Chiều 19/8, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức buổi làm việc về tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công, tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2021 và tiến độ triển khai các dự án. Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Dự buổi làm việc, có đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông Vận tải. Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Yên Bái; Các đơn vị Chủ đầu tư; Lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao trên 2.975 tỷ đồng; tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2021 tỉnh giao hơn 4.684 tỷ đồng, trong đó vốn đã giao chi tiết trên 4.032 tỷ đồng.
Tính đến ngày 15/8/2021 đã giải ngân đạt trên 2.207 tỷ đồng/tổng số vốn giao 4.684 tỷ đồng bằng 47,1% kế hoạch. Đối với các nguồn vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đã giải ngân đạt trên 1.594 tỷ đồng/kế hoạch giao 2.975 tỷ đồng bằng 53,6%. Đối với các nguồn vốn Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi tổng hợp báo cáo họp Chính phủ hàng tháng giải ngân đạt trên 1.535 tỷ đồng/kế hoạch giao 3.540 tỷ đồng bằng 43,4%.
Về kết quả giải ngân của các đơn vị chủ đầu tư là các địa phương đã giải ngân đạt 1.077 tỷ đồng/kế hoạch vốn giao 1.586 tỷ đồng, bằng 67,9%.
Đối với chủ đầu tư là các sở, ban, ngành đã giải ngân đạt 1.127 tỷ đồng/kế hoạch vốn giao 2.445 tỷ đồng, bằng 46,1%. Trong đó có 28 đơn vị có tiến độ giải ngân cơ bản đáp ứng yêu cầu đạt trên 55%; có 13 đơn vị có tiến độ giải ngân thấp chưa đáp ứng yêu cầu, dưới 55%.
Theo đánh giá đến nay các nguồn vốn ngân sách địa phương đã cơ bản giao đủ so với kế hoạch; việc điều chỉnh bổ sung kế hoạch vốn kịp thời, bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, qua đó tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án.
Các ngành, các địa phương và các đơn vị chủ đầu tư đã đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, đến nay cơ bản các dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu và khởi công xây dựng. Kết quả giải ngân của tỉnh 7 tháng năm 2021 cao hơn so với kết quả giải ngân cả nước và xếp thứ 15/63 tỉnh; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án đã được chủ đầu tư chủ động phối hợp tốt với các địa phương bảo đảm mặt bằng thi công.
Bên cạnh kết quả đạt được, vấn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: tỷ lệ giao chi tiết vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu còn thấp; các thủ tục cấp, rút vốn nước ngoài ODA còn nhiều bất cập, chưa linh hoạt; các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay còn phụ thuộc vào các bộ, ngành Trung ương và tài trợ. Một số dự án lớn có kết quả giải ngân thấp; công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm còn nhiều vướng mắc…
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, các đơn vị chủ đầu tư đã tập trung phân tích làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án; đồng thời đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng tiến độ đã đề ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương và các đơn vị chủ đầu tư cần tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế; nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Tỉnh uỷ, Chương trình hành động số 02/CTr-UBND của UBND tỉnh và các văn bản kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, các dự án có mức vốn giao lớn; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình xây dựng, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Phấn đấu hết quý III/2021 giải ngân tối thiểu đạt 75% vốn ngân sách nhà nước năm 2021; đến hết quý IV/2021 giải ngân tối thiểu đạt 95% và hết niên độ ngân sách năm 2021 đạt 100% kế hoạch vốn giao năm 2021.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tiếp tục thực hiện rà soát, tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn, điều chỉnh cơ cấu vốn theo hướng giảm kế hoạch vốn của các dự án thực hiện và giải ngân chậm hoặc giải ngân không đạt tiến độ để bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt nhưng chưa được bố trí đủ vốn. Tập trung đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn; rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật…
Giao Sở Tài chính thường xuyên rà soát nguồn thu từ sử dụng đất và xổ số kiến thiết để thông báo vốn cho Kho bạc Nhà nước để kịp thời giải ngân cho các dự án.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách nhà nước từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đảm bảo đáp ứng nhu cầu giải ngân các dự án theo kế hoạch; phối hợp với các địa phương, chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định các nhiệm vụ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 để làm cơ sở giải ngân…
Các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, điều chỉnh, bổ sung dự án; thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán theo quy định.
Đối với các đơn vị chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh các thủ tục điều chỉnh dự án, tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án trọng điểm; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai; chủ động quyết liệt trong công tác giải ngân, thanh toán.
Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA), các đơn vị chủ đầu tư tiếp tục chủ động bám sát các bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án.