Ứng dụng GIS phát triển đô thị thông minh

Thứ ba, 15/12/2020 14:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nhằm thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh bền vững, TP Hồ Chí Minh đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và quản lý đô thị. Đây là một trong những giải pháp đưa thành phố trở thành một đô thị sạch, đáng sống và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm ứng dụng GIS, viễn thám giúp quản lý đô thị và ứng phó biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh ứng dụng GIS 

Trong thời gian qua, GIS kết hợp với công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… và các thiết bị thông minh tạo ra những ứng dụng đa dạng trong quản lý đô thị, quản lý dịch bệnh; hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Quan tâm đến vấn đề này, hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, ứng dụng GIS phục vụ quản lý nhà nước, dịch vụ Chính phủ điện tử và đang mở rộng một số hệ thống Web GIS ứng dụng kết hợp với  thiết bị thông minh… nhằm hướng đến ứng dụng GIS phục vụ quản lý đô thị thông minh (Smart City). Theo các chuyên gia, GIS cần được đẩy mạnh ứng dụng sâu rộng nhằm phục vụ đời sống người dân cũng như công tác quản lý đô thị. Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp tích hợp hệ thống Công ty Công nghệ thông tin (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) cho biết: “TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước đẩy mạnh ứng dụng GIS trong quản lý kinh tế nói chung; trong đó, có ngành tài nguyên môi trường. Thành phố đã triển khai rất nhiều nội dung quan trọng như thiết lập được kiến trúc ứng dụng GIS vào ngành tài nguyên môi trường. Riêng về lĩnh vực đất đai, thành phố có thử nghiệm hệ thống thông tin đất đai tại quận 1 và quận 12. Thành phố cũng đang triển khai số hóa dữ liệu theo các quy định của ngành tài nguyên môi trường. Nhằm triển khai chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, thành phố cũng đang chuyển mình và mong muốn các doanh nghiệp lớn tham gia vào quá trình hình thành hệ thống thông tin tổng thể, toàn diện, toàn ngành tài nguyên môi trường ở các cấp kể cả cấp thành phố đến cấp quận/huyện, phường/xã để bảo đảm công tác quản lý tài nguyên môi trường trên toàn thành phố”.

Cần phối hợp liên ngành

Hiện các đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã từng bước ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng. Các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng đã mang lại hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành và quận, huyện. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý chuyên ngành chưa có sự liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu một cách đồng bộ, thống nhất trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng. Ông Nguyễn Tất Thắng nêu thực tế: “Trước đây việc xây dựng cơ sở dữ liệu vẫn có tình trạng cát cứ giữa các lĩnh vực. Thí dụ, trong lĩnh vực đất đai đã hoàn thành cơ sở dữ liệu nhưng chỉ dùng trong văn bản kín. Việc công khai ra bên ngoài còn hạn chế và không liên thông được với các lĩnh vực khác. Giờ đây, theo quan điểm về xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, tất cả các thông tin dữ liệu phải được chia sẻ với nhau trong phạm vi có thể. TP Hồ Chí Minh mong muốn sau khi số hóa dữ liệu sẽ có cổng thông tin đất đai. Những dữ liệu được phép công khai phải được đưa lên cổng thông tin đất đai giúp người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin để phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội và dân sinh. Trong vấn đề cải cách hành chính, việc liên thông thông tin qua một cổng giúp người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục như xin phép xây dựng chỉ cần đến một điểm, không cần phải đi lại nhiều lần qua nhiều cơ quan. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp”. UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định 3030/QĐ-UBND ngày 19-8-2020 phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn. Đề án tập trung vào một số nội dung như: Xây dựng kiến trúc tổng thể, chi tiết hệ thống GIS, viễn thám về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; rà soát, bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu, xây dựng ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; tích hợp, liên thông cơ sở dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ứng dụng GIS, viễn thám phục vụ quản lý và phát triển đô thị bền vững. 

Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phát triển khoa học ứng dụng, tối ưu hóa nguồn lực để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hướng tới đô thị thông minh. Trước xu thế đó, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh tăng cường các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, trường đã tập trung nghiên cứu, đào tạo về công nghệ GIS, viễn thám kết hợp với điện toán đám mây, khai thác dữ liệu lớn, in-tơ-nét vạn vật, trí tuệ nhân tạo… Tuy nhiên, theo PGS, TS Lê Văn Trung (Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phải là xu thế liên ngành, không thể đứng riêng lẻ, từng khoa, từng bộ môn mà có thể triển khai được yêu cầu đặt ra đối với đô thị thông minh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Vì vậy, các chương trình đào tạo trong các cơ sở đào tạo cần  thiết hai năm cập nhật một lần để tiếp cận công nghệ mới và hình thành giải pháp mới.

Nguồn: Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)