Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình

Thứ sáu, 04/03/2022 16:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021 với các nội dung kiến nghị:

1. Câu số 7: “Đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ chỉ đạo các địa phương chưa có cơ sở hỏa táng nhanh chóng đầu tư xây dựng để chủ động xử lý người chết do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; đồng thời, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn khi đất đai dành cho việc làm nghĩa địa chôn cất người chết ngày càng hạn chế, trong khi nhu cầu hỏa táng khi chết của người dân ngày một nhiều và có xu hướng trở thành phổ biến”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 678/BXD-HTKT ngày 04/3/2022 trả lời như sau:

Ngày 26/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng với mục tiêu từng bước đưa việc sử dụng hình thức hỏa táng trở thành phổ biến của người dân Việt Nam tại các địa phương trên toàn quốc theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường. Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, nhiều địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thực hiện hỏa táng và quy hoạch, đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng trên địa bàn. Đến nay đã có khoảng 30 địa phương xây dựng các cơ sở hỏa táng với khoảng 140 lò được lắp đặt (không bao gồm các lò hỏa táng trong các chùa Khmer tại các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng tại các địa phương đã từng bước tăng lên, trong đó riêng thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh là 02 địa phương có tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng cao nhất (trên 70%).

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng để đánh giá việc thực hiện tại các địa phương, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới (nếu có) cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như các cơ chế, chính sách pháp luật mới được ban hành.

2. Câu số 9: “Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng nhưng không có quy định cụ thể nào về việc sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng. Quá trình đô thị hóa tăng nhanh nhưng không có quy định về sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng sẽ gây ra quá tải của các bãi đổ chất thải rắn xây dựng và lãng phí nguồn tài nguyên, vì đó là vật liệu tái chế. Cử tri đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành quy định cụ thể đối với việc sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng.”

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng đã quy định, hướng dẫn cơ bản về nguyên tắc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng theo tính chất và đặc điểm, mục đích sử dụng phù hợp nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn xây dựng phải chôn lấp hoặc đổ thải tại các bãi tập kết.

Tại Khoản 1 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, chất thải rắn công nghiệp thông thường được phân loại thành 03 (ba) nhóm khác nhau, bao gồm: (i) Nhóm được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; (ii) Nhóm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; và (iii) Nhóm phải xử lý.

Tại Khoản 12 Điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP), chất thải công nghiệp là chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó bao gồm chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường. Do đó, chất thải rắn xây dựng được coi là chất thải công nghiệp và được quản lý như chất thải công nghiệp.

Tại Khoản 5 Điều 65 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Xây dựng được giao ban hành quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (bao gồm có chất thải rắn xây dựng) làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã và đang tổ chức xây dựng, dự thảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật có liên quan đối với việc sử dụng chất thải rắn xây dựng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và các mục đích khác trong các công trình xây dựng làm cơ sở để các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng, góp phần tiết kiệm đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 678/BXD-HTKT.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)