Nâng cao chất lượng dự án đầu tư xây dựng qua khâu thẩm định thiết kế kỹ thuật Tại Hà Tây

Thứ năm, 06/10/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thiết kế cơ sở, xây dựng công trình và thẩm định hồ sơ thiết kế là những công việc quan trọng có tính bắt buộc đối với mỗi dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và một số nguồn vốn khác. Bởi thông qua công việc trên, chủ đầu tư có cơ sở khẳng định dự án nào khả thi và không khả thi, để quyết định đầu tư hay không.
Do vậy, làm thế nào để nâng cao chất lượng thẩm định thiết kế, kỹ thuật đang là câu hỏi lớn đối với các cấp, ngành quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng.

Theo các văn bản của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Sở Xây dựng được giao thẩm định các dự án xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp trừ các công trình công nghiệp do Sở Công nghiệp tổ chức thẩm định thuộc nhóm B, C và các công trình khác do Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu. Đây là căn cứ pháp lý cho các chủ đầu tư phê duyệt đầu tư. Với chức năng và nhiệm vụ được giao, từ đầu năm cho đến hết ngày 20-9-2005, Sở Xây dựng đã tổ chức thẩm định thiết kế 138 công trình, hạng mục công trình và 34 công trình thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công, theo nội dung: Sự phù hợp của thiết kế cơ sở với báo cáo đầu tư xây dựng công trình; sự phù hợp về quy hoạch xây dựng, quy mô xây dựng, công nghệ, công suất thiết kế, cấp công trình; các số liệu sử dụng trong thiết kế, các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng; các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật so với yêu cầu của dự án; sự phù hợp của thiết kế với phương án kiến trúc đã được lựa chọn; sự hợp lý của các giải pháp thiết kế trong thiết kế cơ sở...

Qua công tác thẩm định, ngoài việc tiết kiệm cho các chủ đầu tư hơn 19 tỷ đồng/301 tỷ đồng tổng giá trị dự toán của các dự án, Sở Xây dựng còn hướng dẫn cho 20 chủ dự án làm lại hồ sơ do thiết kế, kỹ thuật không bám sát nội dung của quyết định đầu tư, không áp dụng đúng đơn giá, khối lượng; điều chỉnh công việc chưa phù hợp quy định... Các dự án còn lại về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Hữu Mỹ, Trưởng phòng Thẩm định thiết kế - kỹ thuật, Sở Xây dựng, muốn một dự án có tính khả thi cao, đạt yêu cầu của chủ đầu tư thì đơn vị lập thiết kế, kỹ thuật cần phải đáp ứng nguyên tắc: Tuân thủ đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, khối lượng do các bộ, ngành liên quan ban hành; áp dụng đúng các chế độ, chính sách, tăng cường đầu tư phương tiện làm việc, nghiên cứu cụ thể điều kiện địa hình, địa chất... Đồng thời, chủ đầu tư nếu chưa đủ năng lực phải thuê tư vấn thì cũng không nên phó thác trách nhiệm cho đơn vị tư vấn mà cần có trách nhiệm trong quá trình nghiệm thu, bàn giao hồ sơ. Đối với các cơ quan có chức năng nhiệm vụ thẩm định, ngoài việc mỗi cán bộ thẩm định phải tự trau dồi kiến thức chuyên môn, nắm vững kết quả khảo sát, giải pháp thi công theo công nghệ mới, tường tận các chế độ, chính sách về xây dựng, còn phải nâng cao ý thức trách nhiệm giữ vững đạo đức nghề nghiệp...

Trong các công việc trên chỉ cần thiếu sự quản lý thống nhất của 1 đơn vị sẽ dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, hiệu quả sử dụng nguồn vốn không cao. Theo ông Nguyễn Trường Duy, Trưởng phòng XDCB, Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh, để nâng cao chất lượng mỗi dự án đầu tư, trước tiên phần thiết kế sơ bộ phải được coi trọng, vì kết quả của nó có liên quan trực tiếp đến việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán. Do đó, bản vẽ thiết kế cơ sở được duyệt phải được tiến hành kỹ lưỡng, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập thiết kế kỹ thuật và tính toán, bóc tách khối lượng khi thẩm định. Tránh trường hợp, thiết kế sơ bộ: Móng công trình được đề xuất xử lý bằng cọc bê tông cốt thép nhưng qua thiết kế kỹ thuật lại thấy không cần thiết xử lý bằng cọc bê tông cốt thép... gây lãng phí nguồn vốn và chất lượng công trình.

Như vậy, công tác thẩm định thiết kế, kỹ thuật không chỉ có ý nghĩa về mặt nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản mà còn góp phần quản lý chất lượng công trình./.

Nguồn tin: Báo Hà Tây điện tử
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)