Bộ Xây dựng trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Thứ năm, 27/07/2017 16:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Xây dựng nhận được công văn số 85/ĐĐBQH ngày 20/5/2017 chuyển kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng.  

Nội dung kiến nghị: Đề nghị nghiên cứu, áp dụng công nghệ chế biến sâu để giúp doanh nghiệp địa phương đầu tư sàng lọc, chế biến cát ven biển, cát san lấp thành sản phẩm vật liệu xây dựng; hạn chế tình trạng xuất thô sản phẩm hoặc sử dụng cát để san lấp như hiện tại làm lãng phí nguồn tài nguyên và tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép nạo vét tại các cửa sông và nên sử dụng vào san lấp, mở rộng quỹ đất cho khu dân cư ven biển; không để một số doanh nghiệp lợi dụng xuất bán ra nước ngoài và không rõ xuất bán đi đâu?

Về vấn trên, ngày 27/7/2017 Bộ Xây dựng đã có công văn 1717/BXD-VLXD trả lời như sau:

1. Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 82 của Luật Khoáng sản:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoảng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.

Đồng thời, tại Điều 81 của Luật Khoáng sản cũng đã quy định rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Ủy ban nhân dân các cấp tại địa phương nơi có khoảng sản đang khai thác.

Theo đó, việc cấp phép hoạt động khoáng sản đối với cát trắng silic (cát ven biển) thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc cấp phép và quản lý đối với cát, đá, sỏi là vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Về vấn đề nghiên cứu, áp dụng công nghệ chế biến sâu để giúp doanh nghiệp địa phương đầu tư sàng lọc, chế biến cát ven biển, cát san lấp thành sản phẩm vật liệu xây dựng; hạn chế tình trạng xuất thô sản phẩm hoặc sử dụng cát để san lấp như hiện tại làm lãng phí nguồn tài nguyên và tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. 

Theo Qui hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012, cát trắng silic (cát ven biển) được khai thác và chế biến chủ yếu ở các địa phương có tiềm năng trữ lượng lớn về khoáng sản như Vân Đồn-Quảng Ninh, Kỳ Anh-Hà Tĩnh, Quảng Trạch - Quảng Bình, Hải Lăng-Quảng Trị, Phong Điền-Thừa Thiên Huê, Hòa Vang-Đà Nằng, Thăng Bình-Quảng Nam, Cam Ranh-Khánh Hòa, Hàm Thuận-Bình Thuận.

Cát trắng silic sau khi khai thác được chế biến qua các công đoạn sàng, tuyển, rửa, phân loại để loại bỏ tạp chất hữu cơ, bùn, sét, nhằm nâng cao chất lượng, tạo ra các sản phẩm có độ tinh khiết cao hơn và có các kích thước cỡ hạt khác nhau theo yêu cầu sử dụng để cung cấp làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như: sản xuất kính, thủy tinh dân dụng, thủy tinh kỹ thuật, sản xuất gốm, sứ,... hoặc xuất khẩu (khi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BXD ngày 20/9/2012 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng).

Hiện nay đã có nhiều đơn vị đầu tư dây chuyền chế biến sàng tuyển cát trắng như: Công ty cổ phần kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam công suất 200.000 tấn/năm, Công ty TNHH MTV chế biến cát Bình Thuận công suất 200.000 tấn/năm, Công ty cát Cam Ranh FiCO (thuộc Tổng Công ty FiCO) công suất 400.000 tấn/năm,...Gần đâv, đã có một số đơn vị đang tiến hành đầu tư dây chuyển chế biến sâu cát trắng silic (sàng, tuyển, rửa, nghiền, khử từ, phân ly cỡ hạt, đóng bao), tạo ra các sản phấm có giá trị kinh tế cao để phục vụ sản xuất kính có chất lượng cao và xuất khẩu như: dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bột thạch anh siêu mịn do liên doanh giữa Công ty cổ phần tập đoàn Việt Phương và Công ty TNHH Quarzwerke (CHLB Đức) tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và dự án đầu tư giai đoạn 1 của Công ty cát Cam Ranh FiCO tại thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Các địa phương có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm ở nơi đã có doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu cát ven biển để kêu gọi đầu tư tại địa phương.

3. Về vấn đề kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép nạo vét tại các cửa sông và nên sử dụng vào san lấp, mở rộng quỹ đất cho khu dân cư ven biển; không để một số doanh nghiệp lợi dụng xuất bản ra nước ngoài và không rõ xuất bán đi đâu?

Việc cho phép thực hiện dự án nạo vét cửa sông, cảng biển tận thu cát nhiễm mặn được các các cơ quan chủ quản quyết định, gồm: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư lệnh Hải quân (thuộc Bộ Quốc phòng) và UBND các tỉnh. Trên cơ sở địa phương chưa có nhu cầu sử dụng cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét và đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn xuất khấu cát nhiễm mặn tận thu, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu cát nhiễm mặn theo Thông báo số 407/TB-VPCP ngày 17/12/2012 của Văn phòng Chính phủ. Theo các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp báo cáo, thì nước nhập khẩu cát nhiêm mặn duy nhất là Xinh-ga-po.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại các văn bản số 278/TB-VPCP ngày 22/6/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp lần thứ VIII Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, giao Bộ Xây dựng "Chủ trì rà soát quy hoạch xây dựng đô thị, quản lý chặt chẽ việc khai thác cát xây dựng, nghiêm túc thực hiện chủ trương không cấp phép xuất khẩu cát”, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc dừng hướng dẫn xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng tại các cửa sông, cảng biển theo Thông báo số 407/TB-VPCP nêu trên.

Cát nhiễm mặn được thu hồi từ nạo vét, khơi thông luồng lạch tại cửa sông, cảng sông giáp biển, cảng biển hiện tại không đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho bê tông và vữa xây dựng. Cát nhiễm mặn chủ yếu sử dụng hiện nay để lấp trũng các khu vực ven biển; khi sử dụng phải có biện pháp đảm bảo an toàn ăn mòn cho kết cấu công trình.

Bộ Xây dựng ủng hộ việc sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ lấp trũng cho các công trình ven biển. Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các Viện Vật liệu xây dựng và Viện Khoa học Công nghệ xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh việc nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn; xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng; nghiên cứu các loại phụ gia chịu ăn mòn phục vụ cho xây dựng các công trình ven biển nhăm thúc đẩy sử dụng cát nhiễm mặn.

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình thực hiện các dự án nạo vét khơi thông luồng; Yêu cầu UBND các địa phương rà soát, tính toán cân đối cung cầu cát, đá, sỏi xây dựng, cát nhiễm mặn và vật liệu san lấp trên địa bàn phục vụ cho xây dựng.

 


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1717/BXD-VLXD. 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)