Đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân

Thứ hai, 09/08/2021 14:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện cả nước mới có 2.580.000m2 nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đủ bố trí cho khoảng 330 nghìn người lao động. Con số này rất thấp so với nhu cầu của hàng chục triệu công nhân. Do đó, thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư đẩy mạnh xây dựng, đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho công nhân.

Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới Kim Chung (huyện Đông Anh). Ảnh: Trọng Hiếu

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang thông tin, thực tế triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, bức xúc về nhà ở của công nhân càng lộ rõ bất cập. Có những địa phương, tại một thôn ở gần các khu công nghiệp chỉ có hơn 1.000 dân, nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động, điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự.

Tại thành phố Hà Nội, so với nhu cầu, nguồn cung về nhà ở cho công nhân hiện nay chỉ như muối bỏ biển. Anh Mai Văn Hải ở tỉnh Thanh Hóa rời quê hương ra Hà Nội lập nghiệp, nhưng sau 10 năm làm việc ở Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), vợ chồng anh Hải vẫn chưa thể có tiền để sở hữu một căn hộ chung cư. Anh Mai Văn Hải tâm sự, lương mỗi tháng của hai vợ chồng anh xấp xỉ 17 triệu đồng. Cuộc sống hằng ngày biết bao khoản phải chi, như tiền thuê nhà, tiền học cho 2 con. Việc tìm được căn hộ vừa túi tiền cũng không dễ. “Công ty tôi đa số công nhân phải thuê phòng trọ, điều kiện ăn, ở không ổn định. Vì vậy, mong muốn của người lao động là được thuê nhà ở hoặc mua nhà giá rẻ có sự hỗ trợ của Nhà nước”, anh Mai Văn Hải kiến nghị.

Nhìn tổng thể, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay, cả nước có 2.580.000m2, đủ bố trí cho khoảng 330 nghìn người lao động, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, những năm qua, mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Nhưng các chính sách này tới nay chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, vì vậy, những bức thiết về nhà ở cho công nhân lúc nào cũng nóng bỏng.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của việc kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đó là tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng lại ở những vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng... Điều đó dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án.

Để hiện thực hóa chủ trương tốt đẹp, nhân văn này, đồng chí Nguyễn Đình Khang thông tin, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Đồng thời, cũng cần thiết phải bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm “vốn mồi” cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, bởi chúng ta không thể khoán trắng nhà ở xã hội cho các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Cùng với đó, đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân - lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng rất dễ bị tổn thương để hướng đến xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.

Nguồn: Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)