Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ và một số kết quả chủ yếu về sản xuất kinh doanh, đầu tư tháng 7 và 7 tháng năm 2014 của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng

Thứ năm, 07/08/2014 15:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ 1.1. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành văn bảnTrong 7 tháng năm 2014, Bộ Xây dựng đã tập trung, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, tiếp thu, giải trình và đã được Quốc hội thông qua Luật Xây dựng 2014; hoàn thiện trình Quốc hội tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Hiện Bộ đang tập trung tiếp thu, giải trình và hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 đối với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đồng thời tập trung nghiên cứu soạn thảo các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng 2014 để kịp thời trình Chính phủ ban hành .Ngoài ra, Bộ cũng đã hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 11 đề án, dự thảo quyết định về các lĩnh vực: nhà ở, thị trường bất động sản, hạ tầng kỹ thuật, vật liệu xây dựng, tổ chức bộ máy. Ngoài Luật Xây dựng đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 4 đề án, quyết định do Bộ trình. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, bổ sung, hoàn chỉnh 12 đề án, văn bản QPPL đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành trong thời gian tới.Tính đến hết tháng 7/2014, Bộ đã ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư(trong đó có 2 Thông tư liên tịch) về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện để ban hành 12 Thông tư. Các cơ chế chính sách mới ban hành thời gian qua với những quan điểm, tư tưởng đổi mới, được các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 

1.2. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật:

Cùng với việc tập trung hoàn thiện thể chế, Bộ đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng thông qua việc thẩm tra thiết kế, dự toán, kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 16/02/2013 về quản lý chất lượng công trình, qua đó đã góp phần tích cực phòng chống thất thoát, lãng phí, phòng ngừa sai phạm, rủi ro về chất lượng công trình .

Để tăng cường quản lý chất lượng các công trình xây dựng trọng điểm, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 27/02/2014 về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng. Trong tháng 7, Hội đồng tiếp tục kiểm tra tình hình tại một số công trình theo kế hoạch như Thủy điện Sêsan 4, Quốc lộ 3 mới – Đoạn Hà Nội – Thái Nguyên, Nhiệt điện Thái Bình 2, thủy điện Sông Bung 4; Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3; Đường Hồ Chí Minh. Tính từ đầu năm đến nay, Hội đồng đã tổ chức 35 đợt kiểm tra hiện trường, 2 cuộc họp xem xét, đánh giá thiết kế, xử lý các vấn đề kỹ thuật tại các công trình trọng điểm, qua đó đã kịp thời nhắc nhở, chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư và các nhà thầu về việc tăng cường công tác kiểm soát chất lượng và khắc phục những tồn tại về chất lượng.

Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động ngành Xây dựng để triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện, trong đó tập trung vào 2 nhiệm vụ chính là kế hoạch kiểm tra an toàn hồ đập, thủy điện và kế hoạch rà soát, sửa đổi các văn bản QPPL liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai theo Kế hoạch.

Bộ cũng đã phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, đánh giá và kịp thời chỉ đạo xử lý sự cố chất lượng tại một số công trình giao thông trọng điểm, công trình cầu treo , các công trình thép dạng tháp viễn thông, truyền thanh, truyền hình , công trình hạ tầng kỹ thuật. Tổ chức giám định và công bố kết luận nguyên nhân sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà, sự cố nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, sự cố sập đổ tháp VOV tại Đồng Hới, Quảng Bình.

Đồng thời với tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình, Bộ cũng đã đẩy mạnh công tác quản lý chi phí xây dựng công trình. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã công bố hơn 1.300 mức của hệ thống định mức dự toán trong xây dựng và quản lý dịch vụ công ích đô thị; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng ; nghiên cứu, xây dựng thang lương, bậc lương và mức lương tối thiểu cho các doanh nghiệp ngành Xây dựng theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012.

Công tác quản lý cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép, công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động đầu tư xây dựng tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.

1.3. Tập trung rà soát, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị
Tiếp tục rà soát các quy hoạch vùng, quy hoạch chung các đô thị trên phạm vi cả nước, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng quan trọng theo phân cấp; trong 7 tháng, Bộ đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 nhiệm vụ, đồ án quy hoạch , ngoài ra, đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ 07 nhiệm vụ, đồ án quy hoạch ; riêng Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050, Bộ đã tổ chức báo cáo, xin ý kiến Ban chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô, hiện đang tổ chức thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục rà soát công tác triển khai, thực hiện Quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, tỷ lệ xã có quy hoạch trên cả nước đạt khoảng 94,05% ; hướng dẫn các tỉnh, thành phố, đô thị đặc thù lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và thực hiện pháp luật trong quy hoạch xây dựng ; đôn đốc các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là tại các đô thị trung tâm, đô thị tạo động lực tăng trưởng, các khu vực phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội (các khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu,...); góp ý hơn 20 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Đến nay, cả nước có 13 quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 60/63 tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; 15/15 khu kinh tế ven biển và 12/29 khu kinh tế cửa khẩu đã được phê duyệt quy hoạch chung. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 70%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 30%; quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 94,05%. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 7/10 quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, có 44/63 tỉnh phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn…

Tổ chức nghiên cứu, xây dựng Nghị định về quy hoạch xây dựng; tập trung hoàn thành Đề án Rà soát tổng thể tình hình thực hiện công tác quy hoạch trên phạm vi cả nước; tập trung rà soát, sửa đổi Quy chuẩn 2008 về Quy hoạch xây dựng.

1.4. Phát triển đô thị theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội; tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch

Bộ đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tích cực triển khai Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị, hướng dẫn các địa phương thành lập các khu vực phát triển đô thị và các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị; tham gia ý kiến để các địa phương chấp thuận các dự án đầu tư phát triển đô thị; triển khai công tác rà soát, đánh giá việc thực hiện một số nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP tại các địa phương . Đồng thời, tập trung triển khai các chương trình quốc gia, đề án về phát triển đô thị theo kế hoạch.

Tiếp tục đôn đốc các địa phương triển khai các Chương trình phát triển đô thị, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, theo hướng nâng cấp, nâng loại đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng của địa phương, chú trọng nâng cao chất lượng đô thị, không nên quá chú trọng vào mở rộng quy mô; đang xây dựng Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2011-2020, chuẩn bị tổng kết giai đoạn 1 Chương trình nâng cấp 6 đô thị Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đang được tập trung thực hiện.

Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật đầu tư phát triển đô thị; nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc phân loại đô thị. Trong tháng 7, đã tổ chức thẩm định nâng loại công nhận Tp.Đồng Hới (Quảng Bình) là đô thị loại II; tính trong 7 tháng 2014, Bộ đã thực hiện tổ chức thẩm định nâng loại cho 07 đô thị.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với phát triển đô thị, Bộ đã trình và được Thủ tướng phê duyệt Đề án huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị (Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/07/2014); đã hoàn thành trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp. Hiện Bộ đang tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn. Các quy hoạch về hạ tầng cũng đang được Bộ tập trung chỉ đạo hoàn thành . Ngoài ra, Bộ đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch nghĩa trang, xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn, Bộ Xây dựng đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, trong đó có 05 dự án tại khu vực đô thị, 05 dự án tại khu vực nông thôn; Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch cũng đang được tích cực triển khai.

1.5. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội

Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện chính sách pháp luật về nhà ở đối với người có công với cách mạng, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ và nhà ở xã hội... trong đó tập trung hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội.

Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện 03 đề án quan trọng về nhà ở đã trình Chính phủ gồm: Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 cho khoảng 510.700 hộ; Chương hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt khu vực miền Trung cho khoảng 40.530 hộ; Chương trình hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão cho hộ nghèo khu vực duyên hải miền Bắc và miền Trung cho khoảng 80.260 hộ.

Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng , Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2) , nghiên cứu triển khai các mô hình phát triển nhà ở cho công nhân. Chỉ đạo các địa phương tích cực Nghị định số 188/2013/NĐ-CP, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội . Tổ chức kiểm tra công tác đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng nhà ở phục vụ tái định cư, công tác đầu tư xây dựng và xây dựng giá bán nhà ở xã hội tại các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tổ chức tiếp nhận, bố trí cho thuê hoặc sắp xếp, thu hồi quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ theo quy định.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, kiên định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ. Bộ đã tổng kết, báo cáo Chính phủ về tình hình thị trường Bất động sản năm 2013, đề xuất điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP theo hướng: kéo dài thời hạn cho vay từ 10 năm lên 15 năm; tiếp tục hạ lãi xuất cho vay; mở rộng đối tượng cho vay; mở rộng các ngân hàng thương mại tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Các đề xuất này đã được Chính phủ thống nhất, chuẩn bị ban hành Nghị quyết để thực hiện. Tiếp tục đề xuất danh mục cho vay vốn theo Nghị quyết 02, Bộ Xây dựng đã tiếp tục đề xuất doanh mục đợt 06 cho 04 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và 02 dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới tại các địa phương theo Chỉ thị số 2129/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án phát triển thị trường bất động sản.

1.6. Rà soát, tổ chức lập, điều chỉnh và thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường; thực hiện cân đối cung, cầu bình ổn thị trường VLXD

Bộ đã bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương .

Tiếp tục kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 và tiến độ thực hiện các dự án xi măng; đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh tiến độ, quy mô công suất và đưa ra khỏi quy hoạch các dự án không đủ điều kiện đầu tư nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu xi măng .

Năm 2014, dự tính nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành khoảng 62-64 triệu tấn, tăng 1,5-3% so với năm 2013; trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 48,5-49 triệu tấn, xuất khẩu 13,5 - 15 triệu tấn. Trong 7 tháng năm 2014, sản lượng xi măng tiêu thụ đạt 37,05 triệu tấn, đạt 60% kế hoạch năm 2014; trong đó tiêu thụ nội địa đạt 28,5 triệu tấn, đạt 58,8% kế hoạch năm 2014, xuất khẩu đạt 8,52 triệu tấn.

Chương trình phát triển vật liệu xây không nung được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường .

Chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế khoáng sản trong sản xuất vật liệu xây dựng, Bộ cũng đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt cơ chế thực hiện xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao của các các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn 2014-2020, định hướng đến 2030.

2. Tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh tháng 7 và 7 tháng năm 2014 của các doanh nghiệp thuộc Bộ

Tình hình kinh tế vĩ mô nước ta 7 tháng năm 2014 bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực; lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường tương đối ổn định. Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngay từ đầu năm 2014, các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đã có nhiều nỗ lực, tập trung khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong tháng 7 và 7 tháng năm 2014 như sau:

- Giá trị sản xuất kinh doanh tháng 7 ước đạt 11.133,4 tỷ đồng, 7 tháng năm 2014 ước đạt 78.576,4 tỷ đồng, bằng 57,9% so với kế hoạch năm 2014, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể như sau:

+ Giá trị xây lắp: ước thực hiện tháng 7 đạt 4.381,6 tỷ đồng, 7 tháng năm 2014 đạt 28.987,1 tỷ đồng, bằng 56,9% so với kế hoạch năm, bằng 94,5% so với cùng kỳ năm 2013.

+ Giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng (kể cả TCT Xi măng Việt Nam): ước thực hiện tháng 7 đạt 4.432,9 tỷ đồng, 7 tháng năm 2014 đạt 33.775,8 tỷ đồng, bằng 58% so với kế hoạch năm, bằng 101,3 % so với cùng kỳ năm 2013.

+ Giá trị tư vấn: Ước thực hiện tháng 7 đạt 109,5 tỷ đồng, 7 tháng năm 2014 đạt 830,2 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch và bằng 101,7% so cùng kỳ năm 2013.

+ Giá trị SXKD khác: Ước thực hiện tháng 7 đạt 2.209,4 tỷ đồng, 7 tháng năm 2014 ước đạt 14.983,4 tỷ đồng, bằng 59,3% kế hoạch và bằng 98,7% so cùng kỳ năm 2013.

- Nhập khẩu: Ước thực hiện tháng 7 đạt 9,5 triệu USD, 7 tháng năm 2014 đạt 80 triệu USD, bằng 69,4% so với kế hoạch năm.

- Xuất khẩu: Ước thực hiện tháng 7 đạt 12,3 triệu USD, 7 tháng năm 2014 ước đạt 193,8 triệu USD, bằng 88,2% so với kế hoạch năm, xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm vật liệu xây dựng.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Báo cáo 58/BC-BXD.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)