Đà Lạt hướng tới đô thị di sản

Thứ ba, 25/02/2020 14:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với lợi thế về tự nhiên, khí hậu cùng hệ thống di sản quý giá, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) có nhiều tiềm năng để trở thành đô thị di sản. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, địa phương phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan tới cơ chế, chính sách và cả những tác động tiêu cực đang đe dọa tới các yếu tố làm nên giá trị và bản sắc của Đà Lạt.

Vẻ đẹp của nghệ thuật kiến trúc kết hợp với cảnh quan tại Đà Lạt.

Tiềm năng, lợi thế lớn

Lịch sử TP Đà Lạt được đặt dấu mốc khởi đầu vào năm 1893, khi đoàn thám hiểm của bác sĩ Alexandre Yersin lần đầu đặt chân lên cao nguyên Langbiang. So với nhiều đô thị khác trong cả nước, Đà Lạt có thời gian phát triển chưa dài. Tuy nhiên, thành phố này đã kịp “làm dày” cho lịch sử của mình bằng hệ thống di sản đồ sộ với tính chất độc đáo, nguyên vẹn mà không đô thị nào tại Việt Nam có được.

Lâu nay, các đô thị của nước ta thường hình thành theo một mô-típ là “từ làng lên phố” nhưng Đà Lạt ra đời theo hướng ngược lại. Thành phố được quy hoạch, xây dựng trước và cùng với quá trình tụ cư. Ngày nay, trong các kho lưu trữ tại Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những bản đồ án cùng các hoạt động quy hoạch, chỉnh trang đô thị Đà Lạt của các kiến trúc sư người Pháp như Paul Champoudry năm 1906, Ernest Hébrard năm 1923, Pineau năm 1933, Mondet năm 1940 và J.Lagisquet năm 1942. Các bản quy hoạch trước đây vừa có tính kế thừa vừa rất sáng tạo, theo bố cục tự do, hạn chế can thiệp vào địa hình, tôn trọng tối đa vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, các con phố uốn lượn theo đồi núi và thung lũng, các phân khu chức năng bố trí linh hoạt, điều này giúp bộ mặt đô thị Đà Lạt ngay từ khi ra đời đã có dáng vẻ khác biệt, rất hiện đại nhưng cũng giàu bản sắc.

Kiến trúc Đà Lạt chịu ảnh hưởng phong cách kiến trúc châu Âu, là “nghệ thuật kiến trúc kết hợp với cảnh quan”, góp phần làm phong phú nền kiến trúc Việt Nam và được xem như tài nguyên nhân văn quốc gia. Mỗi công trình, cụm công trình được sắp đặt khéo léo nhằm khai thác triệt để địa hình và cảnh quan thiên nhiên. Có thể coi TP Đà Lạt hiện nay là “bảo tàng kiến trúc” khổng lồ với hàng nghìn biệt thự, công trình công cộng, tôn giáo, tiêu biểu như: Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt, Nhà ga Đà Lạt, Nhà thờ Chánh tòa, Dinh I, Dinh II, Dinh III, Chùa Linh Sơn, Trung tâm văn hóa thiếu nhi Đà Lạt, khu biệt thự Anna-Madara, khu biệt thự Trần Hưng Đạo…

Đà Lạt nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, được các dãy núi cùng quần thể thực vật rừng, đặc biệt là rừng thông bao quanh nên thành phố có khí hậu miền núi ôn hòa, mát dịu quanh năm. Đà Lạt sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng như núi Langbiang, đồi Cù, Thung lũng Tình yêu và các hồ: Xuân Hương, Than Thở, Tuyền Lâm, Đa Thiện, Đan Kia-Suối Vàng, các thác nước như: Datanla, Prenn, Cam Ly, Bảo Đại… là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa các vùng miền trong cả nước, nơi bảo tồn và phát huy nhiều di sản quý giá như Mộc bản Triều Nguyễn, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nghề trồng hoa…

Cần đề án khả thi

Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Lâm Đồng, sự hội tụ các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, di sản kiến trúc là những yếu tố cơ bản để Đà Lạt có thể trở thành đô thị di sản. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa năm 2001 (bổ sung, sửa đổi năm 2009) chỉ xác định đối với di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, chưa có khái niệm về đô thị di sản. “Tuy nhiên, trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị di sản dưới góc nhìn nhận về các yếu tố đô thị thì giá trị di sản của đô thị cần được đánh giá qua các nghiên cứu khoa học, làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát huy giá trị di sản vốn có. Đó cũng chính là lý do địa phương có thể đề xuất về hành lang pháp lý mở đường cho Đà Lạt trở thành đô thị di sản”, ông Lê Quang Trung giải thích.

Tại buổi Tọa đàm “Hướng đến xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị di sản” do UBND tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức, các kiến trúc sư, nhà quy hoạch thống nhất cho rằng, bên cạnh bài toán về cơ chế, chính sách, TP Đà Lạt cần phải khắc phục những yếu tố tiêu cực đang đe dọa hệ thống di sản ở đây, cụ thể: Công tác quy hoạch, quản lý chưa theo kịp sự phát triển, diện tích rừng bị thu hẹp, tình trạng bê-tông hóa gia tăng làm biến mất nhiều mảng xanh quý giá, tình trạng phát triển nông nghiệp thiếu kiểm soát gây ra ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là hàng loạt công trình kiến trúc có giá trị và danh lam thắng cảnh của Đà Lạt bị xuống cấp, mai một. Nhiều công trình kiến trúc đương đại chưa phù hợp với tổng thể kiến trúc Đà Lạt, không có sự kế thừa, phát triển, thậm chí mâu thuẫn, xung đột với kiến trúc cũ...

Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam góp ý: “Cần lập đề án về đô thị di sản đối với Đà Lạt một cách khoa học. Xem xét lại vị thế, đánh giá lại tài nguyên khí hậu, tài nguyên cảnh quan của Đà Lạt. Công trình xây dựng cần phải được chọn lọc rất kỹ lưỡng để bảo vệ không gian kiến trúc đặc trưng. Hạn chế tập trung phát triển vùng lõi của Đà Lạt. Đẩy mạnh phát triển các đô thị vệ tinh”. Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh tham vấn: “Nên khẩn trương đánh giá khoa học và đầy đủ các di sản để xếp hạng; nhanh chóng xác định tiêu chí, khoanh vùng khu di sản, điểm di sản, thống kê quỹ di sản của Đà Lạt để có giải pháp bảo tồn, phát huy”.


Theo qdnd.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)