Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03 làm việc tại quận Ba Đình - Ảnh: VGP/GH
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nêu ý kiến tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025" với quận Ba Đình sáng 12/8.
Quận Ba Đình có trên 220 nhà chung cư thuộc diện cải tạo
Triển khai Chương trình 03, quận Ba Đình đã chủ động phối hợp với các sở, ngành xây dựng, trình Thành phố ban hành Đề án cải tạo xây dựng nhà chung cư cũ; các kế hoạch triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Tại buổi kiểm tra, thành viên Đoàn kiểm tra và đại diện lãnh đạo các sở ngành đều đánh giá, quận Ba Đình đã tích cực triển khai triển khai các nội dung theo Chương trình số 03, điển hình như việc triển khai thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ.
Trước đây, quận có 19 chung cư cũ đã được nghiên cứu nhiệm vụ công phu, lấy ý kiến rộng rãi, vì thế thời gian tới, quận nên tiếp thu, đưa vào nội dung trong các dự án.
Theo Đề án, trên địa bàn quận Ba Đình có 221 nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại (trong đó có 176 nhà phân bố trong 8 khu tập thể, nhóm nhà chung cư và 35 nhà độc lập).
Đến nay, quận cũng rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và các quy hoạch chuyên ngành; tổ chức công khai Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1 - 2, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa giới hành chính quận với định hướng các khu tập thể, chung cư cũ khi cải tạo, xây dựng lại sẽ giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao, ưu tiên bổ sung hệ thống hạ tầng đô thị, công trình công cộng, không gian xanh, cải thiện môi trường.
Quận cũng đang tổ chức xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc quận Ba Đình; quy hoạch chi tiết các phường (đặc biệt là quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế đô thị Khu vực 13 làng trại - Thập tam trại, theo hướng gìn giữ cấu trúc làng xóm trong đô thị tạo điểm nhận diện đặc trưng văn hóa, lịch sử của quận Ba Đình); tổ chức thiết kế đô thị các tuyến đường mở mới và một số trục đường quan trọng làm cơ sở để quản lý công trình xây dựng và quản lý đô thị theo thẩm quyền của quận.
Các tuyến đường mở mới được tăng cường kiểm soát không gian, kiến trúc cảnh quan 2 bên tuyến đường làm cơ sở cho công tác chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển đô thị; không để phát sinh các công trình siêu mỏng, siêu méo và các công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Cùng với đó, quận phối hợp với các sở, ngành của thành phố hoàn chỉnh Đồ án Quy hoạch phân khu R1 - 5 - phân khu Sông Hồng; triển khai thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường tuyến đường ven hồ Trúc Bạch đoạn từ cầu Ngũ Xã 1 đến cầu Ngũ Xã 2; tổ chức triển khai thực hiện xây dựng mới 22 điểm đất cây xanh- vườn hoa theo quy hoạch phân khu H1-2 trên địa bàn quận, diện tích khoảng 58.000m2.
Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc các công trình kiến trúc tiêu biểu, các công trình mang kiến trúc lịch sử, văn hóa tại các khu vực: Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội; công viên lịch sử khảo cổ Hoàng Diệu, Điện Kính Thiên và cụm công trình phụ cận, nhằm phát huy giá trị di tích, gắn với phát triển du lịch giáo dục lịch sử truyền thống..
Ngoài ra, quận cũng đang đề xuất 1 số tuyến phố đi bộ, ẩm thực để phát triển kinh tế đô thị cũng được sở chuyên ngành đồng tình, thời gian tới cần có quy hoạch chi tiết.
Thiết kế đô thị riêng với các tuyến đường khu vực nội đô lịch sử
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị quận Ba Đình quan tâm đến quản lý các hồ, công viên theo hướng không gian mở; chỉnh trang không gian mặt nước, cây xanh, phát triển không gian xanh; tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại khu vực Hoàng thành Thăng Long.
Ngoài ra, tăng cường thiết kế đô thị riêng đối với các tuyến đường, khu vực nội đô lịch sử; kiểm tra, kiểm soát không gian ngầm, giao thông tĩnh trên địa bàn; kêu gọi xã hội hóa nguồn lực cho các dự án chỉnh trang…
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành uỷ Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy là chương trình quan trọng, thiết thực, nhưng có một số nội dung, chỉ tiêu phức tạp, khó thực hiện.
Vì vậy, Ba Đình cần tập trung chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nội dung, chỉ tiêu. Bên cạnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nội dung, chỉ tiêu Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy; Tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng".
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị quận Ba Đình sớm có kế hoạch, giải pháp chỉ đạo chặt chẽ để nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu, đặc biệt là về cải tạo chung cư cũ; chỉnh trang nhà biệt thự, công viên, vườn hoa; chỉnh trang tuyến đường phố, hạ ngầm cáp viễn thông; cải tạo, nâng cấp chợ.
Quận Ba Đình phải là mẫu mực cho các quận, huyện trên địa bàn thành phố, phải xác định rõ cơ hội và lợi thế của quận để triển khai, lan toả rộng rãi những cách làm hiệu quả tới các đơn vị khác của Hà Nội.