Một triệu khối bê tông trên công trình thủy điện Sơn La: Sự kỳ vĩ thành hình

Thứ sáu, 10/10/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 8-10, tại dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, Tổng công ty Sông Đà đã long trọng chào mừng sự kiện 1 triệu mét khối bê tông đầm lăn RCC được đổ xuống công trình.
 

Thi công mét khối bê tông RCC thứ một triệu tại đập chính công trường thủy điện Sơn La.

Đây là bước tiến quan trọng, góp phần đảm bảo  mục tiêu hoàn thành việc tích nước hồ chứa vào tháng 7-2010 và  phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm đó. Sự kiện này càng đặc biệt hơn bởi    đã  trải qua không ít trở ngại, sự cố.


Với nhiều người, 1 triệu mét khối RCC cũng chỉ đơn thuần là một con số học đơn thuần. Nhưng với hàng vạn CBCNV của Tổng công ty Sông Đà và các nhà thầu Licogi, Lilama… sự kiện này là niềm mong đợi đã từ rất lâu. Bởi nó là thước đo đánh dấu những nỗ lực vượt khó, là sự khẳng định tính hiệu quả của một loại công nghệ mới được lựa chọn áp dụng cho công trình thủy điện không chỉ lớn nhất Việt Nam mà còn là lớn nhất khu vực Đông Nam Á.


Từ trên cao nhìn xuống mặt đập, ô tô, máy xúc chỉ nhỏ như bao thuốc lá, người thì bé như… cái kẹo. Tất cả đang miệt mài. Ông Nguyễn Kim Tới, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà, Giám đốc Ban Điều hành tổng thầu dự án cho biết: Công trình này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư từ tháng 1-2004 với 6 tổ máy, công suất 2.400MW. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, yêu cầu rất cao về chất lượng và tiến độ. Với yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành toàn bộ nhà máy vào năm 2012, Tổng công ty Sông Đà và các nhà thầu đã quyết định lựa chọn phương án thi công đập dâng bằng công nghệ RCC. Đây là phần đặc biệt nhất, đòi hỏi yêu cầu công nghệ cao và tổng giá trị các hạng mục chiếm khoảng 70% giá trị công trình.


Để triển khai đập dâng theo phương pháp RCC với yêu cầu cường độ thi công bình quân 90.000 m3/tháng, cường độ đỉnh 150.000 m3/tháng, nhất thiết phải có dây chuyền thiết bị thi công hiện đại. Sau quá trình lựa chọn, nhà thầu Liebherr Đức đã trở thành đơn vị trúng thầu cung cấp hệ thống trạm trộn 720 m3/h đồng bộ với hệ thống làm lạnh, băng tải vận chuyển bê tông và dịch vụ kỹ thuật. Đây là dây chuyền thi công RCC hiện đại hàng đầu thế giới với tổng giá trị hợp đồng lên tới 20,7 triệu USD.


 

Công nhân thi công trên công trường xây dựng Thủy điện Sơn La.

Hợp đồng cung cấp thiết bị giữa Công ty Sông Đà 5 Tổng công ty Sông Đà và nhà thầu Liebherr đã được ký kết vào ngày 1-11-2006. Phương tiện máy móc được vận chuyển từ Đức về và khẩn trương lắp đặt. Đã tưởng cứ thế là trơn tru để đi vào vận hành từ đầu tháng 11-2007. Nhưng, mọi chuyện phức tạp hơn rất nhiều. Bắt đầu xuất hiện những sự cố ngay từ lúc chạy thử. Theo đại diện Liebherr, nguyên nhân là do thời tiết và các vấn đề kỹ thuật. Phần bê tông làm phẳng khó hơn nhiều so với dự kiến và yêu cầu nhà thầu phải có bề mặt được xử lý đạt tiêu chuẩn. Tốc độ quá cao của băng tải cũng khiến việc chạy thử gặp trục trặc… Những khó khăn này đã từng bước được khắc phục để đến ngày 11-1-2008, những khối bê tông đầu tiên theo phương thức RCC được thực hiện. Những sự cố đó đã làm chậm tiến độ gần 2 tháng.


Nói về nét đặc biệt của RCC, ông Nguyễn Kim Tới cho biết, công nghệ này sử dụng nhiều loại phụ gia, trong đó có xỉ than, tro bay lấy từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Cứ 1 m3 bê tông sử dụng 160 kg tro bay và 60 kg xi măng, tiết kiệm hơn nhiều so với bê tông thông thường. Trước khi đổ xuống đập, nguyên vật liệu được làm lạnh và khống chế ở dưới 220C. Nếu quá nhiệt độ này, khi đổ xuống bê tông sẽ khó liên kết xảy ra hiện tượng nứt. Sau khi đổ bê tông xuống đập còn phải dùng xe lu, đầm nén để bảo đảm độ sụt lún bằng 0. Nhưng đặc biệt nhất là công nghệ này cho phép đẩy nhanh tiến độ gấp 10 lần so với công nghệ thông thường. Cả công trình này phải dùng tổng cộng 2,7 triệu mét khối RCC. 1 triệu mét khối vừa qua đã được thực hiện với tốc độ thần tốc, thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát. Phần còn lại sẽ được hoàn thành trong năm 2008.


Công nhân Lê Xuân Khải Công ty Sông Đà 9 cho biết: Song song với đổ bê tông cho đập dâng, nhiều hạng mục khác như xây nhà máy, làm đập tràn, lắp đặt thiết bị… cũng đang được khẩn trương triển khai. Chúng tôi đang phải làm việc 3 ca liên tục để bảo đảm tiến độ chung của toàn dự án.


Con đường từ trung tâm huyện Mường La qua xã Mường Pú, cầu Bản Ái vào công trường đi lại khá thuận lợi, xe cộ tấp nập, như chưa từng có cơn lũ lớn mới đi qua, làm bong tróc nhiều đoạn mặt đường. Nhưng dấu tích của cơn lũ vẫn hiển hiện qua những cây to bị bật gốc, đổ nghiêng ngả cùng hàng đống đất đá, tràn xuống chân núi… Dẫn chúng tôi đi, một cán bộ của Tổng công ty Sông Đà kể, những ngày ấy, sợ mưa lũ kéo dài, đường sạt lở, ai cũng lo dự án bị đình trệ. Tổng công ty đã huy động nhân công cùng máy móc đến ngay hiện trường dọn dẹp, sửa lại đường, kịp thời thông đường phục vụ xe cộ vào ra không làm ảnh hưởng tới tiến độ.


Mỗi lần đến công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La, chúng tôi lại thấy thêm những nét kỳ vĩ; sự kỳ vĩ ấy được bắt đầu từ một tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước khi quyết định đầu tư dự án này. Sự kỳ vĩ ấy là thành quả của gần 15.000 đôi tay và từng đó khối óc của những người lao động sáng tạo Việt Nam mà điển hình là đội ngũ CBCNV của Sông Đà, Lilama, Licogi, Điện lực Việt Nam… và của không ít người dân, vì sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Không lâu nữa, từ xã Ít Ong xa xôi này, dòng điện sẽ phát lên lưới quốc gia... Lại thấy bừng sáng niềm tin.



Bài và ảnh:
Tuấn Lương

Truyền về từ Sơn La – Báo Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)