Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án Quy hoạch chung đô thị Đức Hòa, tỉnh Long An đến năm 2045

Thứ bẩy, 18/01/2025 09:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 17/1/2025, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chung đô thị Đức Hòa, tỉnh Long An đến năm 2045, với sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, hội, hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng là thành viên Hội đồng; lãnh đạo UBND tỉnh Long An.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn kết luận hội nghị

Trình bày Báo cáo tóm tắt Đồ án tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - VIUP) cho biết, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Đức Hòa, khoảng 42.511ha (hiện có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 3 thị trấn, 17 xã); phía Bắc giáp huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh và thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; phía Nam giáp huyện Bến Lức, tỉnh Long An; phía Đông giáp huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh; phía Tây giáp huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Thời hạn quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2045.

Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh Long An và các quy hoạch chuyên ngành, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; xây dựng và phát triển đô thị Đức Hòa trở thành một cực phát triển công nghiệp, dịch vụ phía Đông Bắc tỉnh Long An, gắn kết chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua kết nối giao thông đường bộ; làm cơ sở đầu tư xây dựng, phát triển đô thị Đức Hòa đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại III, giai đoạn dài hạn hướng tới đạt tiêu chí đô thị loại II và trở thành thành phố thuộc tỉnh Long An.

Bên cạnh đó, khai thác thế mạnh trong liên kết vùng khu vực tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và vùng phụ cận thông qua hệ thống giao thông hiện hữu và các tuyến đường định hướng theo quy hoạch; hướng tới phát triển đô thị Đức Hòa là động lực trong hành lang kinh tế đô thị, công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An; thuộc chuỗi đô thị gắn với Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; tạo lập không gian, khai thác sử dụng quỹ đất hiệu quả để phát triển những ngành kinh tế có tiềm năng; đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, giầu bản sắc và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, kiểm soát phát triển không gian đô thị, các khu dân cư nông thôn, các khu công nghiệp, khu du lịch và các khu vực chức năng khác; làm cơ sở lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quản lý phát triển đô thị, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khung của đô thị Đức Hòa.

Đô thị Đức Hòa được quy hoạch với tính chất là thành phố trực thuộc tỉnh Long An; Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; đô thị công nghiệp trong vùng phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh Long An; đô thị sinh thái, bền vững; trung tâm công nghiệp tập trung đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản sâu của Long An và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; trung tâm thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục đào tạo cấp tỉnh, cấp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng gắn kết hoạt động vui chơi giải trí ven sông Vàm Cỏ Đông; đầu mối giao thông đường bộ và đường thủy quan trọng trong kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; tăng cường kết nối vùng Tây Nguyên và khu vực cửa khẩu với vương quốc Campuchia; có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Đồ án dự báo đến năm 2030, dân số toàn đô thị Đức Hòa đạt khoảng 430.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80,5%. Đến năm 2045, dân số toàn đô thị khoảng 600.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 85,8%.

Theo Đồ án, đô thị Đức Hòa được định hướng theo mô hình và cấu trúc phát triển gồm: Ba hành lang - Ba vành đai, cụ thể: Hành lang kinh tế cao tốc Bắc Nam nhánh Tây kết nối vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên, tiền đề hình thành ra vùng công nghiệp tập trung phía Bắc của đô thị với lợi thế quỹ đất nông nghiệp lớn, địa hình cao và ổn định; Hành lang kinh tế đường vành đai 4 kết nối tỉnh Long An với vùng Đông Nam Bộ, vùng Thành phố Hồ Chí Minh; kết nối sân bay Quốc tế Long Thành - Cảng Long An; tăng cường phát triển kinh tế làm động lực phát triển đô thị; Hành lang đô thị gắn với ĐT823D và ĐT825 tăng cường kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua tuyến vành đai 3 và các trục giao thông chính của Thành phố Hồ Chí Minh để lan tỏa phát triển đô thị từ đô thị lớn Thành phố Hồ Chí Minh;

Ba vành đai gồm: Vành đai công nghiệp tiếp giáp dọc ranh giới với Thành phố Hồ Chí Minh phía Đông, Đông Bắc, là động lực lan tỏa, tăng đô thị hóa mở rộng về phía Tây của huyện thông qua hệ thống hạ tầng khung giao thông; Vành đai xanh sinh thái Bắc Nam gồm hành lang sinh thái trung tâm kết nối không gian mở sông Vàm Cỏ Đông theo hướng Tây Nam lên Đông Bắc; Vành đai xanh tự nhiên ven sông Vàm Cỏ Đông, tạo lập không gian mở thông qua tuyến giao thông, cây xanh, mặt nước kết nối theo hướng Đông - Tây, hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công viên chuyên đề, công viên bán ngập để thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt kịch bản nước biển dâng.

Không gian đô thị Đức Hòa được định hướng phát triển theo mô hình tập trung đa cực kết nối thông qua trục động lực, tuyến đường tỉnh và hệ thống giao thông đô thị; các trung tâm đô thị phát triển dựa trên cấu trúc khung tự nhiên với hạt nhân là trung tâm đô thị mới, kết nối, lan tỏa giữa khu vực đô thị hiện hữu và các khu công nghiệp là nơi giao thoa về kinh tế, văn hóa, xã hội; khai thác không gian cảnh quan tự nhiên ven sông Vàm Cỏ Đông gắn với bảo tồn, phát triển đô thị xanh, sinh thái, các hoạt động vui chơi, giải trí ven sông; định hướng về cảnh quan không gian kiến trúc thị Đức Hòa tương xứng với chức năng đô thị loại II;  xây dựng tuyến hành lang sinh thái dọc sông Vàm Cỏ Đông được tạo lập từ cảnh quan sinh thái tự nhiên gắn với bảo tồn các không gian văn hóa, lịch sử hiện có; bảo tồn, quản lý chặt chẽ các khu vực ngã tư Đức Hòa, nhà Ông Bộ Thỏ, di tích Bình Tả, hạn chế san gạt, khai thác có hiệu quả làm điểm nhấn đô thị; quản lý chặt chẽ việc phát triển đô thị xung quanh các khu dễ bị ngập lụt, đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng.

Tại hội nghị, các chuyên gia thành viên Hội đồng góp ý đơn vị tư vấn cần chú trọng nhiều hơn đến giao thông kết nối vùng; phát triển đô thị có tính tập trung; chú trọng đầu tư các dự án thoát nước, xử lý nước thải; chú trọng cập nhật những định hướng liên quan đến quy hoạch Đức Hòa tại Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chú trọng phát triển hệ thống trạm sạc cho xe ô tô điện, phát triển điện mặt trời áp mái; đảm bảo an ninh quốc phòng.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá nội dung Đồ án đã bám sát Nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần cân nhắc bổ sung phân kỳ quy hoạch đến năm 2035; đánh giá đầy đủ thực trạng phát triển đô thị Đức Hòa để nhận diện rõ những tồn tại, bất cập trong thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời xác định lộ trình phát triển phù hợp; đánh giá tác động của hệ thống đường sắt đô thị, vành đai 4 của Thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá đầy đủ mối quan hệ giữa đô thị Đức Hòa với hệ thống đô thị tỉnh Long An; rà soát tính chất, động lực phát triển đô thị Đức Hòa; quan tâm các vấn đề cấp thoát nước, xử lý nước thải, quy hoạch, quản lý không gian ngầm.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND huyện Đức Hòa, đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng; rà soát dự thảo Quyết định của Thủ tướng và hồ sơ Đồ án để UBND tỉnh Long An trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)