Chính phủ thảo luận, góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Thứ sáu, 29/03/2013 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trong chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013, Chính phủ đã họp chuyên đề thảo luận, góp ýDự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phiên họp chuyên đề của Chính phủ tháng 3/2013 - Ảnh VGP

Dự thảo Báo cáo của Chính phủ được xây dựng trên cơ sở tổng hợp ý kiến, đề xuất từ các báo cáo của Bộ, ngành, địa phương và 2 báo cáo chuyên đề; góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý (tại các hội thảo, tọa đàm…); các bài viết gửi về Thường trực Ban Chỉ đạo…

Báo cáo về tình hình triển khai lấy ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, đến nay, Bộ Tư pháp đã nhận được đầy đủ báo cáo của Bộ, ngành, địa phương với tổng cộng hơn 5.000 trang (30 báo cáo của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 báo cáo của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố; 2 báo cáo chuyên đề về Chính phủ và chuyên đề về chính quyền địa phương).

Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm 98 trang kèm theo 14 phụ lục (275 trang).

Dự thảo gồm 4 phần: Tình hình triển khai việc lấy ý kiến nhân dân; tổng hợp những ý kiến chung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; tổng hợp những ý kiến cụ thể về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự kiến đề xuất, kiến nghị của Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Kết quả tổng hợp cho thấy, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tổ chức 28.014 hội thảo, hội nghị và tiếp nhận khoảng 18 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tổng hợp ý kiến đóng góp cho thấy đa số ý kiến cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bám sát quan điểm, định hướng nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp được xác định tại các Nghị quyết của Đảng, thể hiện rõ quy mô, phạm vi sửa đổi nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (có bổ sung, phát triển năm 2011), phù hợp với tình hình mới của đất nước.

Đồng thời, Dự thảo có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng như ghi nhận rõ một số nguyên tắc nền tảng (như tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; tôn trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân); định danh rõ các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; thể hiện tư duy mới trong quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…

Dự thảo cũng đã ghi nhận và thể hiện nhất quán các nguyên tắc vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức, nhiều thành phần kinh tế; khẳng định khái quát ở tầm hiến định vai trò và các công cụ quản lý vĩ mô của nhà nước…

Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đưa ra dự kiến các đề xuất, kiến nghị về 7 nhóm vấn đề với lập luận cụ thể về từng đề xuất, kiến nghị. Trong đó tập trung chuyên sâu vào Chương VII (Chính phủ), Chương IX (chính quyền địa phương) và quy định về các cơ quan nhà nước khác liên quan đến Chính phủ.

Cụ thể với nhóm kiến nghị, đề xuất hoàn thiện Chương VII về vị trí của Chính phủ, kiến nghị xác định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Về cơ cấu, thành phần, chế độ làm việc của Chính phủ (Điều 100 Dự thảo), đề xuất về cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do luật định; những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ phải được quyết định theo đa số. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ (Điều 101 Dự thảo), kiến nghị quy định khái quát 7 nhiệm vụ, quyền hạn thuộc 2 nhóm chức năng của Chính phủ là chức năng thực hiện quyền hành pháp và chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Về Thủ tướng Chính phủ (Điều 103 Dự thảo), kiến nghị bổ sung quy định rõ Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước; bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ để có thể chủ động điều hành trong những tình huống bất thường (thiên tai, dịch bệnh); đề xuất bổ nhiệm thành viên Chính phủ bị khuyết, vắng, không thực thi được nhiệm vụ trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội…

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, làm rõ một số nội dung cần tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện Báo cáo liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ; tính chất của Hội đồng nhân dân; việc điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến HĐND; việc hoàn thiện các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định liên quan đến việc thành lập chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính - lãnh thổ; những vấn đề về quản lý, sử dụng đất đai; quy định Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển kinh tế-xã hội”…

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm xây dựng một đạo luật gốc, tiên tiến, phù hợp với thực tế, điều kiện lịch sử của Việt Nam trên cơ sở kiên định các nguyên tắc cơ bản của Cương lĩnh xây dựng đất nước mà Đại hội XI của Đảng đề ra, đồng thời chỉ sửa đổi những vấn đề đã rõ mà thực tiễn chứng minh cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm mục tiêu xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phát huy tốt nhất quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Báo cáo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ tại phiên họp để tổng hợp, sớm hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo : chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)