Ngành Xây dựng không ngừng đổi mới và phát triển

Thứ sáu, 30/01/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2008 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006 - 2010 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Nhìn lại năm qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí vận động theo những xu hướng trái chiều, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ hoạt động của Ngành. Song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Bộ Xây dựng, cùng với sự phấn đấu không mệt mỏi của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động, toàn ngành Xây dựng đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần cùng cả nước đẩy lùi lạm phát xuống còn 19,9%; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,23%; an sinh xã hội được đảm bảo; chính trị - xã hội ổn định.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân

Trước thềm năm mới  2009, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã dành cho phóng viên Báo Xây dựng cuộc trao đổi đầy ý nghĩa.

Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật năm 2008 của ngành Xây dựng trong việc thực hiện Nghị quyết giữa nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng?

- Với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là xây dựng đồng bộ, đầy đủ và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật theo hướng phủ kín các lĩnh vực quản lý Ngành, điểm nổi bật trong công tác kiến trúc quy hoạch trong năm 2008 là việc Bộ Xây dựng hoàn thành Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị, trình Chính phủ thông qua và báo cáo Quốc hội kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khoá XII. Đây là dự luật đầu tiên trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, sẽ góp phần tăng cường hiệu lực công tác quản lý quy hoạch đô thị nhằm từng bước cải thiện diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và có bản sắc.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu nghiêm túc, công phu và khẩn trương các phương án quy hoạch mở rộng Thủ đô Hà Nội để Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội quyết định việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Trong năm 2008, Bộ đã chỉ đạo hoàn thành việc nghiên cứu điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển Đô thị Việt Nam đến năm 2025, trình Chính phủ phê duyệt. Mạng lưới đô thị quốc gia tiếp tục được mở rộng và phát triển cùng với các KCN, khu kinh tế cửa khẩu đã góp phần tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở cả hai khu vực đô thị và nông thôn. Dân số đô thị hiện có 26 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 30,5%, tăng 2,5% so với năm 2007

Về hạ tầng kỹ thuật đô thị,  Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2008/NĐ-CP (ngày 25/3/2008) về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư các nhà máy xử lý rác thải áp dụng công nghệ trong nước; quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước, quy hoạch xử lý chất thải rắn cho 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020.

Cùng với việc tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, các đơn vị trong ngành Xây dựng, các địa phương đã huy động mọi nguồn vốn cho việc đầu tư phát triển các KĐTM, nhằm tạo bước đột phá trong việc giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở cho nhân dân đô thị. Mặc dù, năm 2008 là năm nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới thị trường nhà ở và BĐS, nhưng đã hoàn thành chỉ tiêu về nhà ở đã được Quốc hội thông qua trong kế hoạch năm 2008 với tổng diện tích xây mới là 51,5 triệu m2 sàn. Chương trình xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009 - 2015 đã trình Thủ tướng Chính phủ, theo đó dự kiến sẽ đầu tư xây dựng được 184 nghìn căn hộ, tương đương khoảng 10 triệu m2 sàn, tổng mức đầu tư khoảng 49 nghìn tỷ đồng.

Điểm nổi bật của tình hình BĐS năm 2008 là thị trường "chững lại" sau một thời gian phát triển quá nóng. Để định hướng cho thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững, Bộ Xây dựng đã kịp thời trình Chính phủ các giải pháp phát triển thị trường, nghiên cứu xây dựng chỉ số bất động sản, thúc đẩy hình thành mạng lưới sàn giao dịch hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS... Dự kiến bắt đầu từ tháng 1/2009, 100% hàng hoá BĐS được giao dịch thông qua các sàn giao dịch BĐS.

Năm 2008 đánh dấu một năm thị trường giá cả có nhiều biến động phức tạp. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, theo dõi sát tình hình diễn biến về thực tế quản lý kinh tế xây dựng, kinh tế đô thị, tập trung cho việc hướng dẫn quản lý chi phí công trình xây dựng, nhất là việc điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thiện việc hướng dẫn xử lý biến động giá VLXD theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu, góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư xây dựng công trình.

Điểm nổi bật trong công tác quản lý Nhà nước về VLXD là thị trường xi măng và VLXD đã được giữ vững và bình ổn trong bối cảnh hầu hết giá cả các loại vật liệu, nguyên, nhiên liệu đều tăng cao và có nhiều biến động. Năm 2008, với 10 nhà máy xi măng mới đi vào hoạt động, sản lượng xi măng toàn ngành đạt xấp xỉ 40 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2007, đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trong nước. Tiếp tục tạo đà cho sự phát triển ngành vật liệu, Bộ Xây dựng đã hoàn thành và trình Chính phủ các dự án quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch khoáng sản làm VLXD và quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng đến năm 2020.

Năm 2008 đã đánh dấu sự nỗ lực của các doanh nghiệp thuộc Bộ khi phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do ngân hàng kiểm soát chặt chẽ việc cho vay để đầu tư, tăng lãi suất cho vay và chi phí đầu vào như giá dầu, nguyên vật liệu biến động khó lường. Tốc độ tăng trưởng của các DN thuộc Bộ tiếp tục được duy trì cao hơn năm 2007 với tổng giá trị SXKD thực hiện năm 2008 đạt 105.607 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2007.

Nhằm đảm bảo an sinh xã hội, ngành Xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện Đề án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp cụ thể về công việc này trong thời gian tới?

- Chăm lo vấn đề nhà ở cho nhân dân, nhất là cho các đối tượng nghèo, đối tượng có thu nhập thấp là mục tiêu quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bộ Xây dựng với chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực nhà ở, trong những năm qua đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở như: Chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng, hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình tôn nền vượt lũ và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long... Cuối năm 2008, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009 - 2015 trong cả nước, với mục tiêu xây dựng khoảng 184 nghìn căn hộ, trên tổng số vốn đầu tư khoảng 49 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 25,6 nghìn tỷ đồng và huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội theo phương thức thuê và thuê mua.

Với nhận thức xây dựng nhà ở xã hội là nhiệm vụ quan trọng nhưng rất khó khăn do kinh tế đất nước còn nghèo, nhu cầu đầu tư nhà ở xã hội đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, Bộ Xây dựng đã và đang soạn thảo, trình Chính phủ cơ chế khuyến khích mạnh mẽ các DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp theo hình thức thuê mua, nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực để giải quyết nhà ở cho nhân dân. Theo dự kiến, mỗi TCty của Bộ tham gia ít nhất một dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại địa phương. Các Sở Xây dựng sẽ làm đầu mối, tạo môi trường thông thoáng, thủ tục đơn giản để các DN tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng, đầu tư xây dựng nói chung, tại địa phương mình được thuận lợi, nhanh chóng và có hiệu quả.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội sẽ góp phần tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách và người thu nhập thấp cải thiện điều kiện sống, đồng thời cũng là một trong các giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, các Sở Xây dựng cần quán triệt tư tưởng này để tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện có kết quả việc này.

Theo dự báo, nền kinh tế nước ta năm 2009 vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Rút kinh nghiệm qua hai năm nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sang năm 2009 theo Bộ trưởng thì ngành Xây dựng cần phải có những bước đi như thế nào để hội nhập với kinh tế thế giới?

- Đã hai năm trôi qua kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, cùng với nền kinh tế cả nước, ngành Xây dựng đã và đang tích cực tham gia vào tiến trình chung của cả nước trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Tư tưởng nhất quán chỉ đạo của Bộ Xây dựng là để chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế, trước hết từng DN phải mạnh và toàn Ngành phải mạnh, trong đó phải có các Tập đoàn làm nòng cốt trong một số lĩnh vực. Thực hiện mục tiêu này, trong năm 2008, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo hoàn thành việc nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập 3 Tập đoàn kinh tế (Tập đoàn Công nghiệp - Xây dựng Sông Đà, Tập đoàn Công nghiệp nặng Việt Nam, Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam) và đang tiếp tục triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập 2 Tập đoàn kinh tế (Tập đoàn Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Đầu tư xây dựng và kinh doanh BĐS Phương Nam) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu quý I/2009.

Với tinh thần hội nhập kinh tế quốc tế để chủ động mở rộng thị trường, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin, tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế để thúc đẩy quan hệ với các nhà tài trợ song phương và đa phương, tiếp nhận các bài học kinh nghiệm và mô hình mới về khoa học công nghệ và quản lý; đẩy mạnh hợp tác song phương với các nước trên thế giới trong các lĩnh vực của Ngành, đặc biệt đối với các nước bạn Lào, Căm-pu-chia, An-giê-ri, Đông Âu và Cu-ba.

Trong năm 2009, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/2/2007 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO. Cụ thể, Bộ sẽ tập trung cho việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách xây dựng, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của ngành để khắc phục các quy định chồng chéo, không phù hợp với các cam kết WTO, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và phù hợp với thông lệ quốc tế; nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm ngành Xây dựng và phát triển lực lượng xây dựng; hoàn thiện các yếu tố của thị trường xây dựng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN xây dựng và sản phẩm xây dựng; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý ngành Xây dựng...

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ, từng DN ngành Xây dựng phải nắm bắt và nhận thức rõ những ảnh hưởng, cơ hội và thách thức do sự biến động của nền kinh tế thế giới mang lại để từ đó xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phát triển SXKD cho phù hợp với tình hình mới. Đánh giá lại năng lực thực tế, sức cạnh tranh và khả năng phát triển có tính đến thị trường khu vực và thế giới. Tập trung đẩy mạnh SXKD, chủ động cân đối nguồn vốn để triển khai nhanh các dự án đầu tư phát triển sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời góp phần tạo ra năng lực mới tăng thêm của nền kinh tế.

Xin cảm ơn Bộ trưởng. Kính chúc Bộ trưởng cùng gia đình đón một năm mới An khang, Thịnh vượng. Chúc ngành Xây dựng không ngừng phát triển về trí lực, nhân lực, vật lực góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước.

 

Theo: Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)