Đưa nước sạch về vùng khát ở Tiền Giang

Thứ ba, 06/09/2016 14:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong mùa khô hạn lịch sử năm nay, người dân ở các huyện, thị xã khu vực phía đông tỉnh Tiền Giang đón nhận niềm vui mới khi hệ thống nước sạch của tỉnh chính thức được đấu nối và đưa vào vận hành. Sự kiện này đã xóa đi điệp khúc hàng trăm năm nay là cứ đến mùa khô, tỉnh lại “khát” nước sinh hoạt trầm trọng. 

Thi công lắp đặt đường ống nước tại huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang).

Nước sạch về làng

Đưa tay đón dòng nước mát lành chảy từ vòi nước sinh hoạt của gia đình, anh Hồ Văn Hoàng ở ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, hồ hởi cho biết: “Dù người dân cù lao này đã hay tin có nước sạch từ trước, nhưng khi điều đó xảy ra, chúng tôi vẫn ngỡ ngàng như là trong mơ vậy. Cách đây mấy tháng thôi, người dân còn “sống chung” với nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, không ai dám nấu ăn và uống, cũng không thể giặt giũ. Bây giờ có nước sạch rồi thì vui lắm. Gia đình tôi có thể bắt đầu đầu tư, kinh doanh vườn cây cảnh”.

Tân Phú Đông thuộc huyện đặc biệt khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất của người dân nơi đây là thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô hằng năm. Hệ thống cấp nước nông thôn chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu sử dụng của nhân dân. Nhiều năm qua, người dân sống dựa vào nước mưa, tích trữ nước trong lu, khạp. Hết nước dự trữ, người dân phải “đổi” (mua) nước từ sà-lan giá cao từ 80.000 đến 150.000 đồng/m3. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Khánh vui vẻ cho biết: “Bây giờ khác rồi. Có nước sạch về dân mừng, phấn khởi lắm. Trong số 11.217 hộ dân của huyện, đã có 54% số hộ được dùng nước sạch từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm. Dự kiến đến cuối năm 2016, sẽ có 75% số hộ dân trên địa bàn huyện được cấp nước sạch. Sau khi có dự án nước sạch về, huyện định hướng phát triển kinh tế theo hướng tiểu thủ công nghiệp, phát triển du lịch; tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản nuôi: tôm, cua, sò, nghêu và trồng: mãng cầu, dừa, sả…”.

Niềm vui có nước sạch về xóm, ấp không chỉ dừng lại ở Tân Phú Đông mà còn lan tỏa khắp khu vực huyện thị phía đông của Tiền Giang. Ông Nguyễn Văn Vẽ (ấp Giá Dưới, huyện Gò Công Đông) cho biết: “Cuối năm 2015, nước sạch đã về với các hộ dân ở đây. Cả ấp có 227 hộ dân thì có khoảng 160 đến 170 hộ có nước sạch về tận gia đình. 100% các hộ ở mặt đường đều có nước sạch. Vào mùa khô, một số hộ ở xa lộ có thể dùng vòi nước công cộng của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang lắp đặt. Nước rất mạnh, dùng thoải mái. Bà con mừng lắm. Trước đây người dân chỉ trông cậy vào nước ao làng trong dùng sinh hoạt. Nếu không có dự án nước sạch này thì mùa hạn mặn vừa rồi, không biết chúng tôi sẽ xoay sở như thế nào".

Sử dụng nước hiệu quả

Để có được nguồn nước mát như hôm nay, nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và các ngành có liên quan đã không ngừng nghiên cứu tìm giải pháp đưa nước ngọt về các vùng khô hạn một cách căn cơ, bài bản. UBND tỉnh kêu gọi đầu tư và kết quả đã thành lập được Công ty Cổ phần BOO nước Đồng Tâm để xây dựng nhà máy nước tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành. Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 50.000 m3/ngày-đêm. Đơn vị này cũng xây dựng tuyến ống chuyển tải từ TP Mỹ Tho đến giao lộ quốc lộ 50 và thị xã Gò Công dài 45,7 km. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 12-2011 giúp bảo đảm cơ bản nguồn nước sạch thay thế nguồn nước tại chỗ của các nhà máy, các trạm cấp nước nhỏ lẻ từ huyện Chợ Gạo đến thị xã Gò Công, một phần thị trấn Tân Hòa (huyện Gò Công Đông).

Tuy nhiên, để đưa nước sạch về các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Gò Công Đông cần phải có hệ thống tuyến ống cấp hai. Do đó, năm 2015, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công ty cấp nước Tiền Giang triển khai Dự án Xây dựng mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm phân phối cho thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 162 tỷ đồng. Dự án hoàn thành trong quý I-2016 đã đưa nguồn nước của Nhà máy nước Đồng Tâm cung cấp cho nhân dân hai địa phương này về trước kế hoạch một năm. Song song đó, Công ty cấp nước Tiền Giang còn triển khai gấp rút, hoàn thành dự án cấp nước cho huyện Tân Phú Đông trong tháng 6-2016 (về trước kế hoạch ba tháng), đưa nguồn nước của Nhà máy nước Đồng Tâm cung cấp cho nhân dân một số xã thuộc huyện Gò Công Tây và tuyến ống dẫn nước vượt sông Tiền cung cấp cho huyện Tân Phú Đông.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã có kế hoạch tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 2 của Dự án Xây dựng mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm phân phối cho thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông, bảo đảm đủ áp lực cung cấp đến các khu vực Vàm Láng, Tân Thành, Gia Thuận. Có phương án huy động mọi nguồn lực mở tuyến ống cấp nước đến khu dân cư không tập trung, nhất là huyện Tân Phú Đông.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết: Để các dự án phát huy hiệu quả, tỉnh yêu cầu các đơn vị cấp nước thực hiện các biện pháp giảm tỷ lệ thất thoát nước và bảo đảm chất lượng nước đạt yêu cầu theo quy định; không để xảy ra các trường hợp công trình xuống cấp, hư hỏng do quản lý kém, thiếu trách nhiệm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý tài chính của các trạm cấp nước, thực hiện mức giá nước theo khung giá của UBND tỉnh đã ban hành. Đồng thời, tỉnh Tiền Giang tiếp tục kiến nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống phân phối nước từ các nguồn vốn vay ưu đãi để sớm triển khai các dự án tiếp theo.


Theo báo Nhân dân điện tử
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)