Hà Nội định hướng phát triển theo hương văn minh, hiện đại, vững vàng bản sắc. Ảnh: Thùy Chi
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu
Hà Nội đang vươn mình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Trong những năm qua công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, đặc biệt là hệ thống hạ tầng đô thị, phát triển nhà ở, đóng vai trò quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần xây dựng bộ mặt TP. Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại.
Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian qua, TP. Hà Nội đã phê duyệt 59/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng (tỷ lệ phủ kín quy hoạch đạt 83%); 216 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị với tổng diện tích khoảng 14.116,3 ha.
Bên cạnh đó, Thành phố đã và đang xây dựng 35 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị. Có 326/356/382 xã hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã (điều chỉnh quy hoạch Nông thôn mới). Chất lượng quy hoạch ngày càng được nâng lên, cơ bản bám sát yêu cầu và nhiệm vụ phát triển của Thủ đô với xu hướng ngày càng được cải thiện, khang trang hơn, hiện đại hơn.
Để tiến gần hơn nữa các mục tiêu đã đề ra, Hà Nội xác định xây dựng Quy hoạch phát triển TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Luật Quy hoạch năm 2017); rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để Hà Nội sớm trở thành đô thị hoạt động hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao so với trong nước và khu vực.
Hàng loạt quy hoạch quan trọng sẽ được hoàn thành như quy hoạch phân khu, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng; quy hoạch không gian ngầm; khớp nối đồng bộ quy hoạch khu vực nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh. Ðối với khu vực đô thị trung tâm, sẽ tăng cường lập thiết kế đô thị, cải tạo, chỉnh trang và quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, chú trọng các tuyến đường cải tạo, mở rộng theo quy hoạch…
Không gian đô thị được định hướng mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như The Manor, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, RoyalCity, TimesCity… tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển.
Đáng chú ý, vào tháng 5/2020 vừa qua, Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc (đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với bản quy hoạch này, Hoà Lạc trong tương lai không xa sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề, trung tâm y tế, khám chữa bệnh. Đây cũng sẽ là đô thị sinh thái - nghỉ dưỡng, khoa học - công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng tại phía Tây Hà Nội.
Cùng với đó, cụ thể hóa Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô, các cây cầu như Nhật Tân, sắp tới là cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo… còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan khu vực.
Nhiều tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Thăng Long, Vành đai 3, Vành đai 2 trên cao, Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nút giao thông Thanh Xuân, nút giao thông Trung Hòa, nút giao trung tâm quận Long Biên… Tất cả các công trình đều có quy mô lớn, hiện đại tạo dấu ấn của một đô thị bề thế, nhân lên niềm tự hào của người dân Thủ đô và cả nước với bạn bè thế giới.
Chia sẻ về kết quả thực hiện quy hoạch thành phố trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay, Thành phố đã rất chú trọng công tác lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung trên địa bàn TP. Hà Nội đạt 100% khu vực cần lập (32/32 đồ án), quy hoạch phân khu đạt 80% (27/35 đồ án).
Thành phố đã hoàn thành phê duyệt thêm 88 đồ án quy hoạch chi tiết với tổng diện tích khoảng 4.386,2 ha; 80 hồ sơ chỉ giới các tuyến đường quan trọng... Chất lượng quy hoạch dần được nâng cao, cơ bản bám sát hơn thực tế và các yêu cầu phát triển đô thị, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử.
Cần đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, tuy nhiên theo đánh giá của một số chuyên gia, công tác quy hoạch của Hà Nội còn chưa bảo đảm tính dự báo, một số đồ án quy hoạch chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi, do đó còn phải điều chỉnh cục bộ. Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của thành phố còn chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra, chưa phủ kín các quy hoạch phân khu, nhất là quy hoạch phân khu sông Hồng, việc phát triển các đô thị vệ tinh cũng chưa đạt tiến độ.
Tại buổi làm việc của Thành ủy Hà Nội với Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng mới đây, đề cập đến lĩnh vực quy hoạch phát triển Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, Hà Nội cần khẩn trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; đồng thời khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Hà Nội ngay trong những khâu đầu tiên của việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, giúp rút ngắn thời gian của quá trình điều chỉnh…
Thứ trưởng Tài chính Ðỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá, TP. Hà Nội còn lúng túng trong công tác quản lý quy hoạch. Ðể nâng cao hiệu quả công tác này, Thành phố cần chỉ rõ nguyên nhân đang vướng về cơ chế chính sách, thể chế, cách thức tổ chức thực hiện.
Cho ý kiến về vấn đề này, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho rằng, HĐND TP. Hà Nội cần ban hành quy chế về lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong công tác lập quy hoạch, xác định tỷ lệ lấy ý kiến sát với thực tiễn của thành phố; tập trung hoàn thiện quy chế quản lý kiến trúc thành phố, đồng thời, công bố công khai các quy hoạch…
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hà Nội Vương Đình Huệ, một trong định hướng lớn của Hà Nội trong thời gian tới là phải đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững. Trong đó, nhiệm vụ cấp bách của Hà Nội là rà soát điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Quy hoạch này được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, theo Luật Quản lý quy hoạch 5 năm có thể rà soát sửa đổi nhưng đến nay đã 10 năm, có rất nhiều thứ thay đổi, từ luật pháp, tư duy, tầm nhìn…
Bên cạnh đó, những quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn cần lưu ý gắn với các tiêu chí đô thị, bởi thực tế, những huyện về đích nông thôn mới sớm nhất nhưng khi đặt mục tiêu lên quận lại khó hơn các huyện đạt chuẩn nông thôn mới sau.
Về quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đáy, sau khi Hà Nội mở rộng, thì diện tích khu vực này rất lớn, nếu quy hoạch được sẽ là nguồn lực lớn để phát triển đô thị, đồng thời, sẽ giải quyết được sinh kế cho người dân.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên, ngoài nỗ lực của TP. Hà Nội, rất cần sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng liên quan những vấn đề quan trọng, cấp thiết. Người đứng đầu thành phố đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội, các Sở, ban, ngành tích cực, chủ động, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Xây dựng để phối hợp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc; đáp ứng nhu cầu, tốc độ phát triển và tương xứng với tiềm năng, vị thế Thủ đô.
Với định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo hướng khang trang, hiện đại hơn, tuy nhiên Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nên bên cạnh đó vẫn cần phải giữ gìn những nét truyền thống, vững vàng bản sắc.
TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội đánh giá, nhìn lại chặng đường qua, có thể thấy công tác quy hoạch luôn được Đảng, Nhà nước, thành phố quan tâm và xác định là công tác thường xuyên, quan trọng, cần đi trước một bước. Với những định hướng đã xác định trong hệ thống quy hoạch hiện hành, cơ chế đặc thù được xác định trong Luật Thủ đô, định hướng trong phát triển được xác định, ông tin rằng Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm, khẳng định vị thế không chỉ là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học - kỹ thuật quan trọng của cả nước, mà còn là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.