ĐHQG Hà Nội sẽ phát triển như thế nào trong phạm vi dự án và trong quy hoạch chung của TP. Hà Nội. Đây là việc đầu tiên ĐHQG Hà Nội phải bàn bạc, thảo luận với TP. Hà Nội, các bộ, ngành liên quan", Phó Thủ tướng nói.

Với tầm nhìn dài hạn về một khu đô thị đại học thông minh, hiện đại, Phó Thủ tướng cho rằng quy hoạch của dự án phải có độ mở, linh hoạt thay vì "đóng cứng" chỉ gồm một số trường đại học như ban đầu.

Trước mắt, cùng với việc đưa toàn bộ cơ quan làm việc lên Hoà Lạc, Phó Thủ tướng đề nghị ĐHQG Hà Nội khẩn trương có các dự án xây dựng, đưa các giảng đường vào hoạt động để đón sinh viên lên học - Ảnh: VGP/Đình Nam

Trước mắt, cùng với việc đưa toàn bộ cơ quan làm việc lên Hoà Lạc, Phó Thủ tướng đề nghị ĐHQG Hà Nội khẩn trương có các dự án xây dựng, đưa các giảng đường vào hoạt động để đón sinh viên lên học.

Từ nay đến hết năm 2022, ĐHQG Hà Nội phải hoàn thành việc phân mốc, xác định ranh giới toàn bộ dự án; phối hợp với TP. Hà Nội, huyện Thạch Thất hoàn thành GPMB theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên giải quyết các hộ dân nằm trên tuyến đường nội bộ, có nguồn gốc đất rõ ràng; làm việc với ngành điện lực để có phương án xử lý dứt điểm dự án trạm biến áp 110 kV, bảo đảm cấp điện lưới cho các công trình dự án; định hướng phát triển các khu ký túc xá, nhà ở cho sinh viên;...

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về dự án "Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội" sử dụng nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới; các dự án do ĐHQG Hà Nội tự tìm nguồn đầu tư.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)