Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII

Thứ tư, 19/02/2014 10:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 18/02, Bộ Xây dựng đã có công văn 253/BXD-QLN trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII với nội dung kiến nghị: “Cử tri phản ánh quá trình triển khai gói tín dụng ưu đãi vay mua nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6%/năm cho người thu nhập thấp vẫn chưa đi vào cuộc sống, còn nhiều bất cập, thủ tục vay vốn phức tạp; mức lãi suất 6%/nămđể công nhân, viên chức, người thu nhập thấp vay vốn mua nhà ở xã hội trả góp trong vòng từ 10 đến 20 năm là không khả thi so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng chính sách này. Cử tri đề nghị nên phân bổ gói hỗ trợ này về cho tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện; đồng thời cho phép bán nhà ở xã hội mà người mua không cần thế chấp, đây cũng là giải pháp để giải quyết hàng tồn kho trong ngành kinh doanh bất động sản. Nhà nước nên xem xét giảm mức lãi suất cho vay và điều kiện mua nhà cho phù hợp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng căn hộ vừa và nhỏ, kiểm soát chặt chẽ giá bán của các đơn vị kinh doanh nhà để người thu nhập thấp có đủ điều kiện tiếp cận mua nhà ổn định cuộc sống”.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai nhiều giải pháp đảm bảo giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ. Ngày 08/3/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BXD hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ. Tiếp theo, ngày 15/5/2013 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BXD hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 11/2013/TT-NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở.

Tuy nhiên, quá trình triển khai gói tín dụng ưu đãi vay mua nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục vay vốn (xác nhận thực trạng nhà ở, mức thu nhập của các đối tượng chính sách gặp khó khăn về chỗ ở); quy định về tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp vay vốn; số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 còn hạn chế, trong đó có những vấn đề bất cập về lãi suất và thời hạn cho vay vốn đối với khách hàng là công chức, viên chức, người thu nhập thấp như ý kiến phản ánh của cử tri thành phố Hồ Chí Minh.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan chức năng của địa phương và các ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ khẩn trương triển khai, rút ngắn thời gian, quy trình xét duyệt hồ sơ thực hiện cho vay vốn.

Về mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở đối với gói tín dụng 30.000 tỷ, theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng đối với khách hàng được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng năm và áp dụng với các khoản vay có dư nợ trong năm; mức lãi suất trong năm 2013 là 6%/năm; định kỳ vào tháng 12 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố lại mức lãi suất áp dụng cho năm tiếp theo, bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường, nhưng không vượt quá 6%/năm. Ngày 02/01/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt nam đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-NHNN điều chỉnh lãi suất cho vay áp dụng trong năm 2014 là 5%/năm (giảm 1% so với mức lãi suất 6% theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia vay vốn.

Theo Nghị quyết 02/NQ-CP, gói tín dụng 30.000 tỷ là để cho vay lãi suất thấp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, hỗ trợ khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở, nên cần được triển khai thực hiện thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (để quản lý giải ngân cho vay, thu hồi nợ...) và được quản lý, điều tiết bởi Ngân hàng Nhà nước. Việc giải ngân, cho vay theo nhu cầu thực tế (doanh nghiệp, cá nhân có đủ hồ sơ, điều kiện trước được giải quyết trước) không phân biệt địa bàn, do vậy không thực hiện phân bổ gói tín dụng về cho các tỉnh, thành phố như kiến nghị của cử tri đã nêu.

Về ý kiến đề nghị tăng thời hạn cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân (theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN thời hạn tối thiểu là 10 năm), Bộ Xây dựng xin ghi nhận và sẽ có ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, điều chỉnh tăng thời hạn cho vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân vay vốn nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện thu nhập của khách hàng là công chức, viên chức, công nhân lao động và người thu nhập thấp.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 253/BXD-QLN.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)