Nghiệm thu 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Mã số: RD 17- 08 và Mã số: MT 18- 08

Thứ ba, 25/03/2014 07:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều ngày ngày 24/3/2014, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng và thăm dò chức năng thính lực bệnh điếc nghề nghiệp ở công nhân ngành Xây dựng và biện pháp can thiệp”(MS: RD 17- 08) và “Điều tra, đánh giá hiện trạng công tác quản lý vệ sinh môi trường tại các công trường xây dựng và đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe người lao động” (MS: MT 18-08) do Bác sỹ Chuyên khoa I Phạm Vũ Thư và Tiến sỹ y học Lê Thị Hằng thuộc Bệnh viện Xây dựng làm chủ nhiệm. ThS. Nguyễn Quang Minh - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.

ThS. Nguyễn Quang Minh - Chủ tịch Hội nghị nghiệm thu

Thay mặt cho nhóm thực hiện đề tài MS: RD 17- 08, BS Nguyễn Thu Thủy đã báo cáo tóm tắt trước Hội đồng về sự cần thiết, mục tiêu và những kết quả đạt được sau quá trình nghiên cứu. Theo báo cáo, hiện tại ngành Xây dựng có khoảng gần một triệu lao động đang hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều yếu tố nguy cơ phát sinh trong quá trình lao động sản xuất như tiếng ồn, bụi, độ rung, vi khí hậu nóng … vì vậy người lao động sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp. Theo thống kê của Bệnh viện Xây dựng, bệnh điếc nghề nghiệp (ĐNN) và bệnh bụi phổi – silic là 2 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất ở công nhân ngành Xây dựng. Để nắm bắt được thực trạng về bệnh ĐNN hiện nay trong công nhân ngành Xây dựng và đưa ra các biện pháp can thiệp để giảm thiểu bệnh ĐNN nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu đề tài với 3 mục tiêu: Đánh giá thực trạng một số yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động của công nhân ngành Xây dựng; Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng và thăm dò chức năng thính lực bệnh ĐNN ở công nhân ngành Xây dựng; Đề xuất các biện pháp cải thiện môi trường lao động, biện pháp y tế giảm thiểu bệnh ĐNN cho công nhân ngành Xây dựng.

Đề tài đã được nghiên cứu bằng phương pháp dịch tễ học mô tả cắt ngang từ năm 2008 đến 2010 trên 3 nhóm đối tượng công nhân là công nhân làm nghề sản xuất xi măng, công nhân làm nghề sửa chữa cơ khí và công nhân làm nghề khai thác đá thuộc các đơn vị trong ngành Xây dựng có thời gian lao động liên tục ít nhất 5 năm, tiếp xúc với môi trường làm việc có tiếng ồn vượt Tiêu chuẩn Vệ sinh lao động. Thông qua chọn mẫu, đo đạc, kiểm tra các yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động, điều tra, phỏng vấn cá nhân, đo thính lực cho công nhân, xử lý số liệu …nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra được thực trạng một số yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động của công nhân, đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng và thăm dò chức năng thính lực bệnh ĐNN của công nhân (gồm tỷ lệ mắc bệnh do tiếng ồn của các nhóm nghề, tỷ lệ mắc bệnh do tiếng ồn theo nhóm tuổi đời, tỷ lệ mắc bệnh theo cường độ tiếp xúc tiếng ồn và triệu chứng cơ năng gặp nhiều nhất) đồng thời đã đề xuất được các biện pháp cải thiện môi trường lao động, biện pháp y tế giảm thiểu bệnh ĐNN cho công nhân ngành Xây dựng.

Tại Hội nghị, ThS. Đinh Thị Hoa cũng đã đại diện cho nhóm thực hiện đề tài MS: MT 18-08 báo cáo trước Hội đồng về tính cần thiết, mục tiêu và những kết quả đã đạt được sau nghiên cứu. Theo báo cáo, cho tới nay vẫn chưa có một nghiên cứu chính thức nào điều tra tổng thể về hiện trạng và công tác quản lý vệ sinh môi trường lao động tại các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng nói chung, tại các công trường xây dựng nói riêng để từ đó đề ra những biện pháp cụ thể, thích hợp nhằm cải thiện vệ sinh môi trường lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nguồi lao động và cộng đồng giúp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sống cho con người, đảm bảo sự phát triển bền vững. Để góp phần nâng cao sức khỏe cho người lao động, phòng chống tai nạn lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng thời thực hiện Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn – vệ sinh lao động, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành nghiên cứu với 3 mục tiêu: Điều tra, đánh giá thực trạng môi trường lao động các công trường xây dựng; Nghiên cứu tình hình sức khỏe, mô hình và đặc điểm bệnh tật của người lao động trên các công trường xây dựng; Đánh giá thực trạng công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động tại các công trường, đề xuất một số biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động. Trên cơ sở đó, nhóm thực hiện đề tài cũng đã biện soạn Dự thảo Hướng dẫn về quản lý vệ sinh lao động tại các công trường xây dựng.

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là 3 nhóm công trình xây dựng: công trình xây dựng nhà máy thủy điện, công trình xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, công trình xây dựng dân dụng và giao thông thuộc 30 công trình xây dựng do các đơn vị xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thi công trong thời gian nghiên cứu từ năm 2008 - 2011. Đề tài cũng đã áp dụng phương pháp nghiên cứu dịch tễ học với thiết kế mô tả cắt ngang có phân tích kết cấu với hồi cứu. Thông qua chọn mẫu, điều tra, phỏng vấn trực tiếp, thăm khám lâm sàng cũng như khảo sát, đánh giá các yếu tố tác hại nghề nghiệp trong môi trường lao động …, đề tài đã đánh giá được thực trạng môi trường, điều kiện lao động, tình hình sức khỏe của CBCNV và công tác an toàn vệ sinh lao động tại các công trường xây dựng. Đề tài cũng đã đưa ra những biện pháp về công nghệ, biện pháp cải thiện yếu tố nguy cơ nghề nghiệp và các biện pháp y tế nhằm nâng cao công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe cho người lao động.

Các chuyên gia phản biện và các ủy viên trong Hội đồng đã đánh giá cao kết quả mà hai nhóm tác giả đã thực hiện, 2 đề tài đều được thực hiện tỉ mỉ, công phu, tài liệu tham khảo phong phú, số liệu khách quan, tin cậy. Các đề tài được nghiên cứu thông qua nhiều cuộc điều tra khảo sát thực tế, tiến hành đo đạc, thăm khám lâm sàng…đồng thời đã đề cập đến những vấn đề cấp thiết, đề xuất được những biện pháp cụ thể, rõ ràng và khả thi cho nên có giá trị thực tiễn rất cao.Tuy nhiên, đối với đề tài MS: RD 17- 08 cần bổ sung các kết quả nghiên cứu sau can thiệp, nêu rõ số lượng, cơ sở xác định các yếu tố nguy cơ, miêu tả kỹ hơn về những địa điểm được lựa chọn làm mẫu, bổ sung phương pháp đo sức nghe …; đề tài MS: MT 18-08 cần rút gọn phần kết luận, bổ sung các công cụ nghiên cứu, nêu rõ cơ sở lấy các mẫu đo, cập nhật các tiêu chuẩn quy chuẩn hiện hành, sửa chữa một số lỗi sử dụng thuật ngữ ... đồng thời tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo “Hướng dẫn quản lý an toàn vệ sinh an toàn lao động tại các công trường xây dựng”.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng ThS. Nguyễn Quang Minh - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường nhất trí với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng và đề nghị các chủ nhiệm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa đề hoàn thiện đề tài.

Hai đề tài đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu với kết quả xếp loại Xuất sắc.

Kim Nhạn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)