Nghiệm thu 2 dự án Sự nghiệp kinh tế do Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thực hiện

Thứ năm, 28/07/2022 18:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 28/7/2022, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện 2 dự án sự nghiệp kinh tế: “Điều tra, khảo sát tình hình thực hiện chính sách về mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài”; “Điều tra, khảo sát nhu cầu về nhà ở tại một số đô thị phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030”, do Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chủ trì thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Lê Đông Thành - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

ThS. Nguyễn Mạnh Khởi bảo vệ kết quả thực hiện 2 dự án trước Hội đồng

Báo cáo kết quả thực hiện dự án “Điều tra, khảo sát tình hình thực hiện chính sách về mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài”, ThS. Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Chủ nhiệm dự án cho biết, ngày 25/11/2014, Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở 2014, trong đó dành riêng một Chương để quy định cụ thể về chính sách sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Luật Nhà ở 2014 đã quy định mở rộng đối tượng, điều kiện, số lượng và loại nhà ở được sở hữu đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và bảo đảm xu hướng hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Luật này cũng có các quy định chặt chẽ về số lượng sở hữu, phạm vi nhà ở được sở hữu (chỉ trong dự án nhà ở thương mại)...Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc đối với mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Hơn nữa, cũng cần có nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung đối với quy định kiểm soát quản lý tình hình sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, bảo đảm chặt chẽ hơn.

Năm 2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát các quy định về sở hữu nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài để nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng được các quy định về an ninh, quốc phòng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách về mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài là hết sức cần thiết.

Để thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực tiễn tại một số thành phố có số lượng nhà ở thương mại lớn, đồng thời áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học. Sản phẩm của dự án được nhóm nghiên cứu hoàn thành gồm có: Báo cáo tổng kết, tổng quan về tình hình thực hiện các quy định và mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của chính sách cho phép mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về nhà ở.

Theo ThS. Nguyễn Mạnh Khởi, đến nay, kết quả nghiên cứu của dự án đã được áp dụng vào thực tiễn tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP trong đó có nội dung liên quan đến người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Tờ trình số 26/TTr-BXD ngày 10/12/2021 của Bộ Xây dựng trình Chính phủ hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó có nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung về quy định sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Về dự án “Điều tra, khảo sát nhu cầu về nhà ở tại một số đô thị phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030”, ThS. Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, dự án nhằm tạo cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia trong giai đoạn tới, là cơ sở để giúp cơ quan nhà nước hoàn thiện thể chế pháp luật, định hình các chủ trương, chính sách, giải pháp thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển phù hợp với những thay đổi về nhu cầu nhà ở trong thời gian qua, tạo điều kiện để mọi người dân mọi thành phần kinh tế tham gia tạo lập chỗ ở phù hợp và ổn định, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2030, nhóm nghiên cứu cho biết, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân, đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thấp và của các đối tượng thụ hưởng chính sách; phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở.

Dự án cũng đề xuất chính sách phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 đối với nhà ở thương mại; nhà ở xã hội; nhà ở công nhân; nhà ở lực lượng vũ trang; nhà ở người có công; nhà ở hộ nghèo nông thôn; nhà ở sinh viên, học sinh; nhà ở khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu; nhà ở công vụ; nhà ở tái định cư; đề xuất chính sách xây dựng, ban hành chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; chính sách về phát triển thị trường bất động sản; chính sách quản lý, sử dụng nhà chung cư; chính sách về quy hoạch, phát triển quỹ đất; chính sách tài chính, tín dụng - thuế; cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư và một số chính sách khác.

ThS. Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, đến nay, kết quả nghiên cứu của dự án đã được áp dụng vào thực tiễn - “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 22/12/2021.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đều thống nhất với lý do, sự cần thiết, ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của các dự án, đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ theo hợp đồng. Các báo cáo tổng kết có lượng thông tin đa dạng, phong phú, bố cục hợp lý; đã tổng quan tương đối đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện chính sách về mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng như nhu cầu về nhà ở tại một số đô thị. Các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tế. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến: cần chú trọng nhiều hơn đến xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp; làm rõ hơn phạm vi, đối tượng nghiên cứu; bổ sung các mẫu phiếu điều tra, khảo sát; rà soát, chỉnh sửa các lỗi chế bản, lỗi đánh máy...

Chủ tịch Hội đồng Lê Đông Thành kết luận cuộc họp

Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu 2 dự án của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, với kết quả Khá cho dự án “Điều tra, khảo sát tình hình thực hiện chính sách về mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài”, kết quả Xuất sắc cho dự án “Điều tra, khảo sát nhu cầu về nhà ở tại một số đô thị phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030”.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)