Nghiệm thu đề tài “Khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn và nước thải tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam”

Thứ năm, 10/04/2014 15:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 10/4/2014, tại cơ quan Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức buổi họp nghiệm thu Đề tài “Khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn và nước thải tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam”, mã số MT 04-10, của Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (VUREIA). ThS. Trần Đình Thái - Vụ phó Vụ KHCN & Môi trường, Bộ Xây dựng, làm Chủ tịch Hội đồng.

ThS. Đinh Minh Trí báo cáo về kết quả khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam

Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Nguyễn Đức Khiển cho biết trong tổng số 85,8 triệu dân tính đến năm 2009, có 25,4 triệu dân (tương đương 30% dân số) sống ở đô thị, và con số này đã tăng liên tục từ mức 24% năm 2000. Theo dự báo, Việt nam sẽ duy trì tốc độ đô thị hóa và kèm theo đó là sự gia tăng số lượng các cơ sở công nghiệp và thương mại để thu hút dân cư cũng như sự phát triển nhu cầu về cơ sở hạ tầng đô thị và các dịch vụ đô thị cơ bản. Vấn đề này đang gây ra những áp lực đối với môi trường đô thị. Cùng với sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa, lượng chất thải rắn và nước thải cũng gia tăng nhanh chóng. Nguy cơ ô nhiễm môi trường và tác động tới sức khỏe cộng đồng do chất thải rắn và nước thải gây ra đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách của công tác bảo vệ môi trường ở nước ta, đặc biệt là các đô thị lớn. Chính vì vậy, rất cần phải rà soát lại hiện trạng hoạt động, hiệu quả xử lý cũng như tính phù hợp của các công nghệ xử lý đang áp dụng với tình hình phát triển kinh tế của nước ta, để từ đó đề xuất được những công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải có hiệu quả, phù hợp với các đô thị và khu công nghiệp tại Việt Nam.

Thay mặt nhóm thực hiện Đề tài, ThS. Đinh Minh Trí đã báo cáo Hội đồng về kết quả khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp. Theo đó, khái niệm “chất thải sinh hoạt” chỉ có tính chất tương đối về nguồn gốc sinh ra chất thải, trong chất thải sinh hoạt có cả chất thải nguy hại. Tỉ lệ gia tăng chất thải sinh hoạt ở Việt Nam hiện nay là khoảng 9%/năm, giai đoạn sau năm 2020, tỉ lệ tăng sẽ giảm và bão hòa ở mức 7%/năm. Thành phần chất thải hữu cơ có thể sản xuất phân vi sinh trung bình khoảng 40%, và tỉ lệ này sẽ giảm trong tương lai. Khối lượng, thành phần chất thải sinh hoạt thay đổi theo vùng - miền, đô thị - nông thôn. Đây là yếu tố rất quan trọng để đề xuất công nghệ xử lý phù hợp. Để xử lý chất thải rắn, Việt Nam hiện đang áp dụng các công nghệ: chôn lấp hợp vệ sinh, đốt chất thải (trong đó có công nghệ đốt chất thải tiết kiệm nhiên liệu, công nghệ đốt chất thải trong lò xi măng, công nghệ xử lý chất thải hữu cơ - hiếu khí, công nghệ xử lý chất thải hữu cơ - kỵ khí, công nghệ AIC, công nghệ Seraphin, công nghệ an sinh - ASC, công nghệ tái chế nhựa thành dầu DO, công nghệ xử lý chất thải MBT-CD.08). Báo cáo cũng đánh giá chi tiết các công nghệ xử lý chất thải hiện đang được áp dụng ở nước ta, đồng thời giới thiệu các công nghệ xử lý chi phí thấp, thân thiện với môi trường và các công nghệ xử lý tiên tiến đang được áp dụng ở một số nước trên thế giới. Đặc biệt, báo cáo còn đề xuất công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt phù hợp với Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.

TS. Trần Thị Hiền Hòa báo cáo về kết quả khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý nước thải tại các đô thị và khu công nghiệp

Nội dung khảo sát, đánh giá công nghệ xử lý nước thải tại các đô thị và khu công nghiệp do TS. Trần Thị Hiền Hòa báo cáo. Theo đó, nước dùng trong sinh hoạt của dân cư các đô thị ngày càng tăng nhanh do dân số tăng và sự phát triển của các dịch vụ đô thị. Hiện nay, hầu hết các đô thị đều chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Ở các đô thị đã có một số trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thì tỉ lệ nước được xử lý còn rất thấp so với yêu cầu. Nước thải từ các khu công nghiệp có thành phần đa dạng, chủ yếu là các chất lơ lửng, chất hữu cơ, dầu mỡ và một số kim loại nặng. Khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận không qua xử lý đã gây ô nhiễm môi trường nước mặt. Công nghệ xử lý nước thải thường ứng dụng các quá trình xử lý cơ học, sinh học và hóa học – hóa lý để loại bỏ cặn lơ lửng, chất hữu cơ, độ màu, dầu mỡ, kim loại nặng… Nhìn chung việc xử lý nước thải trong các khu công nghiệp chưa được coi trọng, ngay cả các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung nhưng việc vận hành cũng chưa tốt, tỉ lệ các nhà máy đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung vẫn còn thấp, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều khu công nghiệp vẫn còn nghiêm trọng. Đã có nhiều công nghệ xử lý nước thải được áp dụng tại các hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các công nghệ xử lý nước thải đã áp dụng khá phong phú, tập trung vào 2 nhóm chính: Công nghệ xử lý hóa lý (bao gồm các công đoạn như lắng sơ bộ, tách dầu, tuyển nổi, điều chỉnh PH, keo tụ tạo bông, lọc, khử trùng bằng Clorine…), công nghệ xử lý sinh học (bao gồm các công nghệ xử lý sinh học kỵ khí và công nghệ sinh học hiếu khí). Tùy theo các loại nước thải khác nhau, quy mô và khả năng đầu tư, yêu cầu xử lý mà các công nghệ được áp dụng riêng rẽ hoặc được kết hợp. Công nghệ phổ biến nhất được sử dụng là công nghệ sinh học hiếu khí bùn hoạt tính và công nghệ xử lý hóa lý keo tụ - tạo bông, khử trùng.

Các báo cáo phản biện và ý kiến của các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao tinh thần làm việc công phu, nghiêm túc, tích cực của nhóm thực hiện Đề tài, và nhận định nhóm đã thực hiện được một khối lượng công việc lớn trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, các thành viên trong Hội đồng đã góp ý với nhóm thực hiện Đề tài là: Cần cập nhật các văn bản pháp quy được trích dẫn trong báo cáo, nên lược bớt các phần nặng về lý thuyết, bổ sung thêm hiện trạng và công nghệ xử lý chất thải rắn y tế trong cả nước, và nên đưa ra các giải pháp phù hợp về chi phí và phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu – ThS. Trần Đình Thái nhất trí với các ý kiến của các thành viên Hội đồng, và đánh giá cao kết quả đạt được của Đề tài.

Đề tài đã được nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá./.


Thu Huyền

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)