Xây dựng nông thôn mới ở huyện Hoài Đức: Phát huy những cách làm hay

Thứ ba, 01/10/2013 13:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Hoài Đức đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo thành phong trào sâu rộng và có sức lan toả đến từng người dân với nhiều mô hình, cách làm hay được hình thành, nhân rộng...

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 huyện Hoài Đức thì địa phương này đã thu được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng NTM. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Hoài Đức đã huy động hơn 2.236 tỷ đồng đầu tư kiến thiết hạ tầng nông thôn. Cụ thể, huyện đã đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa trục đường xã đạt chuẩn được 65,5 km, đạt 81,44% so với bộ tiêu chí về xây dựng NTM; trục giao thông thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn là 89,33 km, đạt 83,02% so với bộ tiêu chí; tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa được 230 km, đạt 72,01% so với bộ tiêu chí; tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện được 70 km, đạt 24,6% so với bộ tiêu chí... Hệ thống thủy lợi của huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, hơn 110 km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa được 110 km, đạt 32,48% (chỉ tính đối với các xã vùng bãi).

Đáng chú ý, một số tiêu chí được đánh giá là khó thực hiện nhưng huyện Hoài Đức cũng đã hoàn thành như tiêu chí thu nhập trên địa bàn huyện đã hoàn thành. Hiện, thu nhập bình quân của huyện đã đạt 29,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 3,33%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, đạt 92%… Toàn huyện hiện có 6 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí; 7 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-13 tiêu chí và chỉ còn 10 xã đạt và cơ bản đạt dưới 10 tiêu chí.

Điều dễ nhận thấy, phong trào xây dựng NTM ở huyện Hoài Đức diễn ra với khí thế mạnh mẽ, sôi nổi. Cả hệ thống chính trị huyện vào cuộc với quyết tâm cao, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan đoàn thể và nhân dân địa phương có những việc làm cụ thể để đẩy mạnh phong trào. Sau lễ phát động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, ký giao ước thi đua xây dựng NTM giữa các xã trong huyện (11-2011), đã có 7 doanh nghiệp ủng hộ với tổng giá trị là 7,2 tỷ đồng. Cùng với doanh nghiệp, nhân dân trong huyện đã đóng góp được 2.450 ngày công lao động, hiến được trên 90.000 m2 đất nông nghiệp, đã xây dựng 5 công trình và 1,2 tỷ đồng là vật tư, vật liệu xây dựng. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hải và ông Bùi Văn Luyện thuộc xóm 3, thôn Đồng Nhân xã Đông La đã hiến lần lượt 43m2 và 45m2 đất thổ cư/hộ để mở rộng đường giao thông liên xã Đông La - La Phù. Chưa hết, người dân cũng đã chủ động sửa sang nhà cửa, công trình vệ sinh theo tiêu chí NTM với giá trị trên 1.000 tỷ đồng.

Trong chỉ đạo xây dựng NTM, Hoài Đức đặc biệt coi trọng tiêu chí phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao bung ra như: vùng nhãn muộn rộng 85 ha, tại các xã An Thượng, Đông La và Song Phương; mô hình trồng bưởi đường với diện tích 40 ha, tập trung tại xã Cát Quế và xã Đông La; mô hình sản xuất cam Canh và phật thủ với diện tích 80 ha, tập trung tại xã Đắc Sở, Yên Sở và Tiền Yên. Với lợi thế ven đô, người dân huyện Hoài Đức đã mạnh dạn chuyển sang các mô hình sản xuất hoa, cây cảnh cung cấp cho đô thị như: Mô hình sản xuất hoa lan: 2,04 ha tập trung tại xã An Thượng và Đông La; mô hình sản xuất hoa lily: 1 ha, tập trung tại xã Đức Thượng, Yên Sở; mô hình sản xuất hoa hồng 70 ha; hoa cúc 74 ha, tập trung tại các xã Đức Thượng, Đức Giang, Yên Sở. Để nâng cao giá trị, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, trong vòng 3 năm qua, Hoài Đức đã phối hợp với các sở, ngành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nhãn chín muộn Hoài Đức; mở lớp tập huấn kỹ thuật quả an toàn, IPM trên cây ăn quả cho các hộ sản xuất; hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành phố cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất quả an toàn cho 171,76 ha tại vùng bãi xã An Thượng, Cát Quế, Tiền Yên và Đắc Sở; tổ chức 7 lớp tập huấn kỹ thuật cho cán bộ, nông dân, tại HTX Nông nghiệp Lại Dụ, xã An Thượng với tổng số 560 cán bộ, nông dân vùng sản xuất nhãn chín muộn tiêu biểu tại xã An Thượng...

Thực tế, tại Hoài Đức, nếu địa phương nào có mô hình sản xuất tốt, gắn với chế biến, tiêu thụ thì sẽ thu được hiệu quả cao. Xác định rõ những ưu thế, vì vậy, trong xây dựng NTM, Hoài Đức luôn quan tâm đến tiêu chí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, trong đó, chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng giá trị trên đơn vị canh tác. Cùng với đó, huyện thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí, qua đó có kế hoạch ưu tiên phân bổ nguồn lực trong quá trình thực hiện xây dựng NTM...


Theo Hà Nội Portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)