Ngày 5/3/2021, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức họp đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá môi trường trong các cụm, tuyến dân cư thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, do nhóm nghiên cứu thuộc Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Nguyễn Công Thịnh - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ & Môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh kết luận cuộc họp
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Tú cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản.
Mặt khác, Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khu vực thường xuyên bị ngập lụt, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sinh hoạt của người dân. Ngày 5/12/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1548/2001/QĐ-TTg về việc đầu tư tôn nền vượt lũ để xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng ngập sâu Đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp đó, ngày 26/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1151/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt bổ sung các dự án đầu tư (giai đoạn 2) thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở ngập lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long là chương trình trọng điểm, có tính chiến lược, ý nghĩa nhân văn sâu sắc và nhận được sự đồng tỉnh, ủng hộ rộng rãi của người dân. Chương trình đã đảm bảo cho hơn 200 nghìn hộ dân (khoảng hơn 1 triệu người) có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định. Nhiều khu dân cư vượt lũ có quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầy đủ; khi người dân vào ở đã trở thành những thị trấn sầm uất, từng bước hình thành cuộc sống đô thị trong vùng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, hiện nay, một số cụm, tuyến dân cư trong vùng chưa được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hoặc do thời gian xây dựng đã khá lâu (nhiều khu đã xây dựng cách đây hơn 15 năm) nên chất lượng xuống cấp, môi trường không đảm bảo, nguồn nước thải chưa được xử lý, rác thải bừa bãi ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Do đó, việc thực hiện đề tài là đặc biệt cần thiết.
Mục tiêu của đề tài nhằm nghiên cứu, đánh giá môi trường trong các cụm, tuyến dân cư thuộc Chương trình Xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đề xuất các giải pháp quản lý môi trường, hạ tầng kỹ thuật trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ trong khu vực này.
Báo cáo tổng kết gồm 7 chương. Theo đề xuất, khu đất được lựa chọn quy hoạch xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ phải có địa thế cao ráo, bằng phẳng, có khả năng kết nối giao thông bộ hoặc thủy thuận lợi với các thôn, ấp cũ trước đây. Căn cứ vào địa hình, việc đi lại và cấu trúc quần cư truyền thống của người dân tại khu vực, có thể lựa chọn địa điểm xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ theo các mô hình sau:
Thứ nhất: mô hình cụm, tuyến dân cư tuyến tính. Đây là mô hình bố trí dân cư theo tuyến, bám vào các tuyến đường giao thông và kênh rạch, ven sông sẵn có. Mô hình này bố trí các công trình nhà ở kết hợp với làm dịch vụ, buôn bán thương mại hai bên khu đất (một bên theo đường giao không, một bên bám ven kênh, rạch, ven sông) để tận dụng hệ thống giao thông đường bộ và đường sông phục vụ vận chuyển hàng hóa, nông thủy sản.
Trục giữa của khu đất tổ chức trục sinh thái. Khoảng cách giữa trục lõi sinh thái và khu nhà ở kết hợp với buôn bán và làm dịch vụ được ngăn chia bởi hai trục giao thông đường bộ và đường thủy thông qua hệ thống kênh hai bên và hệ thống hồ nuôi thủy sản. Mô hình này phù hợp với các điểm dân cư có số dân nhỏ, tương đương một thôn, ấp.
Thứ hai: mô hình điểm. Đây là mô hình bố trí dân cư dạng cụm với hệ thống kênh, rạch xung quanh và trung tâm bố trí lõi sinh thái. Các công trình nhà ở kết hợp với làm dịch vụ thường được bố trí vòng ngoài cụm tuyến dân cư bám theo trục đường giao thông và kênh rạch. Lõi sinh thái ở trung tâm kết hợp với nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa, cây xanh, mặt nước, hồ điều hòa, hồ chứa nước ngọt, đồng thời làm mô hình nhà ở nông nghiệp nuôi trồng thủy sản theo hệ sinh thái khép kín. Mô hình này cũng phù hợp với các điểm dân cư có số dân ít.
Thứ ba: mô hình mạng. Đây là mô hình bố trí dân cư kết hợp giữa dạng tuyến tính và dạng điểm, dựa theo hệ thống kênh, rạch tổ chức kiểu mạng lưới, bên cạnh kênh đào lấy đất đắp nền đường đi bộ. Hệ thống kênh đào được bố trí kiểu mạng lưới giúp thoát nước nhanh khi ngập lụt. Mô hình này phù hợp với các điểm đông dân cư.
Tại cuộc họp, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài. Nhằm giúp nhóm nâng cao hơn chất lượng báo cáo tổng kết và các sản phẩm đề tài, Hội đồng lưu ý nhóm bổ sung tài liệu tham khảo, hình ảnh thực tế, biểu đồ, hình vẽ các mô hình nhà ở đề xuất; cần nêu bật những ưu điểm của mô hình nhà ở mới, đặc biệt là việc khắc phục các bất cập mà các cụm, tuyến dân cư vượt lũ hiện đang gặp phải.
Kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh đề nghị nhóm nghiên cứu rà soát, bố cục lại các chương, các chuyên mục trong báo cáo tổng kết; bổ sung các phương pháp nghiên cứu khoa học áp dụng trong quá trình thực hiện đề tài; lưu ý các nội dung liên quan đến điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải cũng như vai trò của cộng đồng, người dân đối với công tác bảo vệ môi trường tại các cụm, tuyến dân cư.
Theo ông Nguyễn Công Thịnh, việc đề xuất các cụm, tuyến dân cư vượt lũ cần trên cơ sở nghiên cứu các cơ chế chính sách về kinh tế, văn hóa xã hội và phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân địa phương.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu đề tài do Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản thực hiện, với kết quả xếp loại Khá.