Hà Nội: Phải tạo thuận lợi nhất cho công dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Thứ năm, 14/07/2022 17:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Một trong những mục tiêu khắc phục khó khăn trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ tại TP. Hà Nội là đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn công dân trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của Đề án.

Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị - Ảnh: VGP/Gia Huy

Chiều 13/7, Ban chỉ đạo Đề án 06 của TP. Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" với sự tham gia của hơn 33.000 đại biểu từ các đầu cầu.

Hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, quá trình triển khai Đề án 06 đã nhận được sự quan tâm vào cuộc từ Thành phố đến cấp cơ sở. Thành phố xác định quan trọng nhất là đưa Đề án 06 vào cuộc sống và về đích trong năm 2022.

Vì vậy, theo Phó Chủ tịch TP. Hà Nội, cuộc họp nhằm để các đơn vị tập trung nêu các vướng mắc, khó khăn, từ đó đề xuất nhằm có tháo gỡ vướng mắc kịp thời, có giải pháp để triển khai thực chất bởi đến nay nhiều nhiệm vụ của Đề án 06 còn chậm tiến độ, một số nơi triển khai chưa thực chất.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, trong quá trình triển khai Đề án 06, Hà Nội nhận được sự quan tâm, hướng dẫn thường xuyên của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành đã thường xuyên nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai của Hà Nội để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Giao thông vận tải đều có văn bản hướng dẫn TP. Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Đề án.

Đến nay, 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố đã thành lập Ban chỉ đạo 06 và Tổ công tác 06 (gồm 30 Ban chỉ đạo 06 cấp huyện, 579 Ban chỉ đạo 06 cấp xã, 5.247 Tổ công tác tại thôn, tổ dân phố) để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở. Lực lượng Công an với vai trò nòng cốt, thường trực tham mưu triển khai Đề án 06 đã thành lập 100% Tổ công tác 06 tại Công an các cấp.

Về việc sử dụng các dịch vụ trên địa bàn, trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực có DVC được sử dụng nhiều nhất là: An ninh trật tự (đăng ký lưu trú trên 95.000 hồ sơ); lĩnh vực Tư pháp-Hộ tịch; Công Thương, Giao thông vận tải, Lao động-Thương binh và xã hội... Các lĩnh vực có dịch dụ công sử dụng ít nhất là: Nội vụ (1 hồ sơ), du lịch (10 hồ sơ), Thông tin và Truyền thông (73 hồ sơ mức độ 3)…

Triển khai 25 nhóm dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, đến nay Thành phố đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công (DVC) với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công. Trong đó, các dịch vụ công được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực cư trú của Công an Thành phố với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trong 6 tháng đầu năm là trên 100.000 hồ sơ.

Đối với 4 DVC còn lại, gồm: 1 DVC lĩnh vực Tư pháp (Cấp phiếu lý lịch tư pháp); 1 DVC lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường (Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận; 2 dịch vụ liên thông (Liên thông Đăng ký khai sinh và Liên thông Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí), Thành phố đã chủ động đề xuất phương án đồng thời sẵn sàng phối hợp thực hiện triển khai theo hướng dẫn của các Bộ, ngành chủ quản.

Còn nhiều khó khăn, tâm lý người dân còn e ngại

Theo đánh giá chung của Công an Thành phố, công dân trên địa bàn cơ bản đáp ứng yêu cầu về trình độ công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin; việc sử dụng thiết bị máy tính, Intemet để đăng ký giải quyết các thủ tục được Thành phố quan tâm và có nhiều giải pháp vận động, hướng dẫn, tuyên truyền việc sử dụng.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn được Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội nêu tại hội nghị, do đặc thù của Hà Nội có sự phân chia khu vực đô thị và nông thôn nên tính chất và đặc điểm dân cư cũng có sự khác biệt. Đặc biệt việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phận nhân dân còn có hạn chế nhất định nên việc hướng dẫn và vận động nhân dân tham gia sử dụng các DVC còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các khu vực.

Nhiều nguyên nhân được Công an Thành phố xác đinh, trong đó có tâm lý của người dân đối với việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn e ngại và do thói quen của người dân muốn đến tận nơi, muốn được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp.

Việc sử dụng các thiết bị thông minh hỗ trợ cho việc thực hiện đối với 1 bộ phận người dân (người cao tuổi, công dân trên địa bàn vùng nông thôn) còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, việc cung cấp các DVC trực tuyến chưa linh hoạt và đơn giản cũng như việc phát sinh thêm một số chi phí như phí dịch vụ bưu chính, thanh toán trực tuyến cũng là một nguyên nhân làm giảm tỷ lệ tham gia của người dân.

Đẩy mạnh truyền thông về Đề án 06 để phục vụ người dân, doanh nghiệp

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn hhi nhận những kết quả đạt được của các đơn vị đã vào cuộc tích cực, trách nhiệm triển khai Đề án 06 trên địa bàn Thành phố với mục tiêu hướng đến là người dân, doanh nghiệp thực sự thụ hưởng lợi ích của đề án.

Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố nhấn mạnh, Đề án 06 ngoài 25 DVC thiết yếu còn 4 mục tiêu lớn hướng đến công dân số, kinh tế số, chính quyền số, xã hội số. Mục tiêu Thành phố đã đặt ra là thực hiện DVC trực tuyến từ 90-95% TTHC trừ các thủ tục cần thực hiện trực tiếp; giảm thời gian đi lại, giảm chi phí tuân thủ TTHC và các dịch vụ tạo thuận lợi của người dân.

Vì vậy, trong 6 tháng còn lại, các đơn vị cần tập trung vào tái cấu trúc quy trình TTHC theo hướng phải thật sự đơn giản, thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Về công tác truyền thông, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đề nghị Sở TT&TT và các đơn vị phải kiên trì, liên tục, thường xuyên hướng dẫn, vận động để người dân, doanh nghiệp thấy thật sự thuận lợi thi thực hiện DVC trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Đặc biệt là công tác truyền thông từ cơ sở và xây dựng các mô hình truyền thông, mô hình hỗ trợ hướng dẫn công dân trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của Đề án 06; huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức là những tuyên truyền viên trong việc vận động, hướng dẫn người dân, tổ chức tham gia thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư về dân cư.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)