Xây dựng, phát triển đô thị thông minh trong bối cảnh đô thị hóa & chuyển đổi số ở Việt Nam

Thứ hai, 30/01/2023 15:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Đồng thời, xây dựng phát triển đô thị thông minh cũng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, các địa phương đang chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao cuộc sống của người dân, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền địa phương nơi đó… Có thể nói, xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi số một cách mạnh mẽ như hiện nay là một trong những giải pháp giúp sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ là tất yếu

Trong những năm qua, quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành quả tích cực. Hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh và được phân bổ tương đối hợp lý, diện mạo đô thị ngày một thay đổi hiện đại hơn, chất lượng hơn, đời sống của cộng đồng dân cư đô thị cũng ngày một nâng cấp. Hầu hết các đô thị trên cả nước đã thể hiện được vai trò, động lực then chốt trong tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội cho mỗi quốc gia, khu vực, địa phương để có thể phát triển và tăng trưởng đột phá về mọi mặt. Tại Việt Nam, các đô thị đang đóng góp 70% GDP cả nước, 5 thành phố trực thuộc Trung ương mặc dù chỉ chiếm 2,9% về diện tích và khoảng 22% về dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% GDP cả nước. Tính đến tháng 9/2022, cả nước có 888 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 41,5%. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tại các đô thị cũng dần xuất hiện những hạn chế, những bất cập, đặc biệt là sự phát triển còn thiếu tính bền vững; công tác quy hoạch đô thị còn thiếu đồng bộ, thiếu tích hợp; công tác dự báo quy hoạch thiếu tính chính xác, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa gắn quy hoạch với nguồn lực thực hiện, phải điều chỉnh thường xuyên; thiếu vắng sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới. Để giải quyết những vấn đề này, các đô thị cần có những nghiên cứu, lựa chọn và chuyển hướng phát triển nhằm đảm bảo đô thị có tính kết nối, bản sắc; giải quyết các vấn nạn đô thị như ô nhiễm môi trường, ngập úng, tắc nghẽn giao thông… Xây dựng, phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả những cơ hội, thành quả của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), phù hợp với xu hướng quốc tế và hướng tới phát triển bền vững - là sự lựa chọn chính xác nhất với các đô thị trong bối cảnh hiện nay.

Các địa phương tích cực xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh

Báo cáo tình hình triển khai đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững của Bộ Xây dựng gửi tới Thủ tướng Chính phủ cho biết, đến thời điểm hiện nay, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM, gồm đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh hoặc đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.

Đây là nội dung thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, trên cơ sở tổng hợp báo cáo về tình hình triển khai đô thị thông minh của các Bộ, ngành, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; tổng hợp, rà soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 (sau đây gọi tắt là Đề án 950).

Cụ thể, có 14/18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt đề án phát triển ĐTTM trước thời điểm ban hành Đề án 950. Trong đó, đề án quy mô toàn tỉnh (10 địa phương): Lào Cai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Hồ Chí Minh, Long An. Quy mô đô thị (04 đô thị): Phú Thọ, Lâm Đồng, Tiền Giang, Kiên Giang.

20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950. Đề án quy mô toàn tỉnh (15 địa phương): Bắc Giang, Yên Bái, Sơn La, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Bình Thuận, Bình Phước, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu; quy mô đô thị (5 địa phương): Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Bình, Gia Lai, Đắk Lắk.

16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang triển khai lập đề án. Đang triển khai quy mô toàn tỉnh (09 địa phương): Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Đồng Nai, Cà Mau. Quy mô đô thị (05 đô thị): Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Tháp. Cả 2 quy mô đô thị và toàn tỉnh (01 đô thị): Cao Bằng.

Về triển khai phát triển tiện ích ĐTTM, dịch vụ thông minh, có khoảng 57 địa phương (tăng 17 địa phương so với năm 2020) và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo. 19 tỉnh triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Định, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre).

Trong xu thế đô thị hóa ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam được xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị. Tuy nhiên, phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức về đô thị thông minh từ góc độ nhà quản lý ở cấp độ địa phương nhu cầu cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp và cả nhu cầu thụ hưởng của người dân. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề của Việt Nam là tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Việc tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình này cũng còn hạn chế. Hầu hết các địa phương khi triển khai đề án về đô thị thông minh vẫn còn thiếu tính đặc thù của từng địa phương, và việc giữ gìn, phát huy bản sắc của từng địa phương cũng là câu hỏi đặt ra cho các cấp chính quyền. Phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước, với các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của quốc gia và địa phương.

Đô thị thông minh - từ chính sách đến thực tiễn

Hiện nay, có rất nhiều văn bản của TW về Đô thị thông minh, có thể kể một số văn bản như: Công văn số 10384/VPCP-KGVX ngày 01/12/2016 của Văn phòng Chính phủ về xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam; Văn bản số: 58/BTTTT-KHCN ngày 11/01/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam; Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025; Quyết định 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0); Văn bản số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông Công bố bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (Phiên bản 1.0); Văn bản 693/BXD-PTĐT ngày 21/2/2020 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam.

Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã đề ra mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh và khu vực và thế giới.

Ngày 24/01/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị, có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Và gần đây nhất, ngày 11/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP - Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, mà trước hết là nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung, xác định phát triển đô thị gồm 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu ở Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu đặt ra của Nghị quyết. Theo đó, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Đến năm 2025, bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11%-16% vào năm 2025, 16%-26% vào năm 2030. Đến năm 2030 hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các tiêu chí về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu Asean.

Ngoài những văn bản do Trung ương ban hành, mỗi địa phương khi áp dụng các đề án về đô thị thông minh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm phù hợp với từng địa phương. Tuy nhiên, xây dựng đô thị thông minh phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, sự tham gia của cả công nghệ và con người. Mặc dù không có một mô hình nào chuẩn về đô thị thông minh, phải có bộ tiêu chí tối thiểu đáp ứng được một phần nào dó, phải xây dựng mang tính định hướng để mỗi đơn vị, Bộ, ngành, địa phương nhìn vào đó thực hiện. Đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì việc xây dựng đô thị thông minh là rất cần thiết.

Để đô thị thông minh có thể đi từ chính sách đến thực tiễn, ngoài việc xây dựng nền tảng về thể chế, chuẩn bị nguồn lực tài chính, con người, hạ tầng thì quan trọng nhất phải thay đổi tư duy từ người quản lý cho đến cư dân thì các thành phố mới có được bước đi đột phá, thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng đô thị thông minh.

Thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày chuyển đổi số quốc gia, lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 là năm đầu tiêu Ngày chuyển đổi số quốc gia được tổ chức. Có thể nói, đây là sự kiện quan trọng, được tổ chức lần đầu tiên, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.

Phát triển đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số quốc gia được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổ số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.

Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội cho mỗi quốc gia, khu vực, địa phương để có thể phát triển và tăng trưởng đột phá về mọi mặt. Việc áp dụng đô thị thông minh là một bài toán giúp đẩy nhanh quá trình đô thị hóa bằng cách áp dụng yếu tố công nghệ. Tại Nghị quyết 06-NQ/TW và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc hạ tầng CNTT, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.

Hiện nay, ở hầu hết các địa phương khi triển khai đô thị thông minh mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề căn cơ các bài toán của đô thị như: Giao thông, năng lượng, môi trường…Về bản chất, phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và hướng tới người dân làm trung tâm. Đây là một quá trình liên tục, lâu dài, là vấn đề lớn cần tổ chức nguồn lực để triển khai. Cần có tư duy phát triển đô thị thông minh ngay từ khi lập quy hoạch phát triển đô thị. Các cơ quan Trung ương tập trung ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu, việc tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương. Để có thể thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh trong mỗi đô thị cần phát huy tối đa tiềm lực của chính đô thị đó, gắn kết tinh thần trách nhiệm của bốn nhà: nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.

 

Lê Hảo

Nguồn: Tạp chí Xây dựng & Đô thị, Số 86+87/2023

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)