Nghiệm thu các dự thảo TCVN do Viện Vật liệu Xây dựng thực hiện

Thứ sáu, 11/06/2021 17:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 11/6/2021, Bộ Xây dựng đã họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu 02 dự thảo tiêu chuẩn do Viện Vật liệu xây dựng chủ trì thực hiện, bao gồm TCVN “Sơn và vecni - Xác định hàm lượng kim loại hòa tan” (mã số TC 03-18); TCVN “Sơn và vecni - Xác định hàm lượng formaldehyt phát tán từ màng” (mã số TC 02-19). Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, TS. Nguyễn Quang Hiệp –Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng chủ trì cuộc họp.


Toàn cảnh cuộc họp HĐNT

Tại Hội đồng, Ths. Trịnh Thị Hằng chủ nhiệm cả hai nhiệm vụ cho biết: trên thế giới và ở Việt Nam, loại vật liệu sơn phủ đang ngày càng phát triển, đa dạng về chủng loại, màu sắc và mục đích sử dụng. Để kiểm soát chất lượng của các sản phẩm sơn, hiện nay hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam đã ban hành khá đầy đủ các tiêu chuẩn về phương pháp thử, yêu cầu kỹ thuật đối với từng loại sản phẩm sơn. Trong quá trình chế tạo sơn, luôn cần có các loại bột độn, bột màu và một số loại phụ gia, do vậy hầu hết các loại sơn đều chứa hàm lượng các kim loại nặng và các hợp chất có thể gây phát tán lượng formaldehyt nhất định (là một trong những chất có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường). Tuy nhiên, tới nay, trong hệ thống TCVN chưa có tiêu chuẩn nào đưa ra phương pháp xác định hàm lượng kim loại nặng trong sơn cũng như phương pháp xác định hàm lượng formaldehyt phát tán từ các sản phẩm sơn. Vì vậy, để kiểm soát chất lượng sản phẩm sơn, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp xác định hàm lượng kim loại nặng và phương pháp xác định hàm lượng formaldehyt phát tán từ sơn là rất cần thiết.

Dự thảo TCVN “Sơn và vecni - Xác định hàm lượng kim loại hòa tan” được chuyển dịch từ bộ tiêu chuẩn gốc ISO 3856:1984 gồm 7 phần, tương ứng với các phương pháp xác định hàm lượng của 7 loại kim loại nặng thường có trong sơn. Theo Ths. Trịnh Thị Hằng, nội dung tiêu chuẩn ISO này cụ thể rõ ràng, các phương pháp thử hoàn toàn có thể tiến hành tại các phòng thí nghiệm ở Việt Nam. Hơn nữa, hiện nay có nhiều TCVN về phương pháp thử và yêu cầu kỹ thuật cho các sản phẩm sơn được xây dựng trên hệ thống tiêu chuẩn ISO. Như vậy, việc lựa chọn chuyển dịch từ bộ tiêu chuẩn gốc ISO 3856:1984 mang tính đồng bộ hóa, thuận tiện trong quá trình sử dụng tiêu chuẩn.

Về cơ sở biên soạn tiêu chuẩn thứ hai, Ths.Trịnh Thị Hằng cho biết: hệ thống TCVN đưa ra các mức yêu cầu kỹ thuật đối với các sản phẩm sơn đều được xây dựng dựa trên hệ thống tiêu chuẩn JIS, nhiều phương pháp thử trong hệ thống TCVN cũng được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn JIS. Do vậy, để đồng bộ hóa hệ thống TCVN và thuận lợi trong việc sử dụng tiêu chuẩn, nhóm biên soạn dựa trên tiêu chuẩn JIS K 5601-4-1.

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định hàm lượng formaldehyt phát tán từ màng sơn, bố cục gồm 6 phần.

Cả hai dự thảo TCVN đều được các ủy viên phản biện cùng các thành viên Hội đồng đánh giá cao về chất lượng chuyển dịch, biên soạn. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đóng góp thêm một số ý kiến để nhóm biên soạn hoàn thiện, nâng cao chất lượng của các dự thảo (cần thống nhất một số thuật ngữ tiếng nước ngoài, rà soát lỗi dịch thuật, biên tập; cần rà soát một số sai sót về đơn vị, mức kỹ thuật…).

Cả hai dự thảo TCVN đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua, với kết quả lần lượt đạt loại Khá và Xuất sắc.

Ninh Hoàng Hạnh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)