Xây dựng Hòa Vang thành vùng kinh tế động lực của Đà Nẵng

Wednesday, 07/03/2024 14:34
Acronyms View with font size

Với quỹ đất lớn, cùng nhiều tiềm năng, lợi thế, huyện Hòa Vang - địa bàn nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng - đang nỗ lực thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở, phấn đấu trở thành thị xã, trung tâm hành chính, kinh tế đa ngành, cửa ngõ kết nối Đà Nẵng với Quảng Nam và vùng Tây Nguyên.

Một góc đô thị vùng tây bắc Hòa Vang.

Theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2025, huyện Hòa Vang được xác định là cửa ngõ quan trọng của thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, huyện đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, tạo động lực cho thành phố như đường vành đai phía tây, đường vành đai 2, khu công nghệ cao, đường cao tốc bắc nam, Quốc lộ 14B, đồng thời đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án như Khu đô thị trung tâm huyện, Cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Khu công nghiệp Hòa Ninh, Trung tâm cảng cạn-Logistics Hòa Nhơn, chợ đầu mối Hòa Phước và ba vùng nông nghiệp công nghệ cao tại các xã Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong...

Đồng chí Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết, dư địa phát triển của huyện còn rất lớn, có thể nói là lớn nhất của Đà Nẵng, nhất là nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái với diện tích rừng hơn 58.000 ha, trong đó hơn 33.000 ha là rừng tự nhiên. Hiện trên địa bàn huyện có 12 đồ án quy hoạch phân khu đang được xem xét, phê duyệt, với đa dạng phân khu chức năng: Đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp. Phân khu đô thị huyện lỵ đã được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt tỷ lệ ½.000, với diện tích quy hoạch 229,1 ha. Đây sẽ là Trung tâm hành chính huyện, là tiểu trung tâm kinh tế đa ngành, ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ hỗ trợ cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch cấp khu vực và là động lực phát triển đô thị phía tây thành phố Đà Nẵng. Huyện cũng còn 74 lô đất lớn với tổng diện tích gần 44 ha đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng bao gồm mặt bằng sạch, đường giao thông thuận lợi, hệ thống điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc..., sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Chủ tịch Sun Group vùng miền trung Nguyễn Văn Bình, doanh nghiệp đang khai thác khu du lịch Bà Nà Hill, nhận định: Hòa Vang có nhiều tiềm năng nhưng dự án quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia và quốc tế vẫn còn quá khiêm tốn. Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, huyện Hòa Vang cần có lộ trình sớm thúc đẩy để triển khai các dự án đã được quy hoạch; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng, tiềm lực đến đầu tư, phát triển. Bên cạnh đó, huyện cần triển khai các quần thể du lịch quy mô quốc tế, liên kết với các khu du lịch nổi tiếng trong khu vực, tránh tư duy đầu tư manh mún, nhỏ lẻ. Đồng quan điểm, ông Trần Minh Thái, đại diện Công ty cổ phần DHC, chủ đầu tư khu du lịch suối khoáng nóng Núi Thần Tài cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ để doanh nghiệp có thể đầu tư mở rộng hay xây dựng mới các khu du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Cụ thể, việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các khu vực có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, việc chuyển đổi đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo... sang đất du lịch, dịch vụ gặp khó khăn do nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo. Các tuyến đường kết nối giữa các khu du lịch lớn, các vùng giàu tiềm năng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Phó Tổng Giám đốc liên doanh Newtecho Group-Makara Capital-sakae Holding Đỗ Trung Kiên cho rằng: Hòa Vang cần xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng có ứng dụng công nghệ số, nền tảng là không gian đô thị thông minh, hiện đại. Hệ thống không gian mở, hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Không gian quy hoạch Hòa Vang trong tương lai sẽ thể hiện tầm nhìn quy hoạch của Đà Nẵng, vì sức hấp dẫn của Hòa Vang là rất lớn do nhiều tiềm năng và sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm, mở ra cơ hội phát triển đột phá cho Hòa Vang nói riêng, Đà Nẵng nói chung. Là doanh nghiệp chuyên quản lý, đầu tư và phát triển hệ thống chợ đầu mối, ông Nguyễn Hồng Lam, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Proton khẳng định: Xây dựng chợ đầu mối Hòa Phước để di dời chợ đầu mối Hòa Cường ra khỏi trung tâm thành phố là hết sức cần thiết và cấp bách. Chợ đầu mối Hòa Phước không chỉ phục vụ cho Đà Nẵng, mà còn phục vụ cho cả vùng bắc Quảng Nam, trong đó có nhiều đô thị lớn như Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An... Vấn đề quan trọng là huyện Hòa Vang và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cần sớm xúc tiến việc chuẩn bị quỹ đất sạch, mặt bằng để quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối với tầm nhìn từ 40 đến 50 năm để phát triển ngành bán buôn có quy mô lớn.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn, diện tích của huyện chiếm gần 75% diện tích đất liền của thành phố Đà Nẵng, có hệ sinh thái, tài nguyên đa dạng, kết cấu hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, hệ thống giao thông thuận lợi, tiềm năng du lịch phong phú, nguồn lực lao động dồi dào. Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hòa Vang trở thành thị xã, lãnh đạo huyện xác định trọng tâm của quá trình phát triển là lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp là phương châm hoạt động của các cấp, ngành. Hòa Vang đã và đang nỗ lực thay đổi toàn diện, căn bản môi trường hành chính, bảo đảm nhà đầu tư, doanh nghiệp “đến là làm”, đầu tư đúng lộ trình, hiệu quả, tạo việc làm và phát triển ổn định. “Chúng tôi cam kết nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng biến những tiềm năng, lợi thế, dư địa và tài nguyên tự nhiên phong phú của Hòa Vang thành kết quả cụ thể, thiết thực. Từ đó, tạo những xung lực mới, cùng nhau hiện thực hóa khát vọng xây dựng Hòa Vang phát triển bền vững, thật sự trở thành động lực tăng trưởng của thành phố Đà Nẵng”, đồng chí Phan Văn Tôn khẳng định.

Source: Nhân dân điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)