Nghiệm thu các dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam về phương pháp thử đối với sơn và vecni

Thứ năm, 27/02/2014 09:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 26/02/2014, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu các đề tài biên soạn tiêu chuẩn Việt Nam: “Sơn và vecni- phương pháp xác định độ khô và thời gian khô”, “Sơn và vecni – phép thử độ sâu ấn lõm” do Viện Vật liệu xây dựng chủ trì thực hiện. Chủ tịch Hội đồng -Th.S Trần Đình Thái – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị nghiệm thu

Báo cáo về dự thảo tiêu chuẩn TCVN “Sơn và vecni- phương pháp xác định độ khô và thời gian khô”, TS. Phùng Thị Mai Phương – chủ nhiệm đề tài cho biết, độ khô và thời gian khô của sơn và vecni là các chỉ tiêu kỹ thuật rất cần thiết. Phương pháp thử để xác định độ khô và thời gian khô của sơn đã được quy định trong tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2096:1993. Tuy nhiên, tiêu chuẩn TCVN 2096:1993 trước đây được biên soạn dựa trên tiêu chuẩn ISO 1517-1973 và ISO 9117-1990 mới chỉ đưa ra những phương pháp thủ công nhằm xác định thời gian khô của sơn nên có độ chính xác không cao. Mặt khác các tiêu chuẩn cơ sở để biên soạn TCVN 2096:1993 đã được sửa đổi thành ISO 9117-3:2010 và ISO 9117-1:2009 cập nhật những phương pháp thử mới. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam để xác định thời gian khô của sơn và vecni theo các phương pháp khác nhau cho kết quả có độ chính xác cao hơn là hết sức cần thiết và thay thế cho TCVN 2096:1993.

Dự thảo TCVN …2014 “Sơn và vecni – Phương pháp xác định độ khô và thời gian khô” gồm 6 phần là các tiêu chuẩn nhỏ: Xác định trạng thái khô hoàn toàn và thời gian khô hoàn toàn; Thử nghiệm áp lực đến khả năng xếp chồng; Xác định thời gian khô bề mặt dùng hạt ballotini; Phép thử dùng máy ghi cơ học; Phép thử Bandow –Wolff sửa đổi; Xác định trạng thái không vết. Các tiêu chuẩn trên được chuyển dịch theo đúng tài liệu gốc là tiêu chuẩn ISO 9117-2009, 9117-2010 và 9117-2012.

Đánh giá về kết quả của đề tài, các chuyên gia phản biện và các thành viên của Hội đồng đều đánh giá cao chất lượng của dự thảo tiêu chuẩn “Sơn và vecni – Phương pháp xác định độ khô và thời gian khô”, thống nhất đề nghị Hội đồng thông qua và sớm trình Bộ KHCN công bố, đưa tiêu chuẩn này vào áp dụng trong thực tiễn.

Báo cáo về dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam “Sơn và vecni – phép thử độ sâu ấn lõm”, chủ nhiệm đề tài – KS. Vũ Thị Duyên cho biết, hiện nay Việt Nam đã có khá đầy đủ các tiêu chuẩn về đánh giá độ bền của màng sơn và vecni giúp cho việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm sơn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ như tiêu chuẩn về phép thử độ bền uốn (TCVN2099), thử độ bền va đập (TCVN 2100-1 và TCVN2100-2), tuy nhiên chưa có tiêu chuẩn về phương pháp đánh giá độ bền của màng sơn và vecni trên nền kim loại bằng phương pháp ấn lõm.

Để góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về phương pháp thử đối với sơn và vecni, thực hiện nhiệm vụ khoa học do Bộ Xây dựng giao, nhóm đề tài đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam “Sơn và vecni – phép thử độ sâu ấn lõm” dựa trên việc biên dịch tiêu chuẩn cơ sở là ISO 1520:2006, kết hợp với các kết quả thử nghiệm kiểm chứng theo các phương pháp thử nêu trong tiêu chuẩn gốc để đánh giá sự phù hợp.

Đánh giá về dự thảo tiêu chuẩn “Sơn và vecni – phép thử độ sâu ấn lõm” các chuyên gia phản biện và các thành viên của Hội đồng đã nhất trí về sự cần thiết phải ban hành tiêu chuẩn này, đồng thời cho rằng, phương pháp thử trong tiêu chuẩn này có ý nghĩa rất thiết thực đối với các nhà sản xuất trong việc chứng minh cho khách hàng biết về độ bền của màng sơn, giúp cho việc đánh giá độ bền và khả năng bám dính của màng sơn và vecni trên kim loại.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng - ThS. Trần Đình Thái đánh giá cao các kết quả thực hiện đề tài của các nhóm tác giả và ghi nhận sự làm việc nghiêm túc, khoa học của các Hội đồng cơ sở đối với các đề tài này. Trên cơ sở các ý kiến nhận xét của chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng, Th.S Trần Đình Thái đề nghị các chủ nhiệm đề tài tiếp thu, sớm hoàn chỉnh dự thảo và thuyết minh tiêu chuẩn để gửi sang Bộ KHCN thẩm định và làm thủ tục công bố.

Cả hai đề tài nói trên đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu với kết quả xếp loại xuất sắc./.
 

Minh Tuấn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)