Đà Nẵng: Xây dựng đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số

Thứ ba, 23/08/2022 14:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Các địa phương đang chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền địa phương nơi đó... Có thể nói, chuyển đổi số quản lý đô thị là một trong những nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu hình thành đô thị thông minh.

Thành phố Ðà Nẵng tận dụng lợi thế để hướng tới trở thành đô thị thông minh. (Ảnh TTXVN)

Thành phố Ðà Nẵng đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai đô thị thông minh để cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân, doanh nghiệp dựa trên hạ tầng số và dữ liệu số. Quá trình chuyển đổi số kế thừa từ triển khai chính quyền điện tử, đô thị thông minh lấy dữ liệu là trung tâm. Về hạ tầng số, thành phố đã đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng với tổng chiều dài 400km cáp quang ngầm, kết nối các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu thành phố có dung lượng lưu trữ lớn, được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn, bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và luôn được cập nhật, nâng cấp và mở rộng để xây dựng thành phố thông minh. Ngoài ra, thành phố còn phát triển hạ tầng internet vạn vật như trung tâm an ninh trật tự, trung tâm giao thông thông minh, trung tâm quan trắc môi trường nước và không khí; xây dựng mạng wifi công cộng miễn phí cho người dân với hàng trăm trạm phát sóng. Về dữ liệu số, Ðà Nẵng đã hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu: công dân, doanh nghiệp, nhân khẩu, hộ khẩu, đất đai, thủ tục hành chính. Ðến nay, đã phát triển được 560 cơ sở dữ liệu chuyên ngành để đưa ra các ứng dụng, dịch vụ thông minh dựa trên dữ liệu. Người dân, doanh nghiệp có thể khai thác dữ liệu này trên kho dữ liệu dùng chung và cổng dữ liệu mở của thành phố.

Tương tự, tỉnh Hưng Yên đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị, quản lý triển khai các dịch vụ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Gần đây nhất, Hưng Yên đã khai trương hệ thống trung tâm điều hành thông minh hướng tới mô hình hoạt động điều hành, đô thị thông minh trong tương lai. Theo đánh giá, trung tâm điều hành thông minh của thành phố Hưng Yên được trang bị máy móc, công nghệ tiên tiến có nhiều tính năng tiện ích như: nhận diện gương mặt, phân tích đám đông, theo dõi trực tuyến... Với khả năng lưu trữ dữ liệu khổng lồ, phân tích dữ liệu dựa trên trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, trung tâm sẽ phát huy hiệu quả tính năng giám sát và điều hành của thành phố thông minh. Ðồng thời, tỉnh triển khai các phân hệ là các dịch vụ giám sát nền tảng trung tâm điều hành thông minh; hệ thống giám sát điều hành an ninh; hệ thống giám sát điều hành giao thông; hệ thống phản ánh hiện trường; hệ thống giám sát thông tin báo chí và truyền thông; hệ thống giám sát, bảo mật an toàn thông tin; hệ thống phân tích dữ liệu và báo cáo thông tin kinh tế-xã hội; tích hợp hệ thống dữ liệu ngành giáo dục và y tế. Hưng Yên chính thức triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối đến tất cả UBND từ tuyến huyện đến tuyến xã...

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, đã có 55 địa phương ban hành nghị quyết về chuyển đổi số; 59 địa phương ban hành chương trình, kế hoạch, đề án về chuyển đổi số giai đoạn 5 năm tới. Một số địa phương trong quá trình thực hiện gặp khó khăn vướng mắc, đó là: Các văn bản trước đây chưa có quy định áp dụng công nghệ số mà chỉ mang tính chất hướng dẫn. Chồng chéo trong phân chia quản lý ở các cơ quan nhà nước trong các sản phẩm công nghệ, bởi các sản phẩm công nghệ số có xu hướng tích hợp với đa chức năng. Các nhà đầu tư khu công nghệ thông tin, phần mềm vẫn chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất... do vướng mắc trong các quy định pháp luật. Ngoài ra, chưa có các cảnh báo để hạn chế về thiệt hại, thiên tai, bão lũ... cũng như đề xuất các khuyến nghị, giải pháp, các vấn đề trực tiếp liên quan đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân...

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị. Từ kinh nghiệm triển khai thực tế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ðà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết: Các yếu tố quyết định trong triển khai thành phố thông minh và chuyển đổi số thành công, đó là: ban hành các chủ trương, chính sách kịp thời, nhất quán; có sự phối hợp, liên kết của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân; nguồn lực từ nguồn ngân sách và huy động nguồn lực doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)