Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp buộc phải giãn cách xã hội, song vẫn cần đảm bảo liên kết chặt chẽ và thông suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp Bộ…
Ảnh minh họa
Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đã tăng gấp đôi so với khi bắt đầu thực hiện Chính phủ điện tử. Cùng đó, Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia (CDVCQG) đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).
Có thể khẳng định, việc DN, người dân thực hiện các DVCTT qua CDVCQG cho thấy dịch vụ này đáp ứng nhu cầu đa dạng. Không chỉ vậy, việc thực hiện thủ tục hành chính và DVCTT qua CDVCQG có tính liên tục, minh bạch, chính xác, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và DN, chống tiêu cực, tiết kiệm chi phí và góp phần cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí kinh doanh, chi phí xã hội và gián tiếp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội.Số liệu thống kê từ Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử cho thấy, từ thời điểm Thủ tướng nhấn nút khai trương (9/12/2019) đến nay, đã có tới 47.377 tài khoản đăng ký trên CDVCQG; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945 nghìn hồ sơ đồng bộ trạng thái… và đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với CDVCQG.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai các nhiệm vụ Chính phủ điện tử vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Chưa hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật làm khung thể chế cho triển khai Chính phủ điện tử; trên 70% số bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa có ý thức thay đổi thói quen, vẫn ưu tiên thực hiện theo các phương thức truyền thống... Trong khi đó, bản chất của Chính phủ điện tử là tiến hành các giao dịch qua mạng thay vì trực tiếp giữa người dân và cán bộ công chức, viên chức, nên những hạn chế trong thực hiện Chính phủ điện tử nói trên, trong điều kiện dịch Covid-19 xảy ra, đã khiến nhiều giao dịch bị ngưng trệ.
Theo ông Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – những điểm yếu bộc lộ thời gian qua cho thấy, việc phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số ở nước ta mới đang trong giai đoạn đầu và còn nhiều việc để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Để khắc phục, theo ông Lĩnh, cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình xử lý văn bản trên không gian mạng; tăng cường đầu tư để hoàn thiện hạ tầng cho nền kinh tế số; bảo đảm tính liên thông cơ sở dữ liệu giữa cơ quan nhà nước với nhau; tăng cường đào tạo kỹ năng, hướng dẫn cho cán bộ, công chức, người dân, DN làm quen, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến...
Người dân và DN cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu, sử dụng DVCTT. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp.