Ngày 23/5/2024, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng Tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện Nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp an toàn phòng, chữa cháy khi xây dựng và vận hành hệ thống tàu điện ngầm”, do trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Lê Minh Long - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp
Bảo vệ kết quả thực hiện Nhiệm vụ trước Hội đồng, PGS.TS. Đặng Trung Thành - Chủ trì Nhiệm vụ cho biết, các vụ hỏa hoạn xảy ra trong quá trình xây dựng và vận hành hệ thống tàu điện ngầm thường gây hậu quả rất lớn, nguy cơ thiệt hại về người, hư hỏng trang thiết bị, kết cấu chống giữ hoặc có thể gây phá huỷ đường hầm. Ở Việt Nam hiện nay việc đảm bảo an toàn cho hệ thống tàu điện ngầm có xét đến các nguyên nhân gây cháy chưa được quan tâm đúng mức. Việt Nam cũng chưa có hướng dẫn an toàn phòng, chữa cháy cho hệ thống tàu điện ngầm khi gặp sự cố. Do đó, việc nghiên cứu ảnh hưởng của cháy đến an toàn trong khi thi công, xây dựng cũng như vận hành, khai thác hệ thống tàu điện ngầm có tính cấp thiết và ý nghĩa khoa học, thực tiễn cao.
Mục tiêu của Nhiệm vụ nhằm làm rõ các nguyên nhân gây cháy khi xây dựng và vận hành hệ thống tàu điện ngầm; đề xuất các giải pháp an toàn phòng, chữa cháy khi xây dựng và vận hành hệ thống này.
Sản phẩm được hoàn thành gồm bộ tài liệu các nguyên nhân gây cháy khi xây dựng và vận hành hệ thống tàu điện ngầm trong khu vực đô thị; Hướng dẫn kỹ thuật các giải pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy khi xây dựng và vận hành hệ thống tàu điện ngầm; Báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt Nhiệm vụ.
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm đưa ra một số kiến nghị cụ thể: cần tiếp tục nghiên cứu về ảnh hưởng của cháy đối với hệ thống tàu điện ngầm, bao gồm phát triển các vật liệu xây dựng và công nghệ mới; theo dõi và đánh giá các nguy cơ mới, tiềm ẩn, giúp định hình các biện pháp, giải pháp phòng cháy hiệu quả hơn; tăng cường đào tạo cho các nhân viên về kỹ năng phòng cháy và chữa cháy, xây dựng các chương trình đào tạo cho người dân và nâng cao nhận thức về an toàn cháy với hành khách khi tham gia giao thông bằng hệ thống tàu điện ngầm. Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng hệ thống cảnh báo và phòng cháy đa tầng, thiết lập hệ thống cảnh báo tự động, thông minh để giúp nhận biết sớm các dấu hiệu cháy và kích hoạt các biện pháp phòng cháy tự động hoặc hướng dẫn sơ tán an toàn; kiểm soát việc sử dụng vật liệu xây dựng chống cháy cũng như sử dụng các lớp vật liệu cách nhiệt, chống cháy tại các vị trí chiến lược trong hệ thống tàu điện ngầm; lập kế hoạch và thực hiện các chương trình kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ cho các thiết bị phòng cháy, các hệ thống điện và hệ thống cảnh báo; củng cố sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan (các nhà thầu, chính quyền địa phương, lực lượng phòng cháy chữa cháy, các nhà khoa học...).
Tại cuộc họp, các chuyên gia thành viên Hội đồng nhất trí với lý do, sự cần thiết thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đánh giá trong thời hạn được giao, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ sản phẩm theo hợp đồng và cơ bản đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh những ưu điểm đạt được, các chuyên gia thành viên Hội đồng cũng nêu ra một số vấn đề cần làm rõ hơn trong Nhiệm vụ như: hiện nay, Việt Nam đã có những đề tài nghiên cứu, tài liệu, hướng dẫn liên quan đến nội dung Nhiệm vụ hay chưa, từ đó nhấn mạnh yếu tố mới, cần thiết của việc nghiên cứu; rà soát, biên tập danh mục tài liệu tham khảo theo nhóm để tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng tra cứu; biên tập kỹ nội dung Hướng dẫn kỹ thuật các giải pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy khi xây dựng và vận hành hệ thống tàu điện ngầm, đảm bảo tính khoa học, hợp lý hơn; chú ý sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành.
Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Lê Minh Long tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ để nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo tổng kết và các sản phẩm của Nhiệm vụ.
Hội đồng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu kết quả thực hiện Nhiệm vụ.