Xã Cam Thủy (Quảng Trị): Năm 2015 hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 25/11/2013 15:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị vốn là xã thuần nông do vậy để chương trình mục tiêu quốc gia sớm hoàn thành đúng lộ trình cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh toàn dân.

Hiện xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Nguồn thu nhập chủ yếu của người dân trong toàn xã Cam Thủy là sản xuất nông nghiệp do đó vấn đề dồn điền đổi thửa là mục tiêu tiên quyết nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, sức lao động, tạo tính cạnh tranh cho hàng nông sản trên thị trường.

Vì vậy, với chủ trương đúng đắn của nhà nước, nhân dân xã Cam Thủy nhất trí, đồng lòng cùng chính quyền địa phương khắc phục mọi khó khăn quyết tâm hoàn thành mục tiêu mở rộng, cải tạo ruộng đồng sớm chấm dứt tình trạng manh mún làm ăn nhỏ lẻ kém hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Sau 2 năm triển khai công tác dồn điển đổi thửa từ những mảnh ruộng nhỏ nằm rải rác khắp cánh đồng, đến nay mỗi hộ dân sở hữu từ 1 - 2 thửa và mỗi gia đình chỉ cần làm 2 đến 3 ngày công là đã hoàn tất công việc. Vì thế, giờ đây thời gian, chi phí làm nông nghiệp giảm đi rất nhiều.

Công tác dồn điển đổi thửa kết hợp với công tác cải tạo đồng ruộng đã thực hiện hoàn thành trên địa đàn toàn xã với diện tích là 244 ha trong đó cải tạo đồng ruộng được 20 ha.

Để công tác dồn điền đổi thửa đạt được hiệu quả phải kể đến sự đóng góp của hai HTX Thủy Đông và Thủy Tây với nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng để cùng UBND xã và các thôn tiến hành công tác quy hoạch, cải tạo đồng ruộng.

Nguồn thu nhập của người dân trong xã nâng lên rõ rệt nhờ vào diện tích trồng cây cao su 439ha trong đó đã cho khai thác 220ha. Quy hoạch 80ha cây công nghiệp ngắn ngày, 10ha trồng lạc bước đầu có hiệu quả tiến tới phát triển lên 30ha và hơn 30ha phát triển kinh tế trang trại, gia trại, UBND cho DN thuê đất chuyên canh trồng cây dược liệu. Quy hoạch các vùng chuyên canh, vùng sản xuất lúa 250ha, cây cao su 450ha và 50ha chưa sử dụng, vùng trồng cây lâm nghiệp 550ha.

Với nguồn đóng góp từ nội lực và quan tâm của các cấp chính quyền và cơ sở ban ngành trong toàn xã hội, xã Cam Thủy đã xây dựng được 18 ngôi nhà đại đoàn kết. Có 85% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt bằng giếng khoan, giếng đào, song có bể chứa nước hợp vệ sinh.

Đầu tư xây dựng 2 trung tâm văn hóa học tập cộng đồng, kiên cố hóa giao thông nông thôn 5,5km; kiên cố hóa đường liên thôn 5,3km; kiên cố hóa giao thông nội đồng 5km và đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương nội đồng ở 2 HTX Thủy Đông, Thủy Tây 5 km. Xây dựng trạm y tế xã, 2 phòng học mẫu giáo phục vụ phổ cập mầm non lớp 5 tuổi…

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là 11.970 triệu đồng. Trong đó ngân sách tỉnh, huyện, các chương trình dự án hỗ trợ là 10.144 triệu; ngân sách xã, HTX và nhân dân đóng góp 1.832 triệu và 2260 ngày công.

Quá trình đạo tạo nghề tại địa phương có tính sát thực với nhu cầu thực tế phát huy trong đào tạo đưa ngành nghề đi vào đời sống một cách thiết thực tránh kiểu hình thức phong trào bởi xã đã xác định đào tạo nghề là một nhiệm vụ đa mục tiêu.

Việc đào tạo nghề hiệu quả phát huy được nhiều lợi thế vừa nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định đời sống người nông dân.

Tuy nhiên, nguồn thu nhập của người dân chưa cao và đồng đều với nguồn lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp, sự phân bố dân cư chưa phù hợp.

Là xã thuần nông thu nhập của người dân tập trung vào sản xuất nông nghiệp nên địa phương có mức bình quân thu nhập đầu người thấp đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Trong quá trình đóng góp xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng chưa thể hoàn thành, chỉ đạt khoảng 30%. Do đó, chính quyền địa phương đang huy động mọi nguồn lực từ bên ngoài để cùng với nhân dân xã Cam Thủy xây dựng các công trình cơ bản phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành bộ tiêu chí về nông thôn mới.

Để hoàn thành các tiêu chí giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động. Trong đó, thực hiện tiêu chí xây dựng cơ bản gặp khó khăn rất lớn về vốn với hơn 70 tỷ đồng để đầu tư xây dựng.

Điều này cần sự đóng góp của nhân dân vì đây là chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện với phương châm nhà nước và nhân cùng làm, nhân dân là người trực tiếp tham gia, quyết định quá trình thay đổi bộ mặt nông thôn.

Do đó, các công trình xây dựng hoàn thành phải huy động sức mạnh đóng góp từ nhân dân nhưng vấn đề này đòi hỏi nguồn thu trong dân. Để đạt được thì thu nhập bình quân đầu người phải cao hơn rất nhiều so với mức thu từ nông nghiệp như hiện thời.

Dù vậy chính quyền địa phương cùng người dân phát huy nội lực từ trong dân theo phương châm có đến đâu thực hiện đến đấy, huy động số lớn ngày công và tuyên truyền người dân tích cực đóng góp. Thực hiện chủ trương đó hợp tác xã Thủy Đông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương.

Ông Đào Xuân Duy, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết: Qua hai năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chúng tôi đã huy động sức mạnh của toàn dân đóng góp sức người và của vào công cuộc chủ trương lớn của nhà nước.

Do đời sống thu nhập của người dân chưa cao và đồng đều nên vấn đề xây dựng cơ bản đến nay chưa thể hoàn thành. Tuy nhiên chúng tôi đang huy động nội lực toàn dân để đẩy nhanh hoàn thành các tiêu chí đúng mục tiêu đề ra. Người dân sẵn sàng hiến đất, chặt cây, mở rộng diện tích đường, đóng góp ngày công xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi....

Cùng với sức dân và chính quyền địa phương, chúng tôi rất cần sự chung tay từ xã hội góp phần hoàn thành các tiêu chí còn lại trong xây dựng nông thôn mới.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)