Hội thảo khoa học Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Thanh Hoá đến năm 2020
Thứ hai, 26/12/2005 00:00
Quy hoạch chung TP Thanh Hoá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 140/1999/QĐ-TTg ngày 10/6/1999. Đến nay, quy hoạch chung thành phố đã được thực hiện trên 6 năm. Năm 2004 Chính phủ có Quyết định số 72/2004/QĐ-TTg ngày 29/4/2004 công nhận thành phố Thanh Hoá là đô thị loại II. Năm 2004 và năm 2005 xin điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2005 với mục tiêu đưa thành phố Thanh Hoá trở thành đô thị loại I.
Thành phố Thanh Hoá có vị trí là trung điểm của Thủ đô Hà Nội đến trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là thành phố Vinh - đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung bộ, là vùng đất lịch sử giàu chất nhân văn, là một trong những đầu mối giao thông quốc gia, điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi cho xây dựng, thành phố Thanh Hoá có rất nhiều tiềm năng để xây dựng một thành phố đẹp về cảnh quan - kiến trúc, mạnh về kinh tế và mang đậm truyền thống lịch sử văn hoá. Xét nhu cầu thực tế, việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thanh Hoá lần này là cần thiết. Vì lý do đó, ngày 17-12-2005 UBND tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội thảo khoa học "Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thanh Hoá đến năm 2020".
Tới dự có Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá -Nguyễn Văn Lợi, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá, đại diện các huyện, thị xã, thị trấn, Viện Quy hoạch XD Thanh Hoá, Sở Xây dựng Thanh Hoá, Sở GTVT, Sở Tài nguyên-Môi trường Thanh Hoá....
Khách mời có ông Trần ngọc Chính- Vụ trưởng Vụ Quản lý KTQH-Bộ XD, Trần Trọng Hanh-Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đại diện của các vụ, viện của Bộ Xây dựng, Văn phòng chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Hội xây dựng, các viện quy hoạch của Hà Nội, Hải Phòng..., Sở Xây dựng các tỉnh lân cận là Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh. Mục tiêu của điều chỉnh quy hoạch chung là:
- Cụ thể hoá Quy hoạch tổng thể KTXH tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có định hướng đến năm 2020.
- Cụ thể hoá quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam thời kỳ 1997-2020. Định hướng quy hoạch tổng thể cấp nước, thoát nước, VSMT, định hướng phát triển công nghiệp và các quy hoạch ngành khác đã được phê duyệt.
- Làm cơ sở để triển khai các quy hoạch chi tiết xây dựng đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Mục tiêu cụ thể của điều chỉnh quy hoạch chung lần này là: Phấn đấu đến năm 2020 thành phố Thanh Hoá đạt tiêu chí là đô thị loại I, có quy mô dân số khoảng 50 vạn dân trở thành một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, du lịch, giáo dục đào tạo, KHKT và công nghiệp của khu vực Bắc Trung bộ.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe 23 báo cáo về: Công tác quản lý phát triển TP Thanh Hoá; xây dựng thành phố Thanh Hoá theo chiến lược phát triển đô thị bền vững; Đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận trong Điều chỉnh quy hoạch chung TP Thanh Hoá; Quy hoạch xây dựng TP Thanh Hoá hiện đại, văn minh và có bản sắc; Tạo dựng bản sắc cho TP Thanh Hoá trong quá trình phát triển; Đầu tư phát triển trong thực hiện quy hoạch xây dựng TP Thanh Hoá; Phát triển du lịch trong Điều chỉnh QHC xây dựng TP Thanh Hoá; Thành phố tìm về cội: hướng sông và hướng biển;....
Tham luận của ông Phạm Sĩ Liêm-Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nêu rõ quan điểm Xây dựng Chiến lược phát triển đô thị bền vững hướng tới thực hiện mục tiêu của Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Chiến lược phát triển bền vững Cities Development Strategy-CDS với bốn độ đo dimensions là:
- Khả năng sinh sống tốt livability, gồm vấn đề chỗ ở, hạ tầng đô thị, môi trường sinh thái, phúc lợi xã hội, việc làm, an toàn,....
- Khả năng cạnh tranh tốt competitiveness, gồm vấn đề môi trường kinh doanh, chính sách kinh tế, nguồn nhân lực, hiệu quả của hoạt động thị trường,....
- Khả năng tài chính tốt bankability, gồm vấn đề thu chi ngân sách lành mạnh, huy động các nguồn tài chính dồi dào cho đầu tư phát triển,...
- Cai trị và quản lý tốt good governance and management, gồm vấn đề thể chế, năng lực và đạo đức của công chức, tính công khai, tính minh bạch, huy động sự tham gia của cộng động, xoá đói giảm nghèo, bình đẳng giới, quản lý hiệu quả dịch vụ công vụ và hạ tầng kinh tế-xã hội đô thị,....
Chiến lược CDS thể hiện tư duy phát triển hiện đại của thế giới, coi trọng vai trò của chính quyền, của thị trường và của cộng động trong viễn cảnh là không bao lâu nữa quá nửa nhân loại sẽ sống trong đô thị.
Tham luận của PGS.TS. Lưu Đức Hải-Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị-Nông thôn BXD nêu rõ Định hướng phát triển không gian kiến trúc đô thị: Việc phát triển không gian đô thị thành phố Thanh Hoá về phía Đông và phía Bắc để sớm thực hiện ý tưởng xây dựng liên đô thị Thanh Hoá - Sầm Sơn là một hình ảnh mới về một thành phố hai bên bờ sông Mã phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khai thác cảnh quan hai bên sông là hướng đi tích cực và đúng đắn. Thực tế các thủ đô, thành phố lớn trên các quốc gia đều làm như vậy.
GS.TSKH. Nguyễn Thế Bá-Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam lại nhấn mạnh Vị trí và tiêu chí của một đô thị trung tâm vùng đối với TP Thanh Hoá. Vai trò đầu tàu và động lực cơ bản của một đô thị mà Thanh Hoá đang đảm nhận phải được thể hiện trong Điều chỉnh QHC của TP. Thanh Hoá. Muốn một đô thị đẹp, phát triển bền vững thì bao giờ hạt nhân của nó là khu vực trung tâm phải được coi trọng và có một bố cục không gian hoành tráng, có đất để xây dựng các công trình hạt nhân.
Về hạ tầng kỹ thuật đô thị của TP Thanh Hoá, tham luận của Ts. Nguyễn Hồng Tiến-Phó Vụ trưởng Vụ Hạ tầng Kỹ thuật đô thị-BXD đã đưa ra những thách thức sau:
- Kinh tế tuy có phát triển nhưng chưa vững chắc, thị trường chưa phát triển, tính cạnh tranh thấp, khả năng thu hút đầu tư thấp.
- Tốc độ đô thị hoá nhanh, tỷ lệ dân đô thị cao nhưng chất lượng cuộc sống đô thị chưa cao. Bộ mặt đô thị chưa có tính đột phá trong xây dựng và phát triển.
- Hạ tầng kỹ thuật xây dựng không theo kịp với sự phát triển - mở rộng đô thị và hiện đang quá tải, môi trường ô nhiễm.
- Sự phát triển hay tốc độ phát triển kinh tế và xã hội nhanh chóng và mạnh mẽ của các tỉnh và đô thị xung quanh Ninh Bình, Nam Định, Vinh,... thách thức bên ngoài tác động tới sự phát triển của Thanh Hoá nói chung và TP. Thanh Hoá nói riêng.
GS.TS.KTS.Hoàng Đạo Kính nêu quan điểm Chúng ta phải chủ trương tạo lập những nền tảng văn hoá đô thị và tạo lập bản sắc riêng cho đô thị. Đô thị hoá phải kèm theo quá trình thành thị hoá. Hiện đại hoá phải kèm theo quá trình bản sắc hoá.
- Thành thị hoá cần được hiểu là quá trình kiến tạo một cơ thể đô thị, mà về trình độ tổ chức không gian, trình độ sở hữu các phương tiện công nghệ và kỹ thuật, trình độ kiến trúc và thẩm mỹ của quỹ kiến trúc, hoàn toàn khác biệt những tiền mẫu kiến trúc đô thị truyền thống, những tiền mẫu kiến trúc thôn quê hoặc những hình thái kiến trúc chuyển tiếp khác. Đó là một quá trình hun đúc, tinh luyện nhân tố văn hoá thứ hai của đô thị, -văn hoá cuộc sống đô thị, bao gồm lối sống, học hành, cư xử, tiếng nói, ăn mặc... Xây dựng đô thị về kiến trúc thì có thể nhanh, song xây dựng cho nó thành một sản phẩm văn hoá thì lại đòi hỏi một quá trình lâu dài. Điều này tương tự như việc người ta có thể giàu lên về tiền của rất nhanh, song trở nên "sang" thì không phải mỗi chốc. Có khi mất vài đời.
- Bản sắc hoá cũng là một hiện tượng, song cùng tiếp biến văn hoá đô thị, một quá trình tự nhiên hoặc có chủ định, mà ở đó diễn ra sự hình thành, sự tích tụ, sự đào thải, sự nhân lên, sự tiếp nối và sự bổ sung những cái riêng của địa phương, của một cộng đồng dân cư, để gộp lại, trở thành bản sắc chỉ chốn đô thị ấy sở hữu mà thôi. Và, sở hữu được bản sắc, đô thị ấy sẽ có sức thu hút và sức toả sáng, có nguồn hỗ trợ cho sự phát triển.
Để thực hiện quy hoạch chung xây dựng đô thị thì ngân sách đô thị phải có khả năng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và đủ kinh phí bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Muốn như vậy, chính quyền đô thị cần hết sức bồi dưỡng nguồn thu và đạt hiệu quả trong chi tiêu.
Nguồn thu quan trọng của đô thị được huy động từ tài nguyên đất đai đô thị, bao gồm tiền cho thuê đất, tiền đấu giá quyền sử dụng đất đã trang bị hạ tầng, phí trước bạ tài sản nhà đất, thuế nhà đất,.... Để giảm chi, nên thực hiện xã hội hoá rộng rãi một số dịch vụ công cộng như vận tải đô thị, cấp nước, thu gom xử lý rác thải, giáo dục và nhất là dạy nghề, y tế,...
Hy vọng qua cuộc hội thảo, các đề xuất và khuyến nghị của các tham luận với tính hiện thực và khả thi cao có thể làm cơ sở để UBND tỉnh Thanh Hoá và TP. Thanh Hoá có sự điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Thanh Hoá đáp ứng được yêu cầu đạt được tiêu chuẩn của đô thị loại I trong tương lai.
Minh Tâm