Bộ Xây dựng cho ý kiến đối với đồ án Quy hoạch chung đô thị Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đến năm 2045

Thứ năm, 16/05/2024 16:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 16/5/2024, Bộ Xây dựng đã có công văn 2053/BXD-QHKT gửi UBND tỉnh Hòa Bình cho ý kiến về nội dung đồ án Quy hoạch chung đô thị Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là QHC đô thị Bo).

Theo đó, về sự phù hợp với quy định pháp luật: Căn cứ Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023, xác định đô thị Bo, là một trong các đô thị loại IV (giai đoạn 2021-2030) của huyện Kim Bôi; mặt khác, theo định hướng phát triển đô thị trong Quy hoạch xây dựng vùng huyện Kim Bôi (được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 2230/QĐ-UBND ngày 28/9/2023) xác định đô thị Bo đến năm 2030 là đô thị loại IV (bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị trấn Bo, xã Vinh Đồng và xã Kim Bôi); do đó, việc UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lập Quy hoạch chung đô thị Bo, huyện Kim Bôi là có cơ sở.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Hòa Bình cần bổ sung, làm rõ cơ sở mở rộng đô thị Bo lên đô thị loại IV giai đoạn 2021-2030 (các yếu tố tạo thị, động lực phát triển đô thị, nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị....), cũng như các điều kiện mở rộng đô thị đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan có liên quan bổ sung các văn bản, báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của các Sở, ngành, địa phương có liên quan và ý kiến của cộng đồng dân cư. Chịu trách nhiệm rà soát các quy hoạch, dự án (không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện; không hợp thức, cập nhật các quy hoạch, dự án chưa đủ cơ sở pháp lý), đảm bảo tính chính xác của các số liệu đo đạc liên quan đến đất lúa, đất rừng, đất quốc phòng - an ninh và đất dân cư hiện trạng; tuân thủ các quy định pháp luật về: Di sản văn hóa, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, đất đai, nhà ở, xây dựng..., cũng như đáp ứng được các yêu cầu về ứng phó biến đổi khí hậu, lũ quét và sạt lở đất.

Thuyết minh, bản vẽ đồ án quy hoạch cần rà soát, thực hiện theo Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.

Để có cơ sở phê duyệt QHC đô thị Bo, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung và làm rõ một số nội dung sau:

- Về mục tiêu của đồ án: Cần bổ sung nội dung Quy hoạch chung đô thị mới làm cơ sở để lập các đồ án quy hoạch phân khu (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009).

- Phần đánh giá hiện trạng: Đề nghị bổ sung các số liệu dân số, mật độ dân số thị trấn Bo và các xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi; phân tích, đánh giá số liệu dịch cư, lao động (05 năm gần nhất của huyện Kim Bôi và toàn tỉnh Hòa Bình) làm cơ sở dự báo quy mô dân số; bổ sung phân tích, đánh giá rõ hơn thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng thế mạnh đối với một số xã (xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi) dự kiến mở rộng vào đô thị Bo.

- Phần đánh giá tình hình triển khai theo các quy hoạch được duyệt: Đề nghị bổ sung các quy hoạch, dự án đã thực hiện theo quy hoạch chung thị trấn Bo (năm 2012) và các quy hoạch chung xây dựng xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi; trên cơ sở đó cần chỉ rõ những vấn đề bất cập, tồn tại; làm rõ những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung. Khi thực hiện QHC đô thị Bo đề nghị không hợp thức các quy hoạch, dự án sai phạm; hạn chế điều chỉnh các quy hoạch, dự án vào khu đất cây xanh đô thị và đất dịch vụ công cộng đô thị (theo QHC năm 2012); khi quy hoạch mở rộng đô thị phải đảm bảo an ninh quốc phòng, không tác động đến đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hành lang thoát lũ, bảo vệ nguồn nước, lưới điện, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất.

- Tiền đề phát triển đô thị Bo: Cần nhấn mạnh động lực, cơ sở mở rộng đô thị, làm rõ tính đặc thù nổi trội của đô thị (so với các đô thị khác trong tỉnh); trên cơ sở các kinh nghiệm phát triển đô thị tại một số đô thị có tính chất, điều kiện tự nhiên tượng tự; đề nghị cụ thể rõ tầm nhìn, phương hướng phát triển, tính chất (đô thị hành chính, đô thị du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với bản sắc văn hóa, bảo tồn hệ sinh thái…), trên cơ sở đó đề xuất cấu trúc, mô hình phát triển đô thị bám sát các định hướng trên; làm rõ các mối quan hệ, kết nối hỗ trợ của các vùng phát triển trong đô thị với các khu vực trong vùng huyện Kim Bôi.

- Về dự báo quy mô dân số: Việc đề xuất tỷ lệ tăng dân số đô thị giai đoạn 2030 khoảng 2,5%, giai đoạn 2045 khoảng 2,9% còn thiếu cơ sở, không đủ luận cứ, chưa phù hợp thực tiễn; việc đề xuất tăng dân số cơ học của QHC đô thị Bo phải dựa trên các luận cứ, cơ sở khoa học sau khi rà soát, cân đối dự báo dân số trên toàn vùng động lực phía Tây của tỉnh Hòa Bình (Thành phố Hòa Bình, huyện Lượng Sơn, Kim Bôi); đảm bảo phù hợp với các dự báo dân số đô thị, khách du lịch theo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 và Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Đối với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đồ án: Đối với chỉ tiêu đất dân dụng (96,54m2/người) và đất đơn vị ở mới (38,7m2/người) của Đồ án cao hơn quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2021/BXD về quy hoạch xây dựng, đề nghị rà soát điều chỉnh giảm quy mô để đảm bảo tuân thủ quy chuẩn hiện hành.

- Về định hướng phát triển không gian: Bổ sung các nguyên tắc, định hướng cụ thể đối với từng khu vực (dự báo dân số, đất đai, các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, yêu cầu về kiểm soát kiến trúc cảnh quan). Đối với các khu vực đô thị hiện hữu cần có các yêu cầu đảm bảo hạ tầng xã hội, tăng diện tích khu cây xanh thể dục thể thao, hệ thống bến bãi đỗ xe. Đối với các khu vực phát triển mới phải hướng tới đô thị sinh thái, tôn trọng các giá trị tự nhiên; bổ sung các trung tâm dịch vụ công cộng, khu trung tâm thể dục thể thao, cây xanh công viên, các chỉ tiêu kiểm soát phát triển đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2021/BXD. Đối với khu vực cảnh quan đồi núi (khu vực phía Tây đô thị) cần có yêu cầu kiểm soát phát triển và kiến trúc cảnh quan (hạn chế san gạt địa hình phá vỡ cảnh quan tự nhiên, san lấp dòng chảy). Khu vực dân cư nông thôn đô thị hóa cần hạn chế tách thửa, chuyển đổi nông nghiệp; có yêu cầu về kiểm soát kiến trúc gắn với bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, vùng sản xuất.

+ Đối với khu vực 1 (Trung tâm hành chính, kinh tế văn hóa đô thị Bo): Cần phát triển tập trung tại khu vực trung tâm huyện; đối với việc mở rộng không gian, quỹ đất để phát triển đô thị ven sông Bôi và hai bên suối Cháo cần xem xét đánh giá các quỹ đất có khả năng xây dựng, hạn chế tác động lưu vực thoát lũ các sông suối; cân nhắc việc đề xuất điều chỉnh dòng suối Cháo cũng như hướng  tuyến đường giao thông chính (6D), việc phát triển đô thị hai bên suối Cháo khó khả thi do cần đầu tư nguồn lực lớn (đây là vùng trũng, khối lượng san lấp mặt bằng lớn) ảnh hưởng tới cảnh quan và thoát nước chung cả khu vực.

+ Đối với khu vực 2 (Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng): Cần rà soát lại quy mô các khu dịch vụ du lịch, khu đất hỗn hợp ở; khi phát triển cần hạn chế đào đắp, phá vỡ cảnh quan hệ sinh thái đồi núi, các khu vực ven suối Chiềng; có giải pháp khoanh vùng bảo vệ nguồn suối khoáng.

+ Đối với khu vực 3 (Khu đô thị sinh thái, nông nghiệp phía Đông Nam): Việc phát triển các khu đô thị, khu hỗn hợp ở tại khu vực phía Tây đường 12B, khu vực xóm Cóc, xóm Yên và Bãi Mu cần rà lại quy mô và mô hình phát triển; hạn chế phát triển vào các khu vực trên nằm trong vùng thoát nước sôi Bôi, vùng ruộng trũng, các khu vực có giá trị cảnh quan tự nhiên (đồng rượng, núi đá vôi).

+ Khu vực 4 (Trung tâm du lịch sinh thái, giải trí kết hợp văn hóa cộng đồng): Đề nghị khoanh vùng bảo tồn các giá trị cảnh quan tự nhiên, làng bản; rà soát các tuyến đường kết nối phù hợp với địa hình tự nhiên (không quy hoạch các  tuyến đường mới vào các khu vực chưa khai thác sử dụng, khu vực có giá trị cảnh quan thiên nhiên).

- Đối với quy hoạch sử dụng đất: Rà soát bản vẽ, đối chiếu với số liệu quy hoạch sử dụng đất (đặc biệt là số liệu đất đơn vị ở mới, đất hỗn hợp có ở), đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng giai đoạn đã được phê duyệt (lưu ý bổ sung sơ đồ phân đợt để đảm bảo tiết kiệm hiệu quả sử dụng đất, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo từng giai đoạn); bổ sung luận cứ, làm rõ cơ sở nhu cầu sử dụng đất dịch vụ du lịch. Đối với đất hỗn hợp có ở nên phát triển tại khu vực đô thị tập trung, khu trung tâm dịch vụ du lịch (Khu vực 1-2), gần các trục đường giao thông chính; các khu đất hỗn hợp có ở cần xác định rõ tỷ lệ % đất đơn vị ở, làm cơ sở xác định quy mô, vị trí các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

- Phần thiết kế đô thị: Cần bổ sung ranh giới, yêu cầu kiểm soát phát triển đối với các vùng cảnh quan; bổ sung các không gian mở gắn với các công trình công cộng ra các khu vực ven sông Bôi, suối Cháo; bổ sung bản đồ quy định mật độ tầng cao.

- Về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Bám sát định hướng của các quy hoạch cấp trên (Quy hoạch tỉnh Hòa Bình, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Kim Bôi), rà soát khớp nối các định hướng hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường kết nối vùng, để đảm bảo thống nhất đồng bộ.

+ Về quy hoạch giao thông: Bổ sung làm rõ giải pháp quy hoạch các cầu mới qua sông Bôi, suối Chiêng (đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với các khu vực phát triển mới). Rà soát lại hướng tuyến, quy mô tuyến đường chính đô thị (6D) phía Tây khu vực 1, việc bổ sung tuyến trên là cần thiết, tuy nhiên hướng tuyến đi nằm trên vùng suối Cháo và các khu ruộng trũng gây phá vỡ điều kiện cảnh quan tự nhiên. Việc mở tuyến đường mới (mặt cắt 1-1) đoạn qua xã Kim Bôi là chưa phù hợp (tuyến đi qua các khu vực có giá trị cảnh quan thiên nhiên, nhu cầu sử dụng đất hai bên tuyến không hiệu quả, chưa kết nối được với các khu chức năng trong đô thị); trên cơ sở đó đề nghị rà soát, điều chỉnh mở rộng tuyến C và tuyến ĐH 43 (thay tuyến mặt cắt 1-1) để phát triển các vùng phía Nam Khu vực 4. Bổ sung cơ sở hình thành, quy mô tuyến cáp treo Kim Bôi - Lạc Sơn.

+ Rà soát lại giải pháp, phương án phòng chống lũ các khu vực ven suối Cháo, suối Chiêng và sông Bôi đảm bảo khả năng tiêu thoát nước gắn với hệ thống thủy lợi toàn khu vực; hạn chế san gạt đồi núi, lấp lưu vực thoát nước sông suối; bảo tồn hệ sinh thái các khu vực đồng ruộng ven sông Bôi, suối Cháo để phát triển khu đô thị sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng.

+ Các chỉ tiêu về cấp nước, thoát nước thải và chất thải rắn đề xuất trong đồ án cần bám sát khả năng phát triển và kế hoạch khai thác, đầu tư của các công trình đầu mối theo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình.

- Đối với các dự án, công trình ưu tiên đầu tư, nguồn lực thực hiện: Đề nghị bổ sung nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch phân khu, làm cơ sở lập các quy hoạch chi tiết và triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2053/BXD-QHKT.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)