Ngày 09/10/2012 tại cơ quan Bộ Xây dựng,Hội đồng thẩm định Đề án “Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Cầu đến năm 2030” đã họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng là lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Xây dựng; đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Công nghệ, Bộ Tài nguyên & Môi trường; đại diện Hội Cấp thoát nước Việt Nam; các đại biểu đến từ các tỉnh Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…
Chủ tịch Hội đồng thẩm định - Thứ trưởng Cao Lại Quang chủ trì cuộc họp
Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị & Nông thôn –VIAP) đã báo cáo tóm tắt nội dung Đề án, sự cần thiết, mục tiêu quy hoạch, phạm vi nghiên cứu cũng như những cơ sở pháp lý của việc lập Đề án. Theo báo cáo, lưu vực sông Cầu (LVSC) chiếm khoảng 2% diện tích cả nước, bao gồm 6 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương và một phần thành phố Hà Nội (các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh). Trên địa bàn LVSC, tốc độ đô thị hóa nhanh với một mạng lưới đô thị phát triển như Thái Nguyên (đô thị loại I), Hải Dương (đô thị loại II), Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Yên (đô thị loại III). Toàn khu vực có hơn 2000 cơ sở sản xuất công nghiệp, hơn 200 làng nghề; song hạ tầng kỹ thuật đô thị - đặc biệt là hệ thống thoát nước và xử lý nước thải – không đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa, và trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước. Để đảm bảo phát triển đô thị bền vững, bảo vệ môi trường nước LVSC, đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại văn bản số 5181/VPCP-KGVX ngày 26/7/2010, việc lập đồ án là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Báo cáo của tư vấn cũng đã đưa ra được những số liệu cụ thể về hiện trạng thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị chính trong LVSC, gồm có hiện trạng thoát nước và xử lý nước thải các khu dân cư, KCN tập trung, các làng nghề, các cơ sở y tế tại từng tỉnh thành; qua đó đề ra phương án quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải khu vực LVSC nói chung; đưa ra những đề xuất và kiến nghị cụ thể về cơ chế thực hiện, quản lý thoát nước và xử lý nước thải lưu vực sông; về mô hình quản lý…
Hai báo cáo phản biện và các ý kiến của các thành viên Hội đồng đều nhất trí đánh giá cao tính nghiêm túc, tính thực tiễn của Đề án.Tuy nhiên, để Đề án được hoàn chỉnh, các thành viên Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến về bố cục từ ngữ, về tính cập nhật của một số nội dung trong Đề án, về tính cụ thể của các đánh giá hiện trạng (như: Đề án chưa đưa ra được đánh giá cụ thể vấn đề thoát nước và xử lý nước thải của các làng nghề; chưa báo cáo được tình hình thực hiện Quyết định 174/2006/QĐ-TTg, từ đó rút ra những bài học thực tế, đề ra các phương hướng hợp lý cho giai đoạn tiếp theo…).
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng – Thứ trưởng Cao Lại Quang hoàn toàn nhất trí với các ý kiến phản biện cũng như ý kiến của các thành viên, lưu ý đơn vị tư vấn nghiên cứu làm rõ thêm một số vấn đề như nguồn vốn ( Thứ trưởng nhấn mạnh các dự án thoát nước hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào vốn ODA, do nguồn nhân lực, vật lực, trình độ quản lý cũng như nhận thức cộng đồng của chúng ta vẫn còn hạn chế); làm rõ hơn những giải pháp, định hướng của quy hoạch, và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ Ngành liên quan. Thứ trưởng Cao Lại Quang cũng đề nghị VIAP phối hợp cùng Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa Đề án theo góp ý của các Bộ Ngành, hoàn thiện Đề án trong tháng 10/2012 để trình Thủ tướng phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Lệ Minh