Năm 2020, những sản phẩm bất động sản trong các khu đô thị thông minh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với các dự án thông thường. Không những vậy, những dự án có quy hoạch bài bản, đảm bảo hiện thực hoá được những bản vẽ đẹp thành những khu đô thị có sức sống, vì con người luôn có sức cạnh tranh cao và có giá bán cao vượt trội.
Theo KTS. Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra và tận dụng cơ hội để phát triển bằng sự thích ứng nhanh, đẩy mạnh hơn bao giờ hết việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 vào kinh doanh. Đặc biệt, nổi lên là xu hướng phát triển bất động sản một cách bền vững hơn, nhân văn hơn bằng cách đầu tư, kiến tạo nên những khu đô thị thông minh và đáng sống. Ngôi nhà đối với mỗi cư dân không chỉ đơn thuần là nơi che mưa che nắng, đó phải là một không gian sống đầy đủ tiện ích, giao hòa với thiên nhiên để con người có thể nuôi dưỡng tâm hồn, tái tạo năng lượng, là nơi ghi dấu những kỷ niệm trong cuộc đời. Vì vậy, việc xây dựng những khu đô thị thông minh và đáng sống đang là đích đến của các doanh nghiệp phát triển bất động sản chuyên nghiệp.
Xây dựng đô thị thông minh ngày càng trở nên cấp thiết
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, năm 2020, những sản phẩm bất động sản trong các khu đô thị thông minh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với các dự án thông thường. Không những vậy, những dự án có quy hoạch bài bản, đảm bảo hiện thực hoá được những bản vẽ đẹp thành những khu đô thị có sức sống, vì con người luôn có sức cạnh tranh cao và có giá bán cao vượt trội. Ngược lại, các sản phẩm nhỏ lẻ dần vắng bóng và không còn sức hút như dự án lớn được ứng dụng giải pháp thông minh. “Đô thị hóa chắc chắn sẽ diễn ra ngày một mạnh mẽ hơn, là một quá trình tất yếu của một nền kinh tế phát triển ở đẳng cấp cao hơn, nhất là khi đi vào công nghiệp hóa. Xây dựng đô thị thông minh và đáng sống ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt”, ông Đỗ Viết Chiến chia sẻ.
Tuy nhiên, quá trình đó cũng tạo ra vô vàn những hệ lụy cần phải giải quyết. Đó là áp lực về hạ tầng và dân số, làm sao bảo vệ được môi trường sống và các tiện ích để con người cảm thấy khỏe khoắn hơn mỗi ngày, sống có ý nghĩa hơn mỗi ngày? Nhiều nhà quản lý và các doanh nghiệp bất động sản đang còn loay hoay trong việc bắt đầu từ đâu và bằng cách nào; họ cũng đang gặp phải khó khăn trong việc xác định tiêu chí và đo lường hiệu quả của dự án.
Dưới góc độ là đơn vị tư vấn quy hoạch quốc tế, ông Nguyễn Đỗ Dũng - Tổng giám đốc enCity chia sẻ, nếu như kiến tạo một đô thị mới đã là một bài toán khó thì kiến tạo khu đô thị mới đáng sống lại càng khó hơn. Nhìn vào bức tranh đô thị Việt Nam hiện nay có thể thấy nhiều nơi hạ tầng đã xong nhưng không có người ở, hiệu quả sử dụng đất sụt giảm, hình thành nên những khu đô thị bỏ hoang… Khi quy hoạch bị phá vỡ, sức ép hạ tầng gây ra các hệ quả cho xã hội như tắc đường, kẹt xe, ngập lụt… Tình trạng này diễn ra ở cả những khu đô thị được cho là đáng sống ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Vậy khi phát triển một khu đô thị mới thì có những thách thức nào? Với góc nhìn của nhà chuyên môn, theo ông Dũng, có 6 thách thức cho đối với việc phát triển một khu đô thị mới, bao gồm: Thứ nhất là làm sao để chúng ta có thể thu hút cư dân và xây dựng một cộng đồng sống tốt. Thứ hai là làm sao có thể thu hẹp khoảng cách với thành phố trung tâm. Thứ ba là đa dạng hoạt động kinh tế. Thứ tư là sự linh hoạt với các biến động của thị trường. Thứ năm là xây dựng mô hình vận hành. Thứ sáu là gia tăng giá trị đất đai theo thời gian.
Vị chuyên gia tư vấn quốc tế này lấy ví dụ về một khu đô thị mới hiện đại, nơi sống hấp dẫn nhất tại Mỹ, nơi mà nhà đầu tư đã phải chịu thiệt hại tới 1 tỷ USD để duy trì sự phát triển. Hay như thành phố mới Songdo (Incheon, Hàn Quốc), Chính phủ nước này đã buộc phải mua lại dự án bởi mục tiêu phát triển thành một trung tâm tài chính - kinh doanh đã không thành công...
Ông Pablo Acebillo, chuyên gia cao cấp về Quy hoạch và Hạ tầng của enCity cho rằng, đô thị thông minh là một hệ sinh thái mang lại môi trường sống chất lượng cao cho người dân, hỗ trợ bởi khung quy hoạch đô thị tích hợp, có sự tham gia của các bên liên quan và sử dụng nền tảng công nghệ, kết hợp với công nghệ thông tin và khả năng phân tích dữ liệu tiên tiến. Hệ sinh thái này bao gồm các bên cung cấp giải pháp, bên thụ hưởng và hệ thống hạ tầng thông minh khác biệt bởi khả năng đưa ra các quyết định trong thời gian thực cho tất cả các bên một cách nhanh chóng, hiệu quả, bền vững và kinh tế.
“Đô thị thông minh trước hết là thành quả của sự tham gia, hành động và tương tác của hàng vạn con người, hàng trăm doanh nghiệp và hàng chục cơ quan có thẩm quyền. Do đó, xây dựng đô thị thông minh là xây dựng một cộng đồng thông minh và tham gia tích cực vào sự phát triển chung. Mỗi thành phố ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau sẽ cần ưu tiên cấu phần đô thị thông minh khác nhau”, ông Pablo Acebillo nhấn mạnh.