Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII

Thứ sáu, 29/08/2014 15:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 28/8, Bộ Xây dựngđã có công văn 2020/BXD-QLN trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Nội dung kiến nghị: “Cử tri bày tỏ sự lo ngại về tình hình kinh tế hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, các lĩnh vực như nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng; chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản còn gặp nhiều dịch bệnh; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm.Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản”. 

Trong những năm 2011, 2012 và nửa đầu năm 2013, thị trường bất động sản gặp khó khăn, giá cả bất động sản nhà ở và giao dịch sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường, tồn kho bất động sản tăng cao. Nhiều doanh nghiệp bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường bất động sản sụt giảm không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, giảm thu ngân sách nhà nước, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, doanh nghiệp xây lắp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nội thất. Tồn kho vật liệu xây dựng theo đó cũng tăng lên, dẫn đến các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất, thậm chí dừng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương có nhiều dự án bất động sản tiến hành họp với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để nghe các doanh nghiệp nêu các khó khăn, vướng mắc; tổ chức nghiên cứu thị trường để xác định rõ nguyên nhân từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trên cơ sở nghiên cứu, Bộ Xây dựng nhận thấy việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, hướng tới người nghèo để người nghèo có nhà ở; khắc phục được sự lệch pha cầu cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người dân, phát triển dự án nhà ở phải phù hợp với quy hoạch và có kế hoạch; mục tiêu quan trọng là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế; đồng thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường. Từ đó, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 2196/CT-TTg ngày 06/12/2011 về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu, với các nhóm giải pháp chính: (1) Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm thị trường phát triển ổn định theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm cân đối cung - cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; (2) Rà soát, điều chỉnh cơ cấu các dự án bất động sản; (3) Giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng; (4) Điều chỉnh chính sách thuế, tài khóa; (5) Các giải pháp cho doanh nghiệp bất động sản; (6) Cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thông tin, củng cố niềm tin cho thị trường.

Việc thực hiện đồng bộ, kiên định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã đạt được kết quả tích cực. Sau thời gian "đóng băng" thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc từ nửa cuối năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà phục hồi tích cực, thể hiện qua những mặt sau: (1) Giá bán nhà ở đã chững lại, nhiều dự án khu vực phía Tây Hà Nội giai đoạn 2011-2013 đã giảm sâu (trên 30%), thì trong 6 tháng đầu năm 2014 đã ổn định và không giảm tiếp, cá biệt có một số dự án tăng giá nhẹ (khoảng 1-2%) so với năm 2013. Tại TP Hồ Chí Minh, so với một năm trước đây giá cả đã điều chỉnh thấp hơn và hợp lý hơn, nhất là tại phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình. (2) Lượng giao dịch thành công gia tăng, trong 7 tháng đầu năm tại Hà Nội có khoảng 5.100 giao dịch thành công (tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ 2013), nhất là ở các căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, giá trung bình, vị trí dự án thuận lợi giao thông và có hạ tầng tương đối đồng bộ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh 7 tháng đầu năm có khoảng 4.500 giao dịch thành công (tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ năm 2013), tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ (dưới 70m2) giá bán trung bình (từ 14-20 triệu đồng /m2), đất nền có giá bán hợp lý (dưới 2 tỷ đồng). (3) Tồn kho bất động sản giảm mạnh: Lượng tồn kho bất động sản trên cả nước đến ngày 20/7/2014 còn khoảng 82.718 tỷ đồng (giảm 35,65% so với Quý I/2013 và giảm 12,43% so với 31/12/2013). (4) Dư nợ tín dụng bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng trung bình của tín dụng chung. (5) Lĩnh vực bất động sản vẫn thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Trong 7 tháng đầu năm, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút đầu tư nước ngoài, với 20 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,13 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. (6) Kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã tăng nhanh so với thời kỳ đầu mới thực hiện; đến 15/7/2014 tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết cho vay là 5.590 tỷ đồng (bằng khoảng 18,6% so với tổng nguồn vốn), đã giải ngân được 2.634 tỷ đồng.

Đặc biệt, hàng hóa bất động sản đã có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu có khả năng thanh toán của thị trường, niềm tin vào thị trường đang dần được hồi phục. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước... để giảm giá thành; hỗ trợ cho người mua nhà bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay ngân hàng, khuyến mại. Thị trường bất động sản hồi phục đã có tác động tốt đến các ngành sản xuất khác, nhất là xây dựng, sản suất vật liệu xây dựng, nội thất, tín dụng; góp phần giải quyết việc làm, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, góp phần giải quyết nợ xấu.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, nhưng thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng đến đà phục hồi chung của nền kinh tế. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2014 của Chính phủ (Tờ trình số 22/TTr-BXD ngày 21/04/2014 và Báo cáo giải trình bổ sung số 84/BC-BXD ngày 21/07/2014), theo đó: (1) đề nghị tăng thời gian hỗ trợ lãi suất cho hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm; (2) mở rộng đối tượng vay vốn đối với: hộ gia đình, cá nhân tại đô thị mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá); các hộ dân ở đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở được vay để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở; hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo quy định; (3) bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần (ngoài 5 ngân hàng thương mại nhà nước đang thực hiện) được phép tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở. Đề xuất này của Bộ Xây dựng đã được các thành viên Chính phủ thống nhất và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới. Bộ Xây dựng sẽ cùng các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2014 của Chính phủ và Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8//2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP.

2. Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và phát triển nhà ở, thị trường bất động sản. Xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp thứ 7; tiếp thu và hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 sắp tới, trong đó những bài học kinh nghiệm, những bất cập của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua đã được bổ sung, điều chỉnh bằng các quy định chặt chẽ hơn.

3. Xây dựng Đề án Chiến lược phát triển thị trường bất động sản, trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu trung và dài hạn, các giải pháp để quản lý và định hướng thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, theo quy hoạch và có kế hoạch, khắc phục tình trạng phát triển tự phát, lệch pha cung - cầu như thời gian vừa qua (Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 37/TTr-BXD ngày 16/6/2014 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển thị trường bất động sản).

4. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong đó tập trung thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, nhà ở cho các hộ nghèo tại khu vực nông thôn (chương trình 167 giai đoạn 2) và hỗ trợ nhà ở phòng tránh bão, lũ khu vực miền Trung.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2020/BXD-QLN.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)