Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Đồng Nai gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Thứ sáu, 18/01/2019 09:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 471/BDN thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng với nội dung kiến nghị: “Cử tri kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng có kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước nhằm tránh tình trạng chất lượng các công trình không đảm bảo gây lãng phí tài sản của nhà nước”.

Vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 106/BXD-GĐ ngày 17/01/2019 xin được trả lời như sau:

1. Các quy định hiện hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng

Thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, trong thời gian vừa qua Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh và trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng (Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, đồng thời Bộ Xây dựng đã ban hành các Thông tư hướng dẫn hoạt động xây dựng theo thẩm quyền, tổ chức rà soát hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Hệ thống văn bản QPPL về xây dựng được ban hành nêu trên đã phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Các công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, công trình nhà cao tầng, kỹ thuật phức tạp, công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn an toàn cộng đồng và môi trường, công trình sử dụng vốn nhà nước phải được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế xây dựng, kiểm tra trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng. Để đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng, các công trình xây dựng phải đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.

2. Thực trạng chất lượng công trình xây dựng

Việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn đã giúp cho tình hình chất lượng các công trình xây dựng trên cả nước có chuyển biến tích cực rõ rệt; phát hiện và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết lớn tránh được nguy cơ mất an toàn công trình. Việc kiểm soát chất lượng từ ngay khâu khảo sát, thiết kế thông qua công tác thẩm tra, thẩm định thiết kế và việc kiểm tra công tác nghiệm thu đã có hiệu quả ngăn ngừa, chống thất thoát, lãng phí, điều chỉnh các sai sót về thiết kế; điều chỉnh khắc phục kịp thời các tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng, đặc biệt đối với các công trình cao tầng tập trung đông người nếu xảy ra sự cố sẽ gây thảm họa lớn. Theo báo cáo của các Bộ ngành, địa phương, hàng năm có khoảng 40÷50 nghìn công trình đang được thi công xây dựng. Chất lượng các công trình xây dựng về cơ bản là đảm bảo, chất lượng ngày càng được nâng cao. Chất lượng hầu hết các công trình trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia về cơ bản đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng và đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chuyển biến tích cực về chất lượng công trình xây dựng vẫn còn tình trạng một số ít công trình xây dựng có chất lượng xây dựng chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nguyên nhân chủ yếu là:

- Nhiều chủ thể tham gia trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng công trình (chủ đầu tư và các nhà thầu), chủ quản lý sử dụng công trình chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát thi công, nghiệm thu, bảo hành và bảo trì công trình.

- Năng lực của nhiều nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu và chưa được kiểm soát chặt chẽ; năng lực quản lý dự án của nhiều chủ đầu tư yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Việc tổ chức thực hiện công tác bảo trì công trình (lập và phê duyệt quy trình bảo trì, thực hiện quy trình bảo trì, nguồn vốn cho công tác bảo trì công trình xây dựng còn thiếu), việc thực hiện các yêu cầu về PCCC chưa thực hiện thường xuyên, đối với nhiều công trình còn bị coi nhẹ.

3. Một số giải pháp trong thời gian tới

Để tiếp tục đảm bảo, nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình trong thời gian tới Bộ Xây dựng, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các chủ thể có liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về chất lượng công trình xây dựng; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về xây dựng đảm bảo đầy đủ, hiệu quả hơn;

- Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong xây dựng và tăng cường năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; công khai thông tin về năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân có liên quan;

- Kiện toàn, nâng cao năng lực các cơ quan chuyên môn về xây dựng đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014. Nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các chủ thể trong các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo hành và bảo trì công trình; thực hiện xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng.


Trung tâm Thông tin

Nguồn: Công văn 106/BXD-GĐ.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)