Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch

Thứ ba, 30/07/2019 11:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo báo cáo UBND thành phố Hà Nội về quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở; duy trì hạ tầng đô thị trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, hiện Hà Nội đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn, phấn đấu cơ bản phủ kín quy hoạch tiến tới quản lý theo quy hoạch,  trọng tâm là 20 quy hoạch phân khu tại các huyện, đô thị vệ tinh.

Cụ thể là Sóc Sơn (6 khu), Xuân Mai (3 khu), Phú Xuyên (2 khu), Sơn Tây (9 khu) và dự kiến lập 04 đồ án quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc. Đến nay, Thành phố Hà Nội đã phê duyệt 57/58 đồ án (26/35 QHPK và 31/33 QHC); 11 đồ án khác đang được hoàn chỉnh (09 QHPK: H1-1(A,B,C), H1-2, H1-3, H1-4, R1-5, R6, GN(A) và 02 QHC: huyện Gia Lâm và ĐTVT Hòa Lạc).

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai thực hiện các đồ án đặc thù, lần đầu triển khai trên địa bàn Thành phố như: quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Vạn Phúc, quận Hà Đông và Bát Tràng, huyện Gia Lâm; Quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 04 quận trung tâm; Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ... nhằm hoàn thiện công cụ quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Tổ chức triển khai xây dựng 28 quy chế quản lý kiến trúc đô thị, bao gồm 02 quy chế đặc thù, 12 quy chế quận, thị xã và 14 quy chế thị trấn. Tiếp tục lập thiết kế ý tưởng quy hoạch 20 khu chung cư cũ làm cơ sở triển khai thủ tục tiếp theo.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khung về giao thông, an toàn giao thông, trật tự đô thị, Thành phố cũng đã tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình giao thông trong danh mục các dự án trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016-2020 (nhà ga S9, S10, S12 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; đường vành đại 2 đoạn Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở; đường vành đai 3 dưới thấp đoạn cầu vượt Mai Dịch – cầu Thăng Long...). Xây dựng tiêu chí kỹ thuật và phương án lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác quản lý đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự đô thị trên địa bàn các quận thuộc Thành phố.

Tổ chức tốt các phương án phân luồng, tăng cường lực lượng kiểm tra, quản lý phương tiện vận tải phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội; đảm bảo tối ưu lưu thông phương tiện tại các điểm có công trình thi công, thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo lưu thông phương tiện trong giờ cao điểm.

Đến nay, Hà Nội đã triển khai các giải pháp tăng cường an toàn đối với 12/21 điểm đen giao thông trên địa bàn. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ 60 công trình thuộc các dự án cải tạo, sửa chữa chống xuống cấp và các dự án thuộc chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông năm 2019.

Phát triển vận tải hành khách công cộng, đến nay toàn mạng lưới xe buýt trên Hà Nội đã có 122 tuyến, trong đó: 100 tuyến trợ giá; 08 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 02 tuyến City tour.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)