Công đoàn Xây dựng Việt Nam: Tích cực thăm hỏi, trợ cấp đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Thứ sáu, 10/07/2020 14:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 9/7, Công đoàn Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6, khóa XIII (mở rộng). Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh.


Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị.

Theo báo cáo của Công đoàn Xây dựng Việt Nam, những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường đã tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân và nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Xây dựng.

Các doanh nghiệp ngành Xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra, từ thị trường bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng đến hoạt động tư vấn và xây lắp trong lĩnh vực xây dựng đều bị sụt giảm về sản lượng, sản xuất, tiêu thụ, hàng tồn kho tăng, hoặc đình trệ hoạt động… Do đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động và hoạt động của các cấp công đoàn ngành Xây dựng.

Tính đến ngày 30/6/2020, tổng số lao động tại các công đoàn trực thuộc là 101.187 người (giảm 5.672 người so với cuối năm 2019), trong đó nữ 22.125 người, chiếm 22%. Tổng số lao động tại các Công đoàn Xây dựng khối địa phương là 98.756 người (giảm 5.317 người so với cuối năm 2019), trong đó nữ 27.904 người, chiếm 28,2%.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới giảm lao động là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều công trình, dự án phải tạm dừng hoạt động, hoặc thi công cầm chừng; một số doanh nghiệp phải thu hẹp, tạm dừng bớt dây chuyền sản xuất... Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, hoặc cho lao động nghỉ việc chờ giãn dịch; một số đơn vị tiếp tục thực hiện tinh giảm lao động trong quá trình tái cấu trúc, sắp xếp lại doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động tại các công đoàn trực thuộc là 9,22 triệu đồng/người/tháng, giảm 3,5% so với năm 2019. Thu nhập bình quân của người lao động tại các Công đoàn Xây dựng khối địa phương là 5,1 triệu đồng/người/tháng, tương đương với năm 2019.

Tính đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ người lao động tham gia BHXH đạt 88%, tăng 6,1% so với cuối năm 2019. Có 81 doanh nghiệp nợ tiền trích nộp BHXH với số tiền hơn 425 tỷ đồng (giảm 01 doanh nghiệp và số tiền nợ giảm 64 tỷ đồng (17,2%) so với cuối năm 2019. Doanh nghiệp nợ tiền trích nộp BHXH đã ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động đối với 1.838 người, trong đó có 40 người đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí nhưng chưa được giải quyết.

Nguyên nhân của việc chậm trả lương và nợ tiền trích nộp BHXH chủ yếu là do tình hình dịch Covid-19 kéo dài và lan rộng hầu khắp các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội; ngành Xây dựng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Thị trường bất động sản suy giảm, các hoạt động xây dựng hầu hết tạm dừng hoặc thi công cầm chừng do thực hiện giãn cách xã hội và thiếu công nhân, dẫn đến nhu cầu vật liệu xây dựng giảm sút; tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn dẫn đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng; các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, thiếu vốn sản xuất, không có khả năng thanh toán, trả lãi hay các khoản vay đến hạn...

Nghiêm túc thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã kịp thời ban hành, triển khai các văn bản phòng chống dịch bệnh và triển khai những giải pháp mới trong giai đoạn 2 cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Động viên người lao động nhắn tin ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chuyên môn triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch; tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch; theo dõi, nắm bắt tình hình các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Đôn đốc các công đoàn trực thuộc kịp thời báo cáo tình hình doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-9 gây ra. Theo báo cáo, có 79 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó có 10 doanh nghiệp dừng hoạt động, 69 doanh nghiệp thu hẹp sản xuất; 9.739 người lao động bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, trong đó có 1.010 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, 4.393 người lao động ngừng việc, 4.072 người lao động bố trí làm việc luân phiên, 264 người lao động thực hiện cách ly theo quy định.

Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã kịp thời tổng hợp, thăm hỏi, trợ cấp đối với 2.216 người lao động là đoàn viên công đoàn gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra với số tiền gần 1,2 tỷ đồng; trong đó thành lập các đoàn công tác trực tiếp thăm hỏi, trợ cấp 342 đoàn viên thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Phong Phú - Phú Yên (Tổng Công ty Miền Trung - CTCP), Công ty Cổ phần Vimeco (Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex), Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Đảo (Tổng Công ty HUD), Công ty Cổ phần Coma 7 (Tổng Công ty Coma).

Các cấp công đoàn trong Ngành chủ động phối hợp với chuyên môn tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện đúng, đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về dịch bệnh qua các kênh thông tin chính thức của Chính phủ, Bộ Y tế... góp phần quan trọng trong chiến dịch đẩy lùi dịch bệnh, sớm ổn định nền kinh tế, hoạt động xã hội và cuộc sống của nhân dân.

Tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ Nhà nước phòng, chống dịch: Hiến máu cứu người, giúp đỡ nông dân tiêu thụ nông sản, hỗ trợ cơ quan y tế địa phương kinh phí, nước diệt khuẩn, khẩu trang, giúp đỡ, ủng hộ các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch... tổng giá trị hơn 21,8 tỷ đồng.

Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức thăm hỏi, trợ cấp đối với 382 đoàn viên với số tiền 172,4 triệu đồng, mua khẩu trang, nước sát khuẩn với số tiền hơn 200 triệu đồng.

Tiêu biểu có các đơn vị thuộc các Tổng Công ty: Vicem, Vinaconex, Viglacera, Fico, CC1, Dic, Lilama, Hud, Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A. Các đơn vị khối trường học: Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Xây dựng số 1, Đại học Xây dựng Miền Trung, Cao đẳng nghề Lilama1, Cao đẳng nghề Sông Đà, Bệnh viện Xây dựng Việt Trì...; các công đoàn ngành Xây dựng địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa...

Thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các cấp công đoàn chủ động phối hợp với chuyên môn nghiêm túc triển khai thực hiện. Theo báo cáo của các đơn vị, có 217 người lao động được hưởng trợ cấp với số tiền 390,6 triệu đồng.

Tại Hội nghị, một số công đoàn trực thuộc Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã tham luận nêu bật hoạt động chăm lo bảo đảm việc làm, thu nhập và đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid-19. Nổi bật, Công đoàn Tập đoàn Phenikaa (Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh) đã xây dựng phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp, ứng phó phòng chống dịch bệnh như: Phát khẩu trang, sát khuẩn miễn phí, mũ chống giọt bắn, quần áo bảo hộ y tế; thực hiện phun khử khuẩn khử trùng nơi làm việc. Đặc biệt, Tập đoàn đã sản xuất 68.000 tuýp gel sát khuẩn tay, 3.000 lọ gel sát khuẩn nano bạc, 12.000 lít dung dịch sát khuẩn phát miễn phí cho 2.400 cán bộ công nhân viên và gia đình thuộc Tập đoàn.

Biểu dương những đóng góp quan trọng của các cấp công đoàn ngành Xây dựng trong chiến dịch đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng 02 bằng khen tập thể, 03 bằng khen cá nhân. Công đoàn Xây dựng Việt Nam tặng 04 bằng khen tập thể, 02 bằng khen cá nhân cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao hoạt động của Công đoàn Xây dựng Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù trong thời gian qua, ngành Xây dựng đã trải qua giai đoạn khó khăn, nhưng với sự tham gia của công đoàn ngành Xây dựng, công tác phòng chống dịch Covid-19 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào thành quả chung của toàn quốc.

Với các hoạt động hết sức thiết thực, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 Bộ Xây dựng đã có những nhìn nhận đánh giá khách quan. Nhiều lĩnh vực hoạt động của ngành Xây dựng có đóng góp lớn cho ngành và sử dụng lực lượng lao động lớn.

Tình hình đầu tư xây dựng trong năm 2020 đã có ảnh hưởng theo chiều hướng giảm. Hoạt động kinh doanh bất động sản cũng trầm lắng hơn do dịch Covid-19... do đó, các doanh nghiệp ngành Xây dựng đều bị ảnh hưởng, tác động đến việc làm của người lao động. Đây là thách thức đối với toàn ngành Xây dựng, mong rằng sau Hội nghị các cấp công đoàn cùng nỗ lực chung sức với các doanh nghiệp để tìm ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn.

Bộ Xây dựng đã đề xuất lên Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Và Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất và phát triển. Những giải pháp này sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa các dự án còn dở dang đi vào hoạt động. Đây là cơ hội để người lao động ngành Xây dựng có thêm nhiều việc làm trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)