Ngày 29/7/2023, Tạp chí Xây dựng tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Hiệu quả đầu tư cầu cạn đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vấn đề phát triển bền vững”.
Ban điều phối hội thảo tại điểm cầu chính
Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 điểm cầu các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các Sở xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường, Ban Quản lý dự án giao thông, nông nghiệp; các viện, trường đại học, các hội nghề chuyên ngành; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thái Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng cho biết, tại Việt Nam, giải pháp cầu cạn cho xây dựng cao tốc không phải vấn đề mới, vì trước đó, Việt Nam đã có những công trình cầu cạn như Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Thái Nguyên - Chợ Mới, Diễn Châu - Bãi Vọt hay Quy Nhơn - Chí Thạnh...Tuy nhiên, để giải pháp cầu cạn được áp dụng sâu rộng hơn cho những tuyến cao tốc đi qua vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hầu hết các dự án đã được phê duyệt phương án thiết kế, là vấn đề được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Đây là khu vực có tốc độ sụt lún đất trung bình khoảng 0,96cm/năm, nhanh hơn gấp 3 lần so với mực nước biển dâng. Kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới cho thấy, các đoạn tuyến sử dụng cầu cạn chiếm 25-40% tổng chiều dài tuyến đường ô tô cao tốc qua vùng đồi núi và đất yếu.
Thuyết trình tại hội thảo, ThS. Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải so sánh giải pháp cao tốc trên mặt đất và cao tốc trên cao (cầu cạn). Theo đó, thực tế cho thấy chi phí xây dựng bình quân cầu cạn cao gấp khoảng 2,62 lần chi phí đường đắp thông thường. Việc xây dựng cầu cạn có nhiều ưu việt về kỹ thuật, đặc biệt khi vượt khu vực đất yếu lớn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là chi phí đầu tư xây dựng rất cao, trong khi nguồn lực còn hạn chế.
Các đại biểu tham dự hội thảo qua các điểm cầu trực tuyến
Tham dự hội thảo, TS. Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam đề xuất phương án xây dựng cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long theo phương pháp cầu cạn bằng dầm nhịp lớn trên cơ sở công nghệ bê tông cường độ cao (HPC) và bê tông tính năng siêu cao (UHPC), cho nhịp từ 35 - 100m. Theo các kết quả nghiên cứu, giải pháp này phù hợp cho vùng đất yếu với tầng đất yếu dày, chiều cao đất đắp lớn hơn 3m với khu vực cần cầu chui dân sinh, đất nền lún sụt, nước biển dâng. Giải pháp cầu cạn với công nghệ bê tông tiên tiến cho phép thi công nhanh, chất lượng cao, bảo trì thấp, tuổi thọ trên 100 năm và chi phí đầu tư cộng cộng với chi phí bảo trì trong 30 năm là thấp nhất trong các phương án.
TS. Trần Bá Việt khẳng định, Việt Nam hoàn toàn làm chủ việc thiết kế dầm tuyến cầu cạn, chế tạo dầm bằng bê tông HPC và UHPC, thi công lao lắp. Vấn đề là Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải cần xác định chi phí bảo trì cao tốc cho 30 năm làm cơ sở cho việc xác định suất đầu tư theo vòng đời hệ thống cao tốc miền Tây.
Để giải quyết bài toán cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, việc tìm kiếm một phương án phù hợp với khu vực này là cần thiết trong bối cảnh thiếu cát san lấp. Giải pháp cần được tìm theo hướng giải quyết cùng một lúc các thách thức phù hợp với các đặc thù của địa bàn cao tốc đi qua. Từ đó, từng bước chỉ ra xây dựng tuyến cao tốc trên cao là một giải pháp không thể bỏ qua, là có cơ sở và khả thi, phù hợp với đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở các đồng lũ, trũng, cao trình mặt đất thấp, nền đất yếu.