Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam gửi tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Thứ tư, 16/01/2019 11:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Xây dựng đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 471/BDN thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng với  nội dung kiến nghị: “Đề nghị đầu tư thêm kinh phí xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến đế xử lý rác thải hữu hiệu, nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, đặc biệt đối với khu vực nông thôn”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn số 71/BXD-HTKT ngày 15/01/2019 xin trả lời như sau:

Thực trạng đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn: Cả nước hiện có khoảng hơn 40 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành với tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 8.700 tấn/ngày (tăng khoảng 4.700 tấn/ngày so với năm 2012); các công nghệ xử lý chủ yếu được áp dụng là sản xuất phân compost, đốt và kết hợp đốt, sản xuất phân compost, tái chế. Năm 2018, một số cơ sở xử lý chất thải rắn có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường đã đi vào hoạt động như Dự án xử lý rác thải tại Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; Dự án đốt rác phát điện tại Thới Lai, Thành phố Cần Thơ...

Ở khu vực nông thôn, nhiều cơ sở xử lý chất thải rắn quy mô nhỏ sử dụng công nghệ đốt hoặc công nghệ ủ phân hữu cơ được đầu tư xây dựng và vận hành như tại Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Bạc Liêu,... Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng khuyến nghị về việc hạn chế đầu tư lò đốt công suất nhỏ hơn 300kg/h để đảm bảo theo quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

Tình hình thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn: Hiện nay, nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là nguồn ngân sách nhà nước. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn chế, nguồn vốn vay ODA đang có xu hướng giảm dần, sự tham gia của khu vực tư nhân được xác định đóng một vai trò quan trọng trong phát triển lĩnh vực xử lý chất thải rắn.

Thời gian vừa qua, nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và lĩnh vực thu gom, xử lý và tái chế chất thải rắn nói riêng, Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Bảo vệ môi trường 2014; Luật Đầu tư 2014; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài,… Trong đó, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP đã có các quy định cụ thể trong việc ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường (Chương VII, từ Điều 37 đến Điều 49) với các nội dung ưu đãi về đất đai, vốn, thuế, trợ giá hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và các ưu đãi, hỗ trợ khác,... Tuy nhiên các quy định, cơ chế, chính sách nói trên vẫn chưa đi sâu vào thực tiễn, còn vướng mắc trong thực thi.

Giải pháp thu hút đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn: Thời gian tới, để thúc đẩy việc huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

(1) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn, trong đó:

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai (hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình ngoài hàng rào, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất); hỗ trợ về tài chính (ưu đãi, hỗ trợ về vốn; thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ giá đối với sản phẩm đầu ra,...).

- Hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

- Rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chỉ tiêu định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

- Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng đáp ứng chi phí để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt với lộ trình phù hợp cho khu vực đô thị và nông thôn (theo quy định tại Luật phí và lệ phí, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017).

(2) Trên cơ sở của các quy hoạch, kế hoạch và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư có liên quan, các địa phương cần có kế hoạch tổ chức truyền thông rộng rãi và kêu gọi đầu tư các công trình, dự án xử lý chất thải rắn, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường cạnh tranh lành mạnh cho khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực quản lý chất thải rắn.

(3) Triển khai áp dụng thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn và công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp cho đô thị và nông thôn để rút kinh nghiệm và nhân rộng.

(4) Triển khai các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 71/BXD-HTKT.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)